Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất cắt Internet đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trên mạng

Người xem: 166

Đề xuất được đưa ra trong Nghị định thay thế Nghị định 72/2013 và Nghị định 27/2018 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố lấy ý kiến.

 

Việc đề xuất ngừng cung cấp dịch vụ Internet là để xử lý nhanh vi phạm trên môi trường mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.

Đây là một trong số các nội dung mà Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) trình lên Chính phủ, nằm trong dự thảo Nghị định mới để thay thế cho hai Nghị định cũ ban hành năm 2013 và 2018 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet.
 
Bộ TT&TT cho biết dự thảo có 11 điểm mới trong đó bổ sung quy định doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet ngừng hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ đối với tổ chức, cá nhân có nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
 
“Qua thực tế công tác quản lý nhà nước, cơ quan soạn thảo nhận thấy cần phải bổ sung biện pháp xử lý nhanh với cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ Internet để cung cấp nội dung chống phá Đảng và Nhà nước trên môi trường mạng, nhất là sử dụng dịch vụ livestream trên mạng xã hội”, trích nội dung tờ trình.
 
Không chỉ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet mà cả các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trữ web, các trung tâm dữ liệu sẽ có trách nhiệm từ chối hoặc ngừng cung cấp dịch vụ theo yêu cầu của Bộ đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm. Các doanh nghiệp sẽ phải ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung, dịch vụ, ứng dụng chậm nhất không quá 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của Bộ.
 
Theo đại diện của Bộ, quy định trong dự thảo sẽ giúp giải quyết cơ bản nguồn vi phạm, cũng như giảm thời gian và nguồn lực của cơ quan chức năng trong việc thực hiện chặn gỡ từng nội dung vi phạm như hiện nay.
 
Ngoài ra, một số quy định mới liên quan đến việc quản lý người dùng và thông tin trên không gian mạng cũng được bổ sung trong dự thảo, như quy định xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội qua số điện thoại di động, khóa tạm thời hoặc vĩnh viễn tài khoản trang, nhóm cộng đồng, kênh nội dung vi phạm trên MXH trong nước và xuyên biên giới.
 
Nguồn: Hoài Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *