Khoai@
Mấy hôm nay nhiều người chia sẻ, bình luận vụ cô giáo Lê Thị Dung ở TTGDTX huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, rồi so sánh với vụ ông Nguyễn Quang Tuấn để đi đến kết luận có sự không công bằng dù “hành vi là như nhau”. Tôi không phải dân luật, và không có đủ thông tin nên không phán quyết ai đúng ai sai. Chỉ bằng cách đọc trên các báo và các trang mạng, tôi có mấy ý theo cách hiểu của mình, có thể đúng hoặc chưa đúng nhưng trên tinh thần xây dựng, khách quan.
Tôi đã đọc cả chục bài viết của những KOLs nổi tiếng, của những người có trình độ tiến sĩ (không phải tiến sĩ luật), tất cả đều theo hướng so sánh không đồng nhất để đi đến kết luận có sự bất công. Tuy nhiên, gần như không có ai chỉ ra được tội danh của ông Nguyễn Quang Tuấn khác với tội danh của cô Lê Thị Dung. Tội danh khác nhau, động cơ, mục đích, hậu quả, thái độ thành khẩn và mức độ khắc phục hậu quả khác nhau sẽ có khung hình phạt khác nhau.
Ông Nguyễn Quang Tuấn bị truy tố về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại điều 222 BLHS.
Theo điều 222 BLHS quy định về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng như sau:
1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:a) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu;b) Thông thầu;c) Gian lận trong đấu thầu;d) Cản trở hoạt động đấu thầu;đ) Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu;e) Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu;g) Chuyển nhượng thầu trái phép.2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:a) Vì vụ lợi;b) Có tổ chức;c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;d) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trong vụ này, ông Nguyễn Quang Tuấn bị tuyên theo khoản 1 với nhiều tình tiết giảm nhẹ như: thành khẩn khai báo, đã nộp tiền khắc phục hậu quả và cả khoản tiền lớn cho dù ông không có nghĩa vụ phải nộp khắc phục; nhân thân tốt, có nhiều đóng góp cho xã hội. Do đó bản án 3 năm là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Nói thêm, ông Nguyễn Quang Tuấn phạm tội không liên quan đến chuyên môn nên sau khi chấp hành xong án phạt tù, ông vẫn có thể trở lại làm công tác chuyên môn của mình.
Cô Lê Thị dung bị truy tối về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ được quy định tại điều 356 BLHS.
Theo điều 356 BLHS, quy định về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ như sau:
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:a) Có tổ chức;b) Phạm tội 02 lần trở lên;c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Vụ của cô Lê Thị Dung, tòa áp dụng khoản 2, có khung hình phạt từ 5 năm đến 10 năm và cô Dung bị tuyên ở mức thấp nhất của khung là 5 năm.
Theo cáo trạng, cô Dung đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao nhiều lần thanh toán trái quy định để chiếm đoạt số tiền hơn 48,3 triệu đồng từ nguồn ngân sách nhà nước cấp, gây thiệt hại cho TTGDTX huyện Hưng Nguyên.
Thống kê cho thấy, cô Lê Thị Dung phạm tội nhiều lần, cụ thể: Năm học 2011-2012 với số tiền hơn 3,3 triệu đồng; năm 2013-2014 với số tiền hơn 303.000 đồng; năm 2014-2015 số tiền hơn 30,9 triệu đồng và trong năm 2015-2016 hơn 13,8 triệu đồng… Do cô Dung thực hiện thanh toán nhiều lần trong nhiều năm, nên rơi vào trường hợp “phạm tội nhiều lần” và bị truy tố ở khung hình phạt 5-10 năm tù.
Trong vụ này, cô Dung cũng không được hưởng tình tiết giảm nhẹ vì quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cô đã không thành khẩn, không nhận tội.
Tôi không đồng tình với quan điểm của TS Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD&ĐT, khi hỏi: “Tại sao những cán bộ, lãnh đạo tham nhũng hàng nhiều tỷ đồng thì chỉ xử nhẹ, hoặc tha bổng… mà vụ việc này chiếm đoạt 45 triệu đồng mà bị phạt đến 5 năm tù?”. Việc so sánh 2 vụ khác nhau, với tội danh và tình tiết tăng nặng giảm nhẹ khác nhau để nói rằng không công bằng là không tương đồng. Nếu so sánh vụ cô Dung thì phải so sánh một vụ án mà bị can bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ được quy định tại điều 356 BLHS mới có nét tương đồng.
Tôi băn khoăn liệu rằng có bỏ lọt tội phạm hay không.
Trong bài viết “Lãnh 5 năm tù vì thanh toán trái quy định gần 45 triệu đồng ở trung tâm giáo dục thường xuyên” đăng hôm 26/4/2023 trên tờ Tuổi Trẻ, có đoạn: “Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, bà Dung không nhận tội vì cho rằng quy chế chi tiêu nội bộ đã được xây dựng công khai, minh bạch, đã gửi cho Phòng Tài chính và Kho bạc Nhà nước huyện Hưng Nguyên để kiểm soát chi”.
Một đoạn khác viết: “Theo hồ sơ vụ án, trong quá trình công tác bà Dung đã chủ trì xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, trong đó có một số khoản chi không đúng quy định pháp luật”.
Vấn đề là tại sao “một số khoản chi không đúng quy định pháp luật” lại được Kho bạc nhà nước duyệt chi. Ai cũng biết, chi được tiền ngân sách không đúng quy định của pháp luật thì phải có đồng phạm, lập hồ sơ và có người duyệt chi, người duyệt thì phải là đồng phạm. Một mình Giám đốc TTGDTX Hưng Nguyên không thể chi tiền ngân sách Nhà nước được.
Vì thế, tôi nghĩ không nên so sánh vụ cô Dung với vụ ông Tuấn, nhưng nên xem xét lại toàn diện vụ án để tránh bỏ lọt tội phạm.
Tin cùng chuyên mục:
Nguyễn Xuân Diện và sự thật lịch sử về Hải chiến Hoàng sa
Con trai ông Trump nói Tổng thống Zelensky nài nỉ được mời đến buổi lễ nhậm chức
Nam thanh niên bị hành hung dã man trong khu dân cư Đông An 2
Nghị định 168 và những luận điệu xuyên tạc của RFA