Một nhóm chuyên gia chuyên nghiên cứu chiến sự Ukraine có trụ sở tại Mỹ đã kết luận rằng, Moskva sẽ không cạn kiệt tên lửa cho các hoạt động quân sự ở Ukraine.
Ian Williams, thành viên của Chương trình An ninh quốc tế và là Phó giám đốc Dự án phòng thủ tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), tuyên bố rằng “sẽ là không thực tế nếu mong đợi Nga cạn kiệt tên lửa”.
Báo cáo của Ian Williams lưu ý thêm rằng, Moskva có đủ khả năng tấn công tầm xa cần thiết để gây thiệt hại đáng kể cho dân số, nền kinh tế và quân sự của Ukraine bất chấp các lệnh trừng phạt và quy định xuất khẩu.
Cuộc chiến tên lửa của Nga và những suy đoán
Nga đã không ngừng tung ra các cuộc tấn công tên lửa vào Ukraine. Nửa cuối năm 2022, các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của Ukraine, đặc biệt là làm tê liệt cơ sở hạ tầng năng lượng.
Khi Nga bắt đầu mua và triển khai máy bay không người lái tự sát Shahed có nguồn gốc từ Iran để tấn công các mục tiêu bên trong Ukraine, một số quan chức Mỹ và sĩ quan Ukraine đã dự đoán rằng kho dự trữ tên lửa của quân đội Nga đang cạn kiệt.
Đến cuối năm 2022, sau hơn 9 tháng tham chiến ở Ukraine, Lầu Năm Góc tuyên bố rằng Nga ngày càng phụ thuộc vào các loại đạn pháo và tên lửa đã xuống cấp, một số được sản xuất cách đây hơn 4 thập kỷ. Vào thời điểm đó, các phương tiện truyền thông đưa tin rằng các quan chức Mỹ đã dự đoán Nga sẽ cạn kiệt kho dự trữ đạn dược.
Về phần mình, Nga đã chuyển từ việc bắn các tên lửa đạn đạo và hành trình dẫn đường chính xác và tiên tiến hơn sang các loại đạn thời Liên Xô, tuy có thể gây ra sự hủy diệt lớn nhưng độ chính xác không cao. Điều này càng củng cố cho những dự đoán của các quan chức cũng như các chuyên gia phương Tây.
Khi cuộc xung đột bước sang năm thứ hai, những dự đoán này đã trở nên phổ biến hơn trong giới tình báo Ukraine. Chẳng hạn, vào tháng 1/2023, người phát ngôn Lực lượng Không quân Ukraine Yuriy Ihnat trích dẫn thông tin tình báo tuyên bố rằng, kho tên lửa đạn đạo Iskander hiện đại của Nga chỉ còn dưới 100 quả.
Vào thời điểm đó, Nga cũng tăng cường sử dụng tên lửa phòng không S-300 và S-400 để tiến hành các cuộc tấn công vào nhiều mục tiêu trên bộ ở Ukraine. Điều này được một số chuyên gia gọi là chiến thuật mới của Moskva, nhằm thay thế cho các loại tên lửa đạn đạo có độ chính xác thấp.
Một số báo cáo dựa trên thông tin tình báo của Ukraine vào đầu năm 2023 khẳng định rằng, quân đội Nga sẽ hết tên lửa sau tháng Ba. Tuy nhiên cho đến hiện tại, các cuộc tấn công tên lửa của Nga vẫn tiếp tục và không suy giảm.
Câu trả lời của CSIS
Báo cáo của CSIS nhấn mạnh rằng, trong năm 2023, Nga thường xuyên tấn công các mục tiêu quân sự trên khắp Ukraine bằng các tên lửa tầm xa, đắt tiền. Mục tiêu của các cuộc tấn công tên lửa này đã thay đổi theo thời gian, đồng thời cường độ và chất lượng của đạn dược được sử dụng cũng thay đổi.
Vào tháng 5/2023, các chuyên gia vũ khí đã thu được các mảnh vỡ tên lửa hành trình mới được sản xuất của Nga phóng vào Ukraine, mà trước đó họ đã tuyên bố rằng kho vũ khí của Nga đã cạn kiệt và chỉ có thể cầm cự trong vòng vài tháng sau khi xung đột nổ ra.
Colin Kahl, Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách và một số quan chức Mỹ khác trước đây cũng đã dự đoán, việc xây dựng các kho dự trữ của Nga sẽ “khó khăn hơn rất nhiều” do các lệnh cấm vận, đặc biệt là việc mua vi mạch để lắp trên các tên lửa dẫn đường chính xác.
Tuy nhiên, báo cáo gần đây của CSIS lập luận rằng các hạn chế xuất khẩu và lệnh trừng phạt không có tác dụng đối với việc sản xuất tên lửa của Nga. “Các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu chỉ có thể hạn chế số lượng và chất lượng của các phương tiện tấn công mà Nga có thể có được”.
Liên quan đến những suy đoán về dự trữ tên lửa của Nga đang cạn kiệt, báo cáo cho rằng có khả năng Nga đã sử dụng hết phần tên lửa tầm xa được lên kế hoạch cho “chiến dịch quân sự đặc biệt” của mình. Và nhiều chuyên gia cho rằng, số tên lửa Nga đang sử dụng hiện tại là được rút bớt từ các chiến trường khác.
Báo cáo lưu ý, các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga đã chuyển từ các hệ thống tên lửa cao cấp như tên lửa hành trình sang các hệ thống “cấp thấp” kém hiệu quả hơn, nhưng ít tốn kém hơn như máy bay không người lái Shahed-136.
Báo cáo cũng chỉ ra, dù bị kiểm soát nhập khẩu các thành phần vi điện tử quan trọng, nhưng Nga vẫn tiếp tục sản xuất tên lửa bằng cách mua các thành phần do phương Tây sản xuất thông qua các bên thứ ba. Điều này đã được xác nhận bởi các lực lượng Ukraine, họ đã thu hồi và kiểm tra những thành phần có trong tên lửa Nga rơi bên trong lãnh thổ.
CSIS cũng lưu ý, các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu chỉ có thể khiến việc sản xuất tên lửa trở nên khó khăn và tốn kém hơn, hạn chế số lượng tên lửa mà Nga có thể sản xuất, nhưng không thể khiến Nga dừng hoàn toàn việc sản xuất tên lửa.
Phân tích các cuộc tấn công bằng tên lửa gần đây của Nga, báo cáo cho biết, không giống như các mục tiêu của Nga trong năm ngoái, các hoạt động tên lửa và máy bay không người lái của Nga kể từ tháng 5/2023 đã có phạm vi rộng hơn và khó dự đoán hơn.
Một số chuyên gia cũng cho rằng các mục tiêu hiện tại của Nga chủ yếu là giữ cho Ukraine mất cân bằng trong các hoạt động phản công ở miền Nam và buộc Ukraine chuyển hướng khả năng phòng không sang bảo vệ các thành phố của mình.
Báo cáo cho biết: “Với nguồn cung hạn chế của hệ thống phòng không Ukraine, một chiến dịch tấn công tổng lực và không thể đoán trước bằng tên lửa của Nga, sẽ buộc Ukraine phải đánh đổi giữa việc bảo vệ các thành phố và cơ sở hạ tầng quan trọng với việc bảo đảm phòng không cho các đơn vị quân đội của họ ở tiền tuyến”.
Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh phòng không chủ động sẽ là biện pháp chống lại các cuộc tấn công tên lửa của Nga, điều này sẽ đòi hỏi sự hỗ trợ và bổ sung liên tục từ các đồng minh của Ukraine.
LÊ HƯNG(Nguồn: Eurasian Times)
Tin cùng chuyên mục:
Hương sắc Hà Nội – Một trong 50 thành phố tuyệt vời nhất thế giới
Nóng: Giám đốc Đại học Huế bị bắt
Nhà báo quay clip xe múc đất rồi “gợi ý quà Tết”
Phương án cải tạo sông Tô Lịch: Cần làm rõ để đảm bảo hiệu quả