Tòa lên tiếng trước bản án 5 năm tù với nữ giám đốc gây thiệt hại gần 45 triệu

Người xem: 155

Dư luận xôn xao trước việc bà Lê Thị Dung, nguyên Giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX huyện Hưng Nguyên bị tuyên án 5 năm tù giam vì gây thiệt hại số tiền gần 45 triệu đồng. TAND tỉnh Nghệ An đã lên tiếng về vụ việc này.
 
Ngày 1/5, ông Trần Quốc Cường – Chánh Văn phòng TAND tỉnh Nghệ An thông tin, trong các ngày 7, 10, 11, 17 và 24/4, TAND huyện Hưng Nguyên xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 65/2022/TLST-HS ngày 30/11/2022. Các bị cáo Lê Thị Dung (SN 1971), Nguyễn Thị Hương (SN 1966) bị VKSND huyện Hưng Nguyên truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
 
Theo hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, năm 1992, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN – GDTX) huyện Hưng Nguyên được thành lập, là trường thuộc hạng 5 theo Thông tư số 48/2008/BGD-ĐT của Bộ GD-ĐT.
 
Về chế độ tài chính, ngày 31/12/2011, UBND huyện Hưng Nguyên có quyết định giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với trung tâm GDTX là loại hình đơn vị sự nghiệp có thu, tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên, thực hiện chế độ tự chủ.
 
Ngày 20/5/2010, bà Lê Thị Dung được Huyện ủy Hưng Nguyên chuẩn y Bí thư chi bộ Trung tâm GDNN – GDTX. Tới ngày 1/10/2012, Dung được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX nhiệm kỳ 2012 – 2017. Theo đó, bà Dung cũng là chủ tài khoản của Trung tâm GDNN – GDTX.
 
Sau khi được bổ nhiệm chức vụ giám đốc, bà Lê Thị Dung đã tiến hành họp, ban hành các quy chế chi tiêu nội bộ từ năm 2013 – 2017. Việc ban hành quy chế chi tiêu nội bộ nêu trên phải gửi cho cơ quan quản lý cấp trên là Sở GD-ĐT nhưng bà Dung không gửi.
 
Từ vi phạm này dẫn đến các năm 2012, 2014, 2015, 2016 với tư cách là chủ tài khoản bà Dung đã kê khai một số nội dung thanh toán 2 lần đối với 1 nghiệp vụ tài chính phát sinh.
 

Toàn cảnh phiên tòa xét xử các bị cáo. Ảnh: TAND tỉnh Nghệ An

Cụ thể, bị cáo Dung đã thanh toán lần 1 các nội dung: bí thư chi bộ; hỗ trợ học cao học và tập huấn, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật.
 
Tuy nhiên, bị cáo vẫn tiếp tục quy đổi các nội dung này ra tiết dạy để thanh toán tiền thừa giờ (thanh toán lần 2) với số tiền hơn 44,7 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này được chuyển vào số tài khoản cá nhân của bị cáo Dung.
 
Bị cáo Nguyễn Thị Hương là kế toán của Trung tâm GDNN – GDTX huyện Hưng Nguyên từ năm 2012 – 2017. Sau khi bà Lê Thị Dung và các cán bộ, giáo viên khác kê khai, các bộ phận liên quan tổng hợp và ký xác nhận thì bị cáo Hương căn cứ trên các bảng tổng hợp đó để tiến hành đề nghị Kho bạc Nhà nước huyện Hưng Nguyên thanh toán tiền thừa giờ từ nguồn ngân sách nhà nước cấp cho trung tâm.
 
Khi bà Dung kê khai hoạt động chuyên môn rồi chuyển đến, bà Hương phát hiện một số nội dung kê khai không đúng quy định của pháp luật. Vậy nhưng là cấp dưới của bà Dung, bà Hương vẫn làm các thủ tục, chứng từ để bà Dung được hưởng số tiền nói trên, gây thiệt hại cho ngân sách Trung tâm GDNN – GDTX.
 
Đến năm học 2017-2018, thấy không thể để cho bà Dung tiếp tục thanh toán các khoản tiền trái quy định nên bà Hương không làm thủ tục thanh toán tiền thừa giờ. Đồng thời, bà Hương có nhiều văn bản kiến nghị lên cấp trên tố giác hành vi sai phạm của bà Dung.
 
Sau khi xem xét vai trò của từng bị cáo trong vụ án, tòa tuyên phạt bị cáo Lê Thị Dung 5 năm tù, bị cáo Nguyễn Thị Hương 2 năm án treo.
 

Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên đọc các lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bị can Lê Thị Dung. Ảnh: Công an Nghệ An

Sau phiên tòa sơ thẩm, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện các nội dung đăng tải cho rằng tòa án xét xử không công bằng, số tiền chiếm đoạt chưa đến 45 triệu đồng nhưng mức hình phạt quá cao với bị cáo Lê Thị Dung.
 
Trước diễn biến trên, TAND tỉnh Nghệ An thông tin, đã nắm bắt nội dung vụ việc, đồng thời yêu cầu TAND huyện Hưng Nguyên báo cáo cụ thể, chi tiết vụ án.
 
“Việc đăng tải các nội dung bình luận từ tài khoản mạng xã hội là không đúng, dẫn dắt các tài khoản khác bình luận nội dung tiêu cực, ảnh hưởng đến tính độc lập của Tòa án trong hoạt động xét xử, gây hiểu nhầm cho dư luận về hoạt động xét xử nói chung”, TAND tỉnh Nghệ An nhận định.
 
Theo quy định của Hiến pháp, chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm. Trong vụ án này, nếu bị cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm thì có quyền kháng cáo, VKS có quyền kháng nghị lên Tòa án cấp phúc thẩm. Ngoài ra, pháp luật còn quy định bị cáo được thực hiện quyền khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm để đảm bảo quyền lợi của mình.
 
Được biết, bị cáo Lê Thị Dung đã có đơn kháng cáo. Toàn bộ vụ án sẽ được HĐXX cấp phúc thẩm nghiên cứu, đánh giá, xem xét toàn diện, khách quan theo đúng quy định pháp luật.
 
Nguồn: Nhà báo Quốc Huy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *