Hà Nội: Xử lý gần 1500 cơ sở vi phạm quy định an toàn thực phẩm

Người xem: 165

Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm TP Hà Nội cho biết, cơ quan này đã xử lý 1.457 cơ sở vi phạm quy định an toàn thực phẩm, đình chỉ hoạt động 40 cơ sở.

Lực lượng chức năng kiểm tra một nhà hàng tại phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) bị khách tố vi phạm an toàn thực phẩm vì dùng lại nước lẩu thừa của khách khác

Theo Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm TP Hà Nội, Tháng hành động Vì An toàn thực phẩm năm 2023 đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Một số địa phương, ngành, lĩnh vực đã có nhiều cách làm mới về quản lý an toàn thực phẩm như nhân rộng tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát, xây dựng các chuỗi giá trị về an toàn thực phẩm, chợ đảm bảo an toàn thực phẩm. Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông được đẩy mạnh tới từng người dân. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận cơ sở sản xuất – kinh doanh có ý thức chưa cao trong thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm. Thói quen tiêu dùng của người dân vẫn sử dụng thực phẩm bán rong, chưa quan tâm nhiều đến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm nên nhiều cơ sở sản xuất chưa đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất – kinh doanh thực phẩm an toàn, khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn…
 
Đặc biệt, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm vẫn còn hạn chế. Một số địa phương chưa quyết liệt, chủ yếu vẫn là nhắc nhở nên tình trạng vi phạm vẫn còn, đặc biệt là ở tuyến xã, phường.
 
Trong hơn 1 tháng qua, các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm của TP Hà Nội đã kiểm tra, giám sát 16.275 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; qua đó phát hiện 2.382 cơ sở chưa bảo đảm các điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.
 
Theo đó, cơ quan chức năng đã xử lý 1.457 cơ sở vi phạm quy định an toàn thực phẩm; thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm của 12 cơ sở; tiêu hủy sản phẩm không đảm bảo an toàn của 254 cơ sở; đình chỉ hoạt động 40 cơ sở vi phạm.
 
Cùng với thanh, kiểm tra, qua hoạt động xét nghiệm mẫu thực phẩm cũng phát hiện những tồn tại trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm TP Hà Nội, trong tổng số 120 mẫu thực phẩm được xét nghiệm, có 5 mẫu không đảm bảo an toàn đối với các chỉ tiêu phân tích.
 
Cơ quan chức năng cũng đánh giá sàng lọc chất lượng an toàn của thực phẩm và chế độ vệ sinh dụng cụ với 18.374 mẫu, phát hiện vẫn còn 7,6% số mẫu không đạt các điều kiện an toàn. Đáng chú ý, trong số những mẫu không đạt quy định, có nhiều sản phẩm còn tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật.
 
Thực hiện đợt cao điểm đấu tranh xử lý vi phạm trong Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã đồng loạt kiểm tra, truy quét xử lý hàng loạt vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm, trong đó có những vụ việc vi phạm nghiêm trọng và với quy mô lớn. Những vụ việc này không chỉ vi phạm nghiêm trọng về pháp luật an toàn thực phẩm mà còn cho thấy thủ đoạn của các đối tượng buôn bán thực phẩm bẩn hiện nay.
 
Theo ông Trần Việt Hùng – Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội, thành viên Ban chỉ đạo 389 quốc gia, có nhiều hàng hóa nhập về từ cuối năm 2019, không lưu thông được nên tồn đọng, hàng hết hạn sử dụng xảy ra. Lẽ ra phải có phương án tiêu hủy nhưng các doanh nghiệp tái sử dụng lại. Các quận huyện đều thành lập đoàn kiểm tra trên cơ sở hướng dẫn của TP nhưng góc độ kiểm tra của quận huyện, chưa được hiệu quả, vẫn còn mang tính chất phong trào. Việc phát hiện và xử lý kịp thời thì chưa được bao nhiêu.
 
Lực lượng QLTT Hà Nội đã thực hiện kiểm tra, xử lý 175 vụ việc, xử phạt hành chính hơn 1,7 tỷ đồng và tiêu hủy tang vật trị giá gần 1,4 tỷ đồng. Con số này lớn hơn nhiều so với cùng đợt xử lý vi phạm năm trước. Điều đó cho thấy, tình hình buôn bán thực phẩm bẩn vẫn còn diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi… Dù các cơ sở vi phạm đều bị tịch thu toàn bộ tang vật và xử phạt vi phạm hành chính sau đó, nhưng qua đợt truy quét lần này, một lần nữa cho thấy, công tác giám sát xử lý vi phạm an toàn thực phẩm tại địa phương cấp xã, huyện vẫn chưa đạt được hiệu quả cao.
 
Xác định công tác đấu tranh xử lý vi phạm an toàn thực phẩm là nhiệm vụ thường xuyên liên tục, vì thế sau tháng cao điểm, cơ quan QLTT tiếp tục truy quét các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, để việc ngăn chặn đạt được hiệu quả cao, lãnh đạo Cục quản lý thị trường Hà Nội cũng đề xuất, cần tăng thêm chế tài đối với các hành vi vi phạm, có thể chuyển cơ quan điều tra, xử lý hình sự, đặc biệt trong những trường hợp cố tình sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn với quy mô lớn để bán cho người tiêu dùng.
 
Dương Quyên
theo báo Pháp luật và Xã hội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *