Báo Mỹ: Cơ hội chiến thắng của Ukraine gần bằng 0

Người xem: 160

Nhiều tờ báo phương Tây bày tỏ lạc quan về cuộc phản công của Ukraine. Tuy nhiên, sự thật chiến trường không như vậy. Nhà báo Mỹ Davis cho rằng Ukraine cần phải thực tế hơn vì cơ hội chiến thắng của họ gần bằng 0. Ông đã liệt kê các lý do cho nhận định này.

 
Truyền thông phương Tây và giới tướng lĩnh Mỹ về hưu thường xuyên làm cho công chúng Mỹ có cảm giác rằng cuộc phản công của Ukraine đang diễn ra tốt đẹp. Tuy nhiên, thực tế trên chiến trường lại đối lập với điều đó.
 
Cây bút Daniel Davis của tờ báo Mỹ nổi tiếng về quân sự và quốc phòng, 19fortyfive, vừa viết rằng “gần như chắc chắn các binh sĩ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ không thể đẩy được các lực lượng Nga ra khỏi Ukraine”. Cây bút này cũng nhận xét rằng, nếu ông Zelensky không xử lý khéo léo cuộc xung đột này, ông có thể thua chung cuộc.

Một khẩu đội pháo Ukraine nhả đạn. Ảnh: Nytimes.

Hòn đá tảng cho phản công thành công
 
Mới vài ngày vừa qua, báo chí phương Tây vẫn còn xuất hiện một số tít đại loại như sau: “Ukraine giải phóng 8 khu dân cư khi cuộc phản công xốc tới”, “Các lực lượng Ukraine tiến hành hoạt động phản công thành công”, và “Ukraine chuẩn bị giáng đòn mạnh mẽ nhất”. Đáng chú ý, giới tướng lĩnh về hưu của Mỹ dường như hậu thuẫn cho những nhận định theo hướng tích cực cho Ukraine như thế này.
 
Vào ngày thứ 2 của chiến dịch phản công của Ukraine, cựu Giám đốc CIA đồng thời cũng là tướng 4 sao về hưu của quân đội Mỹ David Petraeus nói với đài Deutsche Welle của Đức: “Tôi nghĩ rằng cuộc tấn công của Ukraine sẽ thành công hơn so với nhận định của các nhà phân tích bi quan”.
 
Vì sao ông Petraeus lạc quan? Thứ nhất, quân đội Ukraine sẽ được NATO huấn luyện và trang bị lượng lớn thiết bị. Thứ hai, viên tướng nghĩ rằng người Nga “không được huấn luyện kỹ, không được trang bị tốt và không được dẫn dắt tốt”.
 
Một tuần sau đó, thêm một viên tướng 4 sao về hưu nữa, Ben Hodges, đưa ra dự báo thậm chí còn lạc quan hơn nữa. Ông Hodges tin rằng Ukraine có thể giải phóng Crimea – điểm mấu chốt trong cuộc xung đột hiện nay, vào cuối mùa hè này (tức vào cuối tháng 8). Không những vậy, ông còn viết đầy lạc quan trên tờ Washington Post rằng “Ukraine đã có bước đi mang tính quyết định trên con đường đẩy lực lượng Nga ra khỏi lãnh thổ của mình”.
 
Tuy nhiên, bất chấp các quan điểm lạc quan trên, thực tế trên chiến trường lại rất khắc nghiệt cho phía Ukraine. Cuộc phản công của họ đã khởi động với nhiều tổn thất lớn. Tương lai cũng mờ mịt cho lực lượng của Ukraine tham gia phản công.
 
Dựa trên kinh nghiệm từ lịch sử, người ta thấy rằng để đảm bảo thành công cho một cuộc phản công lớn, điều cốt yếu là phải giành được các thành quả chủ chốt trong vòng 24-48 tiếng đồng hồ đầu tiên. Chẳng hạn, thời Chiến tranh thế giới thứ 2, tướng Mỹ Eisenhower từng tính rằng, để cuộc đổ bộ nổi tiếng ở Normandy vào năm 1944 thành công, quân Đồng minh phải thọc sâu qua các bãi đổ bộ trong 24 tiếng. Còn trong Chiến tranh Triều Tiên, tướng Mỹ Douglas MacArthur cũng cần 4 ngày để chiếm được căn cứ không quân Kimpo nhằm chi viện cho cuộc đổ bộ Incheon nổi tiếng vào tháng 9/1950.
 
Tháng 12/1944, cuộc phản công của trùm phát xít Hitler bất thành ở khu vực rừng Ardennes. Tuy nhiên, ít nhất quân đội Đức Quốc xã cũng đã thọc sâu khoảng 80km phía sau chiến tuyến Mỹ trước khi khựng lại.
 
Trong khi đó, cuộc phản công của Ukraine sau hơn 2 tuần mới chỉ tiến được 7km và đà tiến chỉ xảy ra được ở một khu vực. Chính Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar nói rằng quân đội Ukraine đã mất đất ở khu vực Liman/Kupyansk trên mặt trận.
 
Hầu hết các nhà bình luận phương Tây cho rằng vẫn còn sớm, chỉ cần thêm thời gian, cuộc phản công của Ukraine sẽ thắng lợi. Những nhận định như vậy là điều dễ hiểu nếu tính đến cảm xúc của phương Tây nhưng chúng lại không bám sát thực tế.
 
Sức mạnh của Nga
 
Kế hoạch tổng thể của Ukraine là mở một số cuộc tấn công nghi binh dọc theo chiến tuyến 1.000km để đánh lừa đối phương, làm cho Nga tin rằng hướng tấn công chính sẽ nằm ở Zaporizhzhia. Ý đồ của Kiev là xuyên qua phòng tuyến thứ nhất của Nga ở phía Nam điểm xuất phát Orikiv, để đánh chiếm thị trấn Tokmak nằm cách 25km về phía Nam. Họ sau đó sẽ di chuyển tới hoặc Berdyansk hoặc Melitipol trên bờ biển Azov để cắt lực lượng Nga làm đôi.
 
Nhưng sau 15 ngày chiến sự, phía Ukraine hứng chịu thương vong nặng nề mà vẫn chưa tới được vành đai thứ nhất thuộc khu vực phòng thủ chính của Nga. Các lý do khiến Ukraine thất bại là tương đối rõ ràng, có tính hệ thống.
 
Thứ nhất, Nga đã có 9 tháng chuẩn bị các vành đai phòng ngự một cách kỹ càng. Thứ hai, tấn công thì bao giờ cũng khó khăn và phức tạp hơn phòng ngự. Thứ ba, Nga sở hữu một số lợi thế quân sự trọng yếu mà Ukraine gần như không thể vượt qua được.
 
Các lợi thế của Nga như sau: Ưu thế trên không (cấp độ chiến thuật); lợi thế phòng không; lợi thế về hỏa lực pháo đậm đặc; ưu thế về tác chiến điện tử (Nga có thể triển khai các UAV tấn công và trinh sát để làm suy yếu năng lực tương tự của Ukraine); nguồn mìn chống tăng phong phú; lợi thế về số lượng xe thiết giáp chở quân và xe tăng; khả năng tập kích tên lửa trong thời gian dài vào các thành phố Ukraine cũng như các kho nhiên liệu và đạn dược của họ gần biên giới.
 
Đặc biệt khi cần xuyên sâu qua các bãi mìn thuộc nhiều tuyến phòng ngự, Ukraine lại thiếu thiết bị phá mìn.
 
Hơn tất thảy, Nga có lực lượng dự bị động viên lớn và ngành công nghiệp quốc phòng đã được kích hoạt đầy đủ.
 
Những lợi thế này của Nga mang tính bền vững và căn bản trong việc quyết định kẻ thắng người thua. Trong tương lai gần, không có yếu tố nào thay đổi được các lợi thế này.
 
Ukraine chưa thể tiến tới phòng tuyến chính của Nga trong 2 tuần qua. Họ vẫn phải đối mặt với những yếu tố khó khăn như bãi mìn rộng, hào chống tăng, các khối bê tông “răng rồng” chống tăng và các đội hình phản kích chiều sâu của Nga.
 
Phản công lại thụt lùi thành phòng ngự
 
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Mark Milley, tuần trước có nói rằng “vài trăm ngàn binh sĩ Nga bám chắc vào công sự kiên cố dọc theo tiền tuyến” ở Ukraine. Ít khả năng Nga sẽ cạn kiệt binh sĩ trước khi cuộc phản công của Ukraine bị cạn kiệt nguồn lực. Nếu Ukraine không thừa nhận thực tế này thì họ có nguy cơ mất phần lớn sức tiến công và rơi vào thế không chống đỡ được khi Nga phản kích.
 
Trong trường hợp lạc quan nhất, Ukraine cũng mất thêm 9-12 tháng nữa để xây dựng lại lực lượng quân sự có năng lực tương đương với lực lượng mà họ đã tập hợp được trong 9 tháng qua.
 
Nếu Nga tập hợp đủ binh sĩ và phía Ukraine đánh mất năng lực tấn công trong chiến dịch phản công hiện nay, có thể vào mùa hè chính Nga sẽ mở một cuộc phản công mà phía Ukraine khó kháng cự.
 
Vậy Ukraine cần làm gì? Cây bút Davis cho rằng Kiev nên ngừng cuộc phản công, chuyển sang tác chiến ở các vị trí dọc theo tuyến tiếp xúc nhằm bảo đảm Nga khó tấn công vũ lực ở bất cứ đâu, đồng thời nên bắt đầu xây dựng tuyến phòng thủ kiên cố tỉ mỉ của riêng mình. Ông đánh giá Ukraine vẫn còn thời gian để xây dựng một hệ thống phòng thủ mạnh và vẫn có đủ nhân lực để bố trí người cho hệ thống đó.
 
Theo tác giả bài viết, tiến trình thực tế nhất về mặt ngoại giao và chính trị cho Ukraine sẽ là bắt đầu tìm kiếm một giải pháp dựa trên thương lượng với các điều khoản tốt nhất có thể, cả đối với công chúng Ukraine lẫn chính phủ Nga. Tuy nhiên, phía Ukraine dường như chưa thể nghĩ tới giải pháp này. Nhưng nếu cứ tiếp tục, Ukraine có thể hứng chịu thêm thương vong, đồng thời mất thêm đất.
 
Theo Daniel Davis, giải pháp khôn ngoan nhất hiện nay cho Ukraine là chuyển sang phòng ngự và bắt đầu đàm phán chấm dứt xung đột quân sự với Nga./.
 
Nguồn: Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch
Nguồn: 19fortyfive

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *