Việc các Youtuber quay và phát tán hình ảnh xuyên tạc Phật Giáo gây bức xúc trong dư luận, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP HCM đã đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc.
Liên quan đến việc ông Nguyễn Minh Phúc (SN 1983, ngụ huyện Củ Chi, TP HCM) mặc áo giống nhà sư, Công an quận Gò Vấp đang củng cố hồ sơ, xem xét xử lý những sai phạm (nếu có) tại quán bar trên địa bàn.
Sau khi làm việc tại trụ sở công an, ông Nguyễn Minh Phúc ra về khi âm tính ma túy.
Ông Phúc đã được các Youtuber, TikToker “săn đón” để kể vụ việc tại công an. Hiện nay trên mạng xã hội tràn lan các clip về ông này.
Mới nhất, một TikToker phỏng vấn ông Phúc: “Thầy đi đâu mà công an bắt vậy? Đi vũ trường mà bị công an bắt vô đồn công an, quá bất ngờ”.
Trước đó, ông Nguyễn Minh Phúc được rất nhiều Youtuber, Facebooker, TikToker quay clip đăng lên mạng xã hội gây sốc với việc ăn thịt, ăn trứng lộn.
Liên quan tới các Youtuber quay và phát tán các clip có nội dung xuyên tạc, Thượng tọa Thích Tâm Hải, Trưởng Ban Thông tin – Truyền thông Giáo hội Phật Giáo Việt Nam TP HCM, cho biết Ban Trị sự đã đề nghị Giáo hội có văn bản gửi Sở Thông tin và truyền thông, Công an TP HCM xử lý.
Về phát ngôn “thầy chùa được quyền ăn thịt chó” cũng như kêu gọi người dân có động vật thì mang đến tặng của ông Nguyễn Minh Phúc, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM nói:
“Về văn hóa ẩm thực Phật giáo, có hai trường phái là Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Nam truyền. Phật giáo Nam truyền cho phép tu sĩ được ăn động vật còn Phật giáo Đại thừa thì khích lệ ăn chay. Ông Nguyễn Minh Phúc ăn mặc theo Đại thừa nhưng chọn văn hóa ẩm thực Nam truyền thì không giống ai.
Phật giáo nguyên thủy cho ăn động vật thì vấn đề này không kêu gọi, không chỉ đạo mà tình cờ đi khất thực thì người dân cho thức ăn gì thì ăn đó, vấn đề này là bình thường. Ở đây, ông Nguyễn Minh Phúc kêu gọi đem động vật đến tặng mình là việc làm sai trái”.
Thượng tọa Thích Nhật Từ chia sẻ thêm rằng ông Nguyễn Minh Phúc không phải là tu sĩ mà ông giả dạng, tự mặc áo, làm giấy tờ tu sĩ giả. Các quyết định bổ nhiệm do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp cho ông Nguyễn Minh Phúc đều do ông ta tự làm giả mạo. Việc làm của ông Nguyễn Minh Phúc đã làm náo động cộng đồng Phật giáo và các YouTuber khai thác triệt để nhằm “câu view” kiếm tiền.
Cả ông Nguyễn Minh Phúc và các YouTuber đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh Phật giáo nên các cơ quan chức năng cần phải xử lý ông này thật nặng. Chỉ riêng các giấy tờ mà ông Nguyễn Minh Phúc làm giả thì các cơ quan chức năng đã có thể khởi tố tội “Làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” được quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự”.
Theo thượng tọa Thích Tâm Hải, từ năm 2015 cho đến nay, chính quyền địa phương đã nhiều lần cử đoàn đến làm việc về những sự việc bất hợp pháp trên và đã nhiều lần mời ông Phúc đến làm việc nhưng ông đều vắng không có lý do.
Chính quyền địa phương cũng đã tổ chức họp dân thông báo việc ông Nguyễn Minh Phúc giả danh tu sĩ, đồng thời yêu cầu ông Phúc tháo gỡ tất cả bảng hiệu có nội dung không đúng quy định, trong đó có bảng hiệu để tên gọi là “chùa Hoằng Pháp Trung ương”.
Cơ quan chức năng cũng thông tin cho biết các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước cấp cho tập thể và cá nhân ông Nguyễn Minh Phúc như 5 Huân chương Lao động, 2 bằng khen… không có tên trong danh sách khen thưởng lưu trữ tại Ban Thi đua – Khen thưởng, các trường hợp được khen thưởng không hề có tên ông Nguyễn Minh Phúc.
Nguồn: HẠNH NGUYÊN
theo Người Lao Động
Tin cùng chuyên mục:
Chiến công xuất sắc của công an Hà Nội: Triệt phá đường dây mua bán thận qua mạng xã hội
Vụ cưỡng đoạt tài sản ở Nam Định: 3 cán bộ Báo Giao thông bị khởi tố
Đèn tín hiệu không có lỗi – Ý thức người tham gia giao thông mới là chính
Cảnh giác với tổ chức “Năng lượng gốc Trống đồng Việt Nam”