Vụ tham ô ở BTL Cảnh sát biển – Nỗi đau và bài học

Người xem: 202

Khoai@

Có lẽ trong lịch sử QĐND Việt Nam chưa bao giờ có vụ tham nhũng lớn như vụ Cảnh sát biển. Lớn không chỉ bởi số tiền mà các đối tượng tham ô, mà lớn bởi hầu hết các đối tượng đều là các tướng lĩnh (2 trung tướng, 3 thiếu tướng, 1 đại tá và 1 thượng tá), đang giữ các vị trí chủ chốt, căn cốt nhất của Cảnh sát biển. Vụ việc được coi là lớn cũng bởi hệ lụy gây ra là cực lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh dự, uy tín của Quân đội ta, và làm ảnh hưởng tiêu cực tới niềm tin của người dân với Quân đội.

Và tất nhiên, hành vi của các đối tượng nói trên đã bị pháp luật trừng trị thích đáng. 
 
Chiều 29/6/2023, Tòa án Quân sự Thủ đô đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Sơn (cựu trung tướng) mức án 16 năm tù, Hoàng Văn Đồng (cựu trung tướng, cựu chính ủy CSB) 15 năm 6 tháng tù.
 
Các bị cáo Doãn Bảo Quyết (cựu thiếu tướng, cựu phó chính ủy), Phạm Kim Hậu (cựu thiếu tướng, cựu tham mưu trưởng), Bùi Trung Dũng (cựu thiếu tướng, cựu phó tư lệnh) bị tuyên phạt cùng mức án 15 năm tù.
 
Bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu đại tá, cựu phó tư lệnh) bị tuyên phạt 10 năm tù, Bùi Văn Hòe (cựu thượng tá, cựu phó phòng Tài chính) 12 năm tù.
 
Về hình phạt bổ sung, cấm các bị cáo Sơn, Đồng, Quyết, Hậu, Dũng đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý trong thời hạn 5 năm, các bị cáo Hưng, Hòe là 3 năm.
 
Tòa cũng ghi nhận các bị cáo đã tự nguyện bồi thường xong toàn bộ thiệt hại là 50 tỉ đồng.
 
Theo HĐXX, có đủ cơ sở khẳng định hành vi của các bị cáo đã phạm tội tham ô tài sản. Cụ thể, năm 2019, khi Cục Kỹ thuật được phân bổ nguồn ngân sách quản lý hành chính, cựu tư lệnh Nguyễn Văn Sơn đã thống nhất với các bị cáo Đồng, Quyết, Hậu, Dũng về việc rút 50 tỉ đồng.
 
Ông Sơn sau đó chỉ đạo Hưng thực hiện. Đến lượt ông Hưng chỉ đạo sáu trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Kỹ thuật phải rút đủ 50 tỉ đồng. Những trưởng phòng này phân chia nguồn ngân sách thành 29 gói thầu, trong đó có chín gói thầu giá trị dưới 10 tỉ đồng để Tư lệnh CSB phê duyệt, không phải báo cáo Bộ Quốc phòng.
 
Họ đặt vấn đề với các nhà thầu để nâng giá, nhằm “hỗ trợ đơn vị có nguồn quỹ vốn sử dụng vào mục đích phúc lợi”. Sau đó, 24 hợp đồng được Bộ Tư lệnh CSB ký với 16 doanh nghiệp, giúp “rút ruột” ngân sách 50 tỉ đồng.
 
Có được số tiền này, trung tướng Nguyễn Văn Sơn chia cho mình và 4 người là Đồng, Hậu, Quyết và Dũng, mỗi người 10 tỉ đồng. 
 
Vụ án đã khép lại, nhưng vẫn còn đó những nỗi đau âm ỉ. Dẫu biết rằng, vụ việc này chỉ là “Con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng những nghi hoặc vẫn còn đó. Bên cạnh đó, bài học lớn về công tác cán bộ, cũng như công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong Quân đội cũng sẽ được mổ xẻ thấu đáo trong thời gian tới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *