Cách nào chống tham nhũng chính sách?

Người xem: 205

(KTSG) – Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 5 vào cuối tuần trước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật; tuyệt đối không để xảy ra tham nhũng chính sách.

Toàn cảnh phiên bế mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN

Trong bài phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu hoạt động lập pháp thời gian tới phải “tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách; lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản quy phạm pháp luật; hoặc chỉ thiên về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý mà chưa xem xét thỏa đáng các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp”.
 
Phát biểu được đưa ra trong bối cảnh kỳ họp thứ 5 vừa kết thúc với một kỷ lục trong hoạt động lập pháp. Lần đầu tiên, có tới 20 văn bản quy phạm pháp luật được đặt lên bàn nghị sự Quốc hội trong một kỳ họp, gồm tám luật, ba nghị quyết được thông qua và chín luật được cho ý kiến, trong đó có dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Với kết quả này, sau một nửa nhiệm kỳ, Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội và các cơ quan liên quan đã hoàn thành 112/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ, đạt 81,8%.
 
Vậy với một khối lượng công việc lập pháp đồ sộ, Quốc hội sẽ xử lý bài toán chống tham nhũng chính sách bằng cách nào?
 

 

Để loại bỏ tham nhũng chính sách, cần bảo đảm sự minh bạch của quy trình làm chính sách và bảo đảm trách nhiệm giải trình…

 

 
Tham nhũng chính sách thường được hiểu là việc lạm dụng quyền ban hành chính sách, pháp luật để “cài cắm” các quyền phân bổ nguồn lực (tạo ra xin – cho) và các loại giấy phép, thủ tục không cần thiết, không hợp lý vào văn bản, nhằm phục vụ lợi ích của cá nhân hoặc phe nhóm.
 
Như vậy, chỉ những người có quyền dự thảo, ban hành chính sách, pháp luật mới có thể tham nhũng chính sách. Đó là những người có quyền hoạch định chính sách (gồm cán bộ của Chính phủ, các bộ, ngành, các UBND, các sở, phòng) và các cán bộ có quyền thẩm định và thông qua chính sách (gồm đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp).
 
Tham nhũng chính sách mang lại lợi ích vô cùng lớn cho những kẻ tham nhũng, đồng thời để lại những hậu quả nghiêm trọng cho đất nước – như làm méo mó môi trường đầu tư kinh doanh, làm cho cả đời sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp hết sức khó khăn, làm cạn kiệt nguồn lực của đất nước…
 
Đây không phải lần đầu tiên, Chủ tịch Quốc hội đề cập đến vấn đề này. Đầu nhiệm kỳ, trong hội nghị triển khai kết luận của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XV, ông cũng đặt ra yêu cầu tương tự. Mối quan tâm của lãnh đạo Quốc hội cho thấy chống tham nhũng chính sách rất cấp thiết và cũng là thách thức lớn.

 

Quốc hội cũng như các ủy ban chuyên môn hoàn toàn có thể “tranh thủ” chất xám của chuyên gia độc lập, các nhóm doanh nghiệp, tổ chức xã hội – những người/tổ chức có thể dễ dàng phát hiện việc lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản quy phạm pháp luật và đánh giá được tính hợp lý, tính công bằng của các quy định này.

 

Đơn cử, bất chấp nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian qua, kết quả đạt được còn rất khiêm tốn. Trong một phiên họp gần đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói rằng môi trường đầu tư hiện nay “rất kẹt”! “Chúng ta đã đấu tranh suốt mấy năm nay, thể chế đã cải thiện, cải tiến rất nhiều để giảm các điều kiện kinh doanh nhưng bây giờ thông qua các văn bản của các bộ, ngành, địa phương đã phát sinh ra hàng nghìn thủ tục mới. Đây là vấn đề rất lớn, làm cản trở và làm ách tắc tất cả hoạt động của nền kinh tế hiện nay”.
 
Hậu quả to lớn của tham nhũng chính sách rất “dễ thấy” nhưng hành vi tham nhũng chính sách lại không “dễ chặn”. Nói “không dễ chặn” bởi hai lý do. Về mặt kỹ thuật, cần có “chuyên môn” để nhìn ra sự “cài cắm” – vốn được “ngụy trang” bởi những biện minh về yêu cầu quản lý nhà nước rất dễ “xuôi tai”. Thứ nữa, kể cả nhìn ra rồi, “sức mạnh” của các nhóm lợi ích; sự “nhằng nhịt” trong các mối quan hệ lợi ích giữa các cơ quan làm chính sách, quyết định chính sách đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị lớn để xử lý.
 
Khó là như vậy, nhưng để loại bỏ tham nhũng chính sách, việc dễ hơn cần làm là bảo đảm sự minh bạch của quy trình làm chính sách và bảo đảm trách nhiệm giải trình…
 
Quốc hội, với chức năng và quyền hạn của mình, có thể đóng góp to lớn trong cuộc chiến này.
 
Thứ nhất, Quốc hội “quyết” về chính sách, nhưng bước xây dựng và soạn thảo các văn bản quy phạm là nhiệm vụ của cơ quan hành pháp. “Cài cắm” chính sách để có những lợi ích riêng cho các nhóm thường sẽ được “khéo léo” đưa vào trong tiến trình dự thảo. Vai trò nhận diện, phát hiện các “cài cắm” từ những ủy ban chuyên môn của Quốc hội trong quá trình thẩm tra là đặc biệt quan trọng. Muốn làm tốt, Quốc hội phải nâng cao năng lực thẩm định chính sách, pháp luật của mình.
 
Trong công việc này, Quốc hội cũng như các ủy ban chuyên môn hoàn toàn có thể “tranh thủ” chất xám của chuyên gia độc lập, các nhóm doanh nghiệp, tổ chức xã hội – những người/tổ chức có thể dễ dàng phát hiện việc lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản quy phạm pháp luật và đánh giá được tính hợp lý, tính công bằng của các quy định này.
 
Thứ hai, Quốc hội có thể coi giám sát năng lực cải cách thủ tục hành chính, tính hiệu quả của thực thi thủ tục hành chính là công việc quan trọng lúc này. Các công việc cần ưu tiên trước mắt là đưa giám sát năng lực cải cách thủ tục hành chính vào chương trình giám sát, đồng thời tăng cường yêu cầu các bộ trưởng phụ trách ngành giải trình chất vấn về công tác thực hiện thủ tục hành chính.
 
Dài hạn hơn, cần gắn trách nhiệm chính trị của bộ trưởng bằng cách đưa hiệu quả thực hiện thủ tục hành chính trở thành thước đo để đánh giá tín nhiệm, năng lực của bộ trưởng. Những người có thẩm quyền ban hành chính sách không thể “vô can” khi cơ chế, chính sách, dự án luật có nguy cơ tham nhũng được thông qua.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *