BBC xin lỗi vì đã hỏi đội trưởng Morocco có bao nhiêu người trong đội là đồng tính nữ

Người xem: 189

Câu hỏi ‘không phù hợp’ tại buổi họp báo này đã nhận một trận “mưa đá” trên mạng xã hội. Hãng BBC đã phải chính thức xin lỗi nhưng vấn đề không dừng lại đơn giản chỉ vì pha “lỡ miệng” của một nhà báo phương Tây. Cần lưu ý, Morocco là một quốc gia có đa số người theo đạo Hồi, và là quốc gia của khối Ả Rập đầu tiên dự World Cup

 

Các nhà hoạt động xã hội ngay lập tức cho rằng câu hỏi của phóng viên BBC đặt ra cho đội trưởng Ghizlane Chebbak trong cuộc họp báo trước trận đấu Đức – Morocco có khả năng gây nguy hiểm cho sự an toàn của đội bóng. Quan hệ tình dục đồng giới bị hình sự hóa ở quốc gia Bắc Phi này với hình phạt tối đa là ba năm tù và phạt tiền. Điều này có nghĩa, nếu cầu thủ nữ đồng tính thì họ cũng không thể thừa nhận. Vậy mà tay phóng viên của BBC World Service lại hỏi: “Ở Morocco quan hệ đồng tính là bất hợp pháp, vậy trong đội có cầu thủ đồng tính nào không và cuộc sống của họ ở Morocco như thế nào?”. Quan quan chức điều hành cuộc họp báo của FIFA can thiệp và nói: “Xin lỗi, đây là một câu hỏi rất chính trị nên chúng tôi sẽ chỉ tập trung vào các câu hỏi liên quan đến bóng đá”, nhưng tay phóng viên vẫn tiếp tục: “Đó không phải là chính trị, mà là về con người. Xin hãy để cô ấy trả lời”. Lúc đó, Chebbak mỉm cười và lắc đầu.

Một phát ngôn viên của BBC thừa nhận với hãng tin CNN: “Chúng tôi nhận ra rằng câu hỏi không phù hợp. Chúng tôi không có ý định gây ra bất kỳ tổn hại hay đau khổ nào”, nhưng các phương tiện truyền thông tham dự rõ ràng đã bị sốc và một số nhà báo đã lên mạng xã hội để lên án câu hỏi nói trên. Steph Yang, một phóng viên từ chuyên trang phân tích thể thao hàng đầu thế giới The Athletic thuộc sở hữu của New York Times (Mỹ) đã viết trên Twitter: “Từ góc độ của cuộc đấu tranh đòi bình đẳng giới, thì đây không phải là một câu hỏi thích hợp cho một cầu thủ và sẽ gây nguy hiểm cho chính các cầu thủ đó. Rõ ràng là chúng ta nói về sự giao thoa giữa các vấn đề xã hội và thể thao tại World Cup này, và điều quan trọng là phải làm như vậy. Nhưng chúng ta nên cẩn thận để các câu hỏi của chúng ta không gây thêm tổn hại cho những người bị ảnh hưởng bởi chính những vấn đề chính trị đó.”
 
Trong khi đó, Shireen Ahmed, một nhà báo của CBC Canada, bình luận: “Phóng viên đã hoàn toàn lạc lõng. Một nhân viên phụ trách truyền thông của FIFA đã bỏ qua câu hỏi này nhưng lẽ ra nó không nên được hỏi thì tốt hơn. Đây không phải là vấn đề tự do báo chí. Bạn có thể hỏi về luật xã hội ở những nơi khác nhau mà không gây nguy hiểm cho mọi người. Các nhà báo có nghĩa vụ phải công bằng, chính xác và hành nghề cẩn thận. Nếu làm hại ai đó, điều đó không chỉ phi đạo đức mà còn nguy hiểm”
 

Hậu vệ Nouhaila Benzina và đội trưởng Chebbak

Morocco không chỉ là quốc gia Ả Rập đầu tiên thi đấu tại World Cup, mà nếu hậu vệ Nouhaila Benzina có ra sân thì cô cũng sẽ trở thành cầu thủ đầu tiên đội khăn trùm đầu của phụ nữ Hồi giáo tại giải đấu toàn cầu, đó là cam kết của cô. Trong buổi họp báo, đội trưởng Chebbak cho biết: “Chúng tôi rất vinh dự là quốc gia Ả Rập đầu tiên tham gia World Cup nữ. Chúng tôi cảm thấy mình phải gánh vác trách nhiệm lớn trong việc thể hiện một hình ảnh đẹp, và thể hiện niềm tự hào của bóng đá đất nước tôi”.
 
Trong trận đấu lịch sử của mình, Morocco đã thua Đức đến 0-6. Dù đội tuyển nam của họ vừa lọt vào bán kết Qatar 2022 nhưng bóng đá nữ ở Morocco cũng như tại phần lớn các quốc gia Hồi giáo thì không thể phát triển do các định kiến hà khắc của xã hội, cho dù các đội bóng nam của họ lại rất mạnh. Thậm chí có nhiều nơi, phụ nữ còn không thể đến sân xem bóng đá, hoặc nếu có cũng vẫn phải mang khăn trùm đầu.
 
HỒ VIỆT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *