Bài tham khảo
Mới đây, bạn Đại tá Trịnh Lê Hoài Nam đã gởi cho tôi hình chụp báo Tuổi trẻ đăng bài “đối thoại”: “BẢO NINH: không sống đời bộ đội tôi không có đời viết văn”, với lời giới thiệu “Là một trong những tên tuổi nổi bật của văn chương Việt thời đổi mới, với cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh…”. Báo Tuổi trẻ với thông tin: Tổng biên tập: Lê Thế Chữ. Giấy phép hoạt động báo điện tử tiếng Việt, tiếng Anh Số 561/GP-BTTTT, cấp ngày 25-11-2022. Thông tin tòa soạn – Thành Đoàn TP.HCM. Như vậy, Báo Tuổi trẻ vừa thuộc quyền quản lý của Bộ TTTT, vừa thuộc cơ quan của Thành Đoàn TPHCM. Nhưng viết như trên, Báo Tuổi trẻ đã hoàn toàn sai trái về chính trị tư tưởng, không hiểu gì về văn chương, về lịch sử, và về tài năng và nhân cách của Bảo Ninh. Trước đây, báo Tuổi trẻ, 20/08/2017, cũng cực kỳ sai trái khi đăng bài “Công nhận Việt Nam cộng hòa là một bước tiến quan trọng”, cụ thể hơn, trong bài báo có câu: “Việc từ bỏ cách gọi “ngụy quân”, “ngụy quyền” và công nhận Việt Nam cộng hòa như một chính quyền độc lập là một bước tiến quan trọng…”.
Đây là quan điểm cực kỳ phản động, bởi công nhận VNCH độc lập đồng nghĩa cho VNDCCH trước đây và CHXHCNVN hôm nay là kẻ xâm lược VNCH. Vậy Báo Tuổi trẻ không phải cơ quan thuộc Đoàn Thanh niên là cánh tay đắc lực của Đảng mà chính là cơ quan thọc dao vào mạng sườn của Đảng!
***
Cụ thể, trong bài báo trên, Tuổi trẻ hỏi:
-Có người nói Nỗi buồn chiến tranh … được dịch nhiều vì nước ngoài có xu hướng thích đọc những tiếng nói chống đối.
Bảo Ninh:
-Đó không phải văn chương chống đối, đó là văn học nói thật…
Như vậy, ông Bảo Ninh hôm nay đã tự vả vào mồm ông Bảo Ninh ngày xưa bởi đã từng thừa nhận khi viết tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” là: “Tôi không muốn viết theo một cái “tông” có sẵn”, nên: “Những gì tôi viết trong cuốn sách này, tôi cũng đã nói rằng nó không hoàn toàn là sự thật”, “chiến tranh tóm gọn lại là sự chết chóc, hủy diệt. Tôi nghĩ thế là quyền của tôi, và có người phê phán, tôi thấy cũng chẳng sai”; “cách viết của tôi về chiến tranh khác với các nhà văn khác”.
Đặc biệt, gần đây GSTS Nguyễn Cảnh Toàn đã viết chính danh trên facebook, với tư cách là người từng cùng nhập ngũ, cùng đơn vị với Hoàng Ấu Phương (tên thật Bảo Ninh). Anh cho biết mình cùng từng chiến đấu bên Bảo Ninh, trong một cuộc chiến vô cùng ác liệt, thịt nát xương tan nhưng “chúng tôi không sợ hãi, đào ngũ, không đầu hàng địch mà luôn lạc quan, yêu thương nhau và cùng chung niềm tin Tổ quốc ta sẽ chiến thắng”, “và đó là sự thật khác với “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh”, “Khi tôi đọc “Nỗi buồn chiến tranh”, tôi giật mình: BN viết về chính nó, chính tôi, chính chúng tôi, đồng đội của chúng tôi trong chiến tranh nhưng rất rất nhiều sự việc bịa đặt, sai sự thật đến mức không thể chấp nhận”.
Chưa hết, anh Nguyễn Cảnh Toàn cho biết về nhân cách Bảo Ninh, sau giải phóng “khi về Viện Sinh học, Viện Khoa học VN, Phương (Bảo Ninh) phát triển khá thuận lợi: tổ trưởng Đảng, quyền Phụ trách phòng Sinh lý Sinh hoá thực vật… Và, tiếc thay, khoảng những năm đầu 1980, Phương đã bị kỷ luật rất nặng về tội … phá hoại thí nghiệm sinh học của đồng nghiệp trong Viện… đã lấy hoá chất độc rắc vào tảo thí nghiệm thức ăn cho gà của 1 trong 2 tiến sĩ đang thí nghiệm … giết gà để gây mâu thuẫn…! CQ công an phải vào cuộc và Phương buộc phải rời khỏi Viện nghiên cứu…”.
Như vậy, theo “tự thú”của Bảo Ninh kể trên, Bảo Ninh viết “không hoàn toàn là sự thật”, muốn “viết khác” để “đổi mới” văn chương. Nhưng sự thật, Bảo Ninh không phải “viết khác” mà là xuyên tạc, với mục đích cơ hội, đón gió, trở cờ, đã bôi đen đội quân cách mạng anh hùng, đã có thái độ lộn ngược về cuộc kháng chiến vĩ đại, giành lại chủ quyền, thống nhất đất nước của nhân dân ta.
Tôi đã viết nhiều về “vấn đề Bảo Ninh” nhưng cái dư luận bầy đàn tâng bốc Bảo Ninh vốn “ngu lâu”, “dốt dai”, nên nay lại phải nhắc lại.
***
VN chúng ta từng là nạn nhân của cuộc chiến do Pháp rồi đến Mỹ xâm lược VN, khi chúng ta chiến thắng, giành lại được chủ quyền đất nước và được sống trong thanh bình, tất nhiên ai cũng phải vui mừng và tự hào (ngoại trừ những người ở phía VNCH đem lòng thù hận vì tự dưng thấy “mất hết” những gì mà Mỹ bố thí). Vậy mà thật kỳ quái, ở ngay “Bên thắng cuộc”, không chỉ là người thường mà toàn là những người thuộc hạng đại trí thức, kể cả danh nhân, họ lại có thái độ lộn ngược về cuộc chiến. Rùm beng nhất, còn kéo dài mấy chục năm cho đến tận hôm nay, xuất phát từ chuyện Nguyên Ngọc và cả một đám lâu la, không chỉ mù điếc trước sự thật lịch sử mà còn mù cả về tri thức văn chương, đã ca tụng cuốn tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh hết lời, cuốn sách đã cho cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân ta là một “nỗi buồn”!
“Nỗi buồn chiến tranh” lần đầu được in năm 1990 tại NXB Hội Nhà Văn phải đổi tên là “Thân phận tình yêu”, khi cuốn sách được giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam, dư luận đã phản đối dữ dội, đặc biệt là Tạp chí cộng sản có bài TỪ ĐÂU ĐẾN NỖI BUỒN CHIẾN TRANH? của TRẦN DUY CHÂU có đoạn:
“Bằng sự bôi nhọ sự nghiệp chống Mỹ của nhân dân ta, Bảo Ninh không chỉ xúc phạm đến những người đang sống … Tác giả Nỗi buồn chiến tranh còn muốn giết chết hẳn những người đã vĩnh viễn nằm xuống để cho “dân tộc quyết sinh”… Đó là sự khai tử của một ngòi bút quá nhẫn tâm đã coi họ là vật hy sinh mù quáng cho những cuồng vọng của con người”.
(Nguồn: Tạp chí Cộng sản, Hà Nội, số 10 (tháng 10-1994)
Trước tình hình đó, Ban Lãnh đạo Hội Nhà Văn VN hồi đó đã phải tự phê bình bằng văn bản, đọc trước toàn Đại hội lần thứ V, còn in trên báo Công an TPHCM số 478, ra ngày 13-9-1995. Riêng Nhà văn Vũ Tú Nam, lãnh đạo cao nhất HNV VN, khi trả lời phỏng vấn đã nhận trách nhiệm: “Trách nhiệm thuộc về toàn thể Ban Chấp hành, nhưng tôi là người chịu trách nhiệm trước nhất. Sự phê phán của công luận sau đó là chính đáng”.
Nhưng rồi chuyện kỳ lạ về “Nỗi buồn chiến tranh” vẫn chưa dứt, năm 2016, Ban Lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam (đương chức) lại nhất trí 100% đưa “Nỗi buồn chiến tranh” vào danh sách đề cử xét “Giải thưởng Nhà nước”. Khi “Nhà nước” đã loại tác phẩm sai trái và tải “tà đạo” này thì theo https://www.tienphong.vn/, 17/07/2016, “đã làm giới văn chương choáng váng”.
Quả thực, nếu đúng như tờ báo tienphong viết thì theo tôi “giới văn chương” đã hoàn toàn mất trí! Có điều thực tế không phải cả giới văn chương VN ủng hộ cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” mà chỉ có một phần nào đó thôi. Còn những người có trọng trách của Hội Nhà Văn Việt Nam, khi đề nghị nhà nước tôn vinh cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” xuyên tạc, bôi đen cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, họ nghĩ thế nào về những anh hùng liệt sĩ và lịch sử đất nước? Và tôi băn khoăn, là những người lãnh đạo Hội Nhà Văn Việt Nam, luôn huyên thuyên đủ đường về những điều cao sâu, huyền diệu của văn chương, khi đề nghị nhà nước tôn vinh cuốn “Nỗi buồn chiến tranh”, họ đã hoàn toàn không hiểu giá trị đích thực của một tác phẩm văn chương! Vậy cụ thế “Nỗi buồn chiến tranh” viết cái gì?
***
Sự thật thời chiến tranh đa phần thanh niên nhập ngũ theo lý tưởng giải phóng dân tộc, tham gia chiến đấu để giành lại chủ quyền đất nước thì nhân vật Kiên của Bảo Ninh ra đi với lời dặn của cha là: một người sinh ra là “để sống, để nếm trải sự đời một cách đủ ngành ngọn chứ không phải là hy sinh nó”, “mong con hãy cảnh giác với tất cả những sự thúc giục con người lấy cái chết để chứng tỏ một cái gì đấy” (Nỗi buồn chiến tranh, NXb Hội Nhà văn, 1991, tr.61); Bảo Ninh chỉ viết toàn cái xấu, bịa đặt về hình ảnh “anh chiến sĩ giải phóng”, toàn là: Hiếp dân lành (chuyện cô Phương bị hiếp tập thể trên tầu) (tr.243) ; hành lạc tập thể (giữa phân đội trinh sát với 3 cô gái trong khu trại tăng gia huyện đội) (tr.31); bài bạc, hút xách (hút hồng ma), trốn chạy, đào ngũ (nhân vật Can), tàn sát, chôn sống tù binh (tr.42), v.v…
Tiêu chuẩn cao nhất để xác định giá trị của một tác phẩm, nhất là lại phản ánh lịch sử, chính là tái hiện được sự thật. Tiêu chuẩn quan trọng thứ hai mà người cầm bút nào cũng phải hiểu là “Văn chương phải tải đạo”. Với “Nỗi buồn chiến tranh”, như chính Bảo Ninh từng thú nhận là mình viết “không hoàn toàn đúng” và “người phê bình tôi cũng không sai”. Vậy “Nỗi buồn chiến tranh” là cuốn sách đã xuyên tạc sự thật, mà đã sai sự thật thì cuốn sách tải được “đạo” gì? Có chăng chỉ có thể là tà đạo mà thôi.
***
Trên báo điện tử Bình Phước, 06/10/2019, có bài “Xét lại lịch sử” – âm mưu thâm độc” có đoạn:
“… Bảo Ninh – tác giả của “Nỗi buồn chiến tranh”, khi trả lời phỏng vấn trong tập 9 bộ phim tài liệu “Chiến tranh Việt Nam” của Ken Burns và Lyun Novick, nói về giai đoạn từ tháng 5-1970 đến tháng 3-1973, đã phát biểu rất hợm mình: “Chúng tôi ăn cùng một loại gạo, uống cùng một loại nước, chia sẻ cùng một nền văn hóa, cùng một loại âm nhạc. Chúng tôi đã hèn nhát theo cùng một cách, chúng tôi đã dũng cảm theo cùng một cách, không khác nhau, đó là một cuộc nội chiến”.
Ai có chút hiểu biết về Lịch sử VN và tôn trọng sự thật cũng phải thấy rằng cuộc chiến tranh đã xảy ra tại VN không phải là nội chiến, không phải là chuyện người VN tự dưng mang súng bắn vào đầu nhau, mà cuộc chiến đó xuất phát từ việc Pháp đã xâm lược VN, rồi đến lượt Mỹ đã thay thế, duy trì cuộc chiến. Pháp đã bắt những ông vua đích thực của VN như vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân đi đày, rồi dựng lên những ông vua bù nhìn để cai trị VN suốt 100 năm. Pháp đã phải chấm dứt sự xâm lược chỉ khi bị thua đau tại Điện Biên Phủ.
Rồi Mỹ đã thế chân Pháp, lập ra chế độ VNCH để duy trì cuộc chiến, muốn áp đặt ý đồ của mình vào VN và bán đảo Đông Dương. Mỹ đã làm mọi cách để chiến thắng và giữ thể diện của một nước siêu cường, đã đưa cả nửa triệu lính Mỹ và chư hầu vào VN trực tiếp tham chiếm, kể cả mang B52 ném bom “trải thảm” muốn đưa Hà Nội “trở về thời kỳ đồ đá”. Nhưng cuối cùng Mỹ vẫn phải chịu thua, bỏ cuộc và thừa nhận sai lầm. Cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert McNamara, “công trình sư” của Mỹ trong chiến tranh VN, trong hồi ký của mình đã phải thú nhận: “Chúng tôi đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp!”.
Như vậy, bản chất cuộc chiến tranh ở VN trước hết là việc dân Việt Nam chống Pháp rồi đến chống Mỹ để giải phóng, thống nhất, giành lại chủ quyền đất nước, có chống VNCH cũng là chống Mỹ vì VNCH là do Mỹ dựng lên.
Bảo Ninh đã cho là “nội chiến” chứng tỏ đã quá dốt và mù lịch sử. Nhưng thực chất Bảo Ninh lại không dốt mà là người rất khôn ngoan, nên nói như vậy, Bảo Ninh chỉ có thể là một kẻ cơ hội, đón gió, trở cờ, một kẻ phản bội!
Ngay những phát ngôn của những nhân vật chóp bu phía Mỹ và VNCH cũng như những cái tát giáng thẳng vào miệng lưỡi những kẻ nói ngược như Bảo Ninh.
Cựu Tổng thống Donald Trump từng cho cuộc chiến mà Mỹ thế chân đó là một cuộc chiến tồi tệ (I thought it was a terrible war). Maxwell Taylor, từng là đại sứ Hoa Kỳ tại VNCH, đã nói: “Tất cả chúng ta đều có phần của mình trong thất bại của Mỹ ở Việt Nam và chẳng có gì là tốt đẹp cả. Không hề có một anh hùng nào mà toàn là những kẻ ngu xuẩn. Chính tôi cũng nằm trong số đó”. (We all have a share in it, and none of it is good. There are no heroes, just bums. I include myself in that.
“…thượng nghị sĩ (4 năm sau trở thành Tổng thống) John F. Kennedy tuyên bố vào ngày 1/6/1956:
“Nếu chúng ta không phải là cha mẹ của nước Việt Nam bé nhỏ [chỉ Việt Nam Cộng hòa] thì chắc chắn chúng ta cũng là cha mẹ đỡ đầu của nó. Chúng ta là chủ tọa khi nó ra đời, chúng ta viện trợ để nó sống, chúng ta giúp định hình tương lai của nó (…). Đó là con đẻ của chúng ta – chúng ta không thể bỏ rơi nó, chúng ta không thể không biết tới những nhu cầu của nó”.
Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu cũng đã từng phát biểu: “Nếu Mỹ mà không viện trợ cho chúng tôi nữa thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm mà chỉ sau 3 giờ, chúng tôi sẽ rời khỏi dinh Độc Lập!”.
Tướng Nguyễn Cao Kỳ, năm 2005, khi về Việt Nam và trả lời phỏng vấn của báo Thanh Niên, đã nói: “Mỹ luôn luôn đứng ra trước sân khấu, làm “kép nhất”. Vì vậy ai cũng cho rằng đây là cuộc chiến tranh của người Mỹ và chúng tôi là những kẻ đánh thuê”.
Về đích danh chữ “nội chiến”, Nhà sử học Frances FitzGerald viết:
“Chiến thắng của họ (Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam) là chiến thắng của dân tộc Việt Nam – người Bắc cũng như người Nam. Khác xa với một cuộc nội chiến, cuộc đấu tranh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam là một sự khẳng định nguyên tắc thống nhất dân tộc mà chính quyền Sài Gòn đã tuyên bố ủng hộ rồi phản bội”.
Tiến sĩ Daniel Ellsberg, sĩ quan Lầu Năm Góc và là cố vấn Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ trong buổi phỏng vấn với CNN và trong sách “Những Bí mật về Chiến tranh Việt Nam” đã viết:
“… Cuộc chiến đó không có gì là “nội chiến”, như nó đã không là nội chiến trong cuộc tái chiếm thuộc địa của Pháp được Mỹ ủng hộ. Một cuộc chiến mà trong đó một phía hoàn toàn được trang bị và trả lương bởi một quyền lực ngoại quốc – một quyền lực nắm quyền quyết định về bản chất của chế độ địa phương vì những quyền lợi của mình – thì không phải là một cuộc nội chiến… Theo tinh thần Hiến chương Liên Hiệp Quốc và theo những lý tưởng mà chúng ta (nước Mỹ) công khai thừa nhận, đó là một cuộc ngoại xâm, sự xâm lược của Mỹ”.
Theo ông nguyên nhân sâu xa của việc Mỹ áp đặt sự chiếm đóng lên miền Nam Việt Nam là để điều khiển và kiểm soát thị trường kinh tế, nhân lực, sức lao động và tài nguyên ở vùng Đông Nam Á.
***
Phạm Xuân Nguyên, một tín đồ của “Nỗi buồn chiến tranh” cho biết: “… Dennis Mansker… khi đọc Nỗi buồn chiến tranh. … ông choáng váng và xúc động. Ông viết: “Đây là một bức tranh trung thực và tàn nhẫn đến kinh ngạc về bi kịch của một người lính Bắc Việt bị tê liệt hết nhân tính của mình sau mười năm tham chiến…”.
Tôi đã viết đáp lại trong cuốn Bóng Tối Của Ánh Sáng của tôi là:
“Sau chiến tranh, có thể có những chấn thương thần kinh về bệnh học, còn chấn thương tinh thần mang tính ý thức hệ để rồi tuyệt diệt niềm vui sống, như Bảo Ninh viết, chỉ là vô cùng hãn hữu. Bản thân cựu lính chiến Bảo Ninh cũng còn rất khôn ngoan, chẳng có “tê liệt” cái quái gì hết, không hiểu vì cái gì mà ông ta viết để cho người ngoài hiểu đồng đội của mình “tê liệt hết nhân tính” như một lũ súc vật vậy?!”
Đến hôm nay thì tôi có thể tự trả lời, đó là “vì tiền”.
GS Trần Thanh Đạm viết về cái quái gở của cuốn “Nỗi buồn chiến tranh”: “Nỗi buồn chiến tranh ở đây mang màu sắc của một sự sám hối của những người anh hùng đã lỡ gây nên một sự nghiệp anh hùng”, còn tôi (Đông La) thì cũng thấy cái chuyện kỳ quái, có những kẻ sau giải phóng lại đi tìm mọi cách đầu hàng phía thua trận. Đầu tiên tôi (Đông La) rất ngạc nhiên, nhưng rồi đã nhận ra, nếu phía thua VN mà nghèo đói như các nước Châu Phi thì chắc chắn sẽ không bao giờ có chuyện ngược đời đó. Nhưng phía thua VN lại là Pháp, là Mỹ, những nước rất giầu có, vì vậy mà đã có những kẻ cơ hội, đón gió, mà muốn vậy, chúng phải trở cờ. Chúng phải đổi giọng, đổi những thứ vô giá thiêng liêng như niềm tự hào dân tộc, sự chính nghĩa, cái thiện… để mong lấy những cái có giá cụ thể hơn, đó là tiền!
***
Chiến tranh đã lùi xa chẵn 45 năm, với nước Mỹ chúng ta đã “khép lại quá khứ, hướng đến tương lai”, Việt Nam đúng như câu thơ tôi viết:
Một đất nước đến những người từng là kẻ thù cũng đem lòng yêu mến
Nhiều cựu binh Mỹ đã trở lại VN, được những người từng là cựu thù đón tiếp như những người thân; những tổng thống Mỹ đến VN đã được dân VN đón chào còn nồng nhiệt hơn cả ở Mỹ.
Với những người từng liên quan đến chế độ VNCH nhà nước cũng đã có chính sách hoà hợp dân tộc từ lâu. Càng ngày Việt kiều càng trở về thăm quê hương đất nước nhiều hơn, kể cả chuyện ở lại luôn, vì đất nước đã thay đổi rất nhiều.
Nhưng mọi người cũng cần phải hiểu một lẽ tất nhiên rằng, chúng ta hoà hợp là hoà hợp với những người biết “quay đầu là bờ” chứ không phải hoà hợp với những kẻ cho VNCH là chính danh, chính nghĩa, cho Miền Bắc xâm lược Miền Nam; chúng ta “khép lại quá khứ” không có nghĩa là xoá bỏ tất cả, không phải là chuyện lộn tùng phèo chính nghĩa, phi nghĩa, trắng đen lẫn lộn, thiện ác bất minh, mà cũng như nhân loại trên toàn thế giới, họ luôn làm lễ kỷ niệm những sự kiện trọng đại thì VN cũng sẽ mãi tự hào và luôn làm đại lễ để kỷ niệm ngày chiến thắng vĩ đại 30-4-1975!
24-5-2023
ĐÔNG LA
Link dẫn:
http://donglasg.blogspot.com/2023/05/ve-cuoc-oi-thoai-cua-bao-tuoi-tre-va.html
Tin cùng chuyên mục:
Nam thanh niên bị hành hung dã man trong khu dân cư Đông An 2
Nghị định 168 và những luận điệu xuyên tạc của RFA
Hương sắc Hà Nội – Một trong 50 thành phố tuyệt vời nhất thế giới
Nóng: Giám đốc Đại học Huế bị bắt