Cuteo@
Nhân đọc bài báo “Không đánh đổi an toàn của người dân lấy lợi ích kinh tế đối với cà phê đường tàu” viết về Cafe đường tàu ở Hà Nội, trong đó ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định: “Quận Hoàn Kiếm thu ngân sách thông qua du lịch, nhưng không đánh đổi với sự an toàn của người dân lấy bất kỳ lợi ích kinh tế nào”, tôi chợt nhớ đến phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều. Ông Chủ tịch cho rằng, để kích cầu du lịch, lực lượng chức năng không nên giới hạn giờ giấc hoạt động vào ban đêm của người dân và du khách; CSGT không nên “canh bắt phạt” người từ quán nhậu…
Thực ra, ông Chủ tịch trăn trở về kinh tế đêm của Bạc Liêu là hoàn toàn bình thường, nhưng có vẻ như ông quên mất rằng những giới hạn giờ giấc của các cơ sở kinh doanh có điều kiện liên quan chặt chẽ đến môi trường, cụ thể là tiếng ồn vào ban đêm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Ông cũng quên rằng, các quán nhậu đêm liên quan trực tiếp đến rượu bia và ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh trật tự, mà biểu hiện rõ nhất là liên quan đến tai nạn giao thông.
Trong phạm vi bài viết này, chỉ đề cập đến việc sử dụng rượu bia và việc “canh bắt phạt” của lực lượng CSGT. Báo Người Lao động viết:
“Khách đến Bạc Liêu mà chơi tới 11 giờ phải nghỉ, quán phải đóng cửa thì sao được. Người ta nói tới Bạc Liêu chơi vậy sao thoải mái được, phải vui chơi hơn giờ đó mới hiệu quả… Tôi đề nghị lực lượng công an, văn hóa phải hạn chế cái này”
“Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng nhắn nhủ lực lượng CSGT dừng việc “canh bắt phạt” khách đi nhậu tại các quán. Ông cho rằng cần phải tuyền truyền, giáo dục ý thức; canh người vi phạm để phạt không giải quyết được cái gốc của vấn đề mà chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho du lịch địa phương…”.
Thực lòng mà nói, tôi không thấy điểm tích cực trong phát biểu của ông Chủ tịch, nhất là nghe trực tiếp lời ông nói trong clip với cách diễn giải có vẻ bực bội, thái độ không hài lòng với lực lượng CSGT khi họ lập chốt gần quán nhậu. Thái độ và cách diễn đạt của người đứng đầu chính quyền một tỉnh chắc chắn sẽ gây áp lực lên việc điều hành của lực lượng công an tỉnh Bạc Liêu.
Thật ra ông Chủ tịch đã sai ngay từ trong tư duy khi nghĩ về lực lượng CSGT lập chốt gần quán nhậu là để “Canh bắt phạt”.
Xin thưa, mục đích việc lập chốt gần quán nhậu không phải nhằm mục đích “canh người vi phạm để phạt” như ông nói. Phát biêu nhưi thế là coi thường, là xúc phạm CSGT. Trước hết, việc lập chốt cạnh quán nhậu (nếu có) là không vi phạm pháp luật. Mục đích tối thượng của việc làm đó là bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giữ gìn trật tự xã hội. Mục đích tiếp theo là cảnh báo từ sớm, ngăn chặn những người say rượu, bia sử dụng phương tiện tham gia giao thông, vừa bảo vệ tính mạng của chính họ và bảo vệ tính mạng của những người dân vô tội. Nói cho ngay ngắn là để thượng tôn luật pháp, bảo đảm cho Luật phòng chống tác hại của rượu bia, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP và Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 16/1/2020 của Chính phủ đi vào thực tiễn, có giá trị trong cuộc sống. Ở khía cạnh khác, là để góp phần nâng cao nhận thức, hình thành nếp sống văn hóa, thượng tôn pháp luật cho người dân.
Cũng lưu ý rằng, việc trừng phạt những người vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ cũng là cách giáo dục, tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân và điều này sẽ góp phần giải quyết cái gốc của vấn đề.
Tôi đồng ý với ông, nếu chỉ lập chốt gần quán nhậu để phạt người vi phạm thì có thể không giải quyết được cái gốc của vấn đề. Tuy nhiên, nó lại là một trong số các phương thức để giáo dục người dân chấp hành pháp luật, góp phần hình thành văn hóa ẩm thực đấy ông ạ.
Tôi không đồng tình khi ông Chủ tịch nói rằng, CSGT lập chốt cạnh quán nhậu “không giải quyết được cái gốc của vấn đề mà chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho du lịch địa phương”. Không có số liệu nào, căn cứ nào để khẳng định lời ông Chủ tịch nói là đúng sự thật. Nhưng kinh tế du lịch của địa phương sẽ thiệt hại nếu như môi trường kinh doanh có vấn đề và chuyện CSGT lập chốt không hề liên quan. Khách du lịch sẽ một đi không trở lại nếu như địa phương bất ổn về an ninh trật tự với những vụ tai nạn giao thông, những vụ đâm chém, những quá khích và những hình ảnh không đẹp khi mất kiểm soát vì bia rượu.
Chủ tịch tỉnh mà phát biểu “CSGT canh để bắt phạt” và gây thiệt hại cho kinh tế du lịch của địa phương” như thế này thì khác gì CSGT là tội phạm, là rào cản của sự phát triển, là cái gai trong mắt người dân. Phát biểu như thế thì hình ảnh của CSGT không xấu trong mắt người dân mới là lạ. Trong câu chuyện này, CSGT không có lỗi, họ chỉ thực thi công vụ theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật.
“Hồn ai nấy giữ” hay nói cách khác “Thân ai nấy lo, mạnh ai nấy sống” là cách nói vô trách nhiệm. Đồng ý là bợm nhậu phải tự giữ tính mạng của họ, nhưng ai sẽ giữ tính mạng cho người dân vô tội khi họ bị bợm nhậu cầm lái đâm phải? Các quán nhậu thu được lợi nhuận, nhưng ai sẽ lo cho sức khỏe của người dân khi mà giấc ngủ của họ bị tiếng ồn cùng những gào thét, loa đài từ quán nhậu?
Ta không thể nói “Hồn ai nấy giữ” được. Nói như thế thì trách nhiệm của nhà nước, vai trò của cơ quan quản lý ở đâu. Khi người dân không/chưa tự giác chấp hành pháp luật thì cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm phải lo cho dân, đừng để “Mạnh ai nấy lo”. Đó mới là “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”.
Thực tình mà nói, tôi đã xem đi xem lại clip phát biểu của ông Chủ tịch phát biểu trên báo Người Lao động, đọc các bài báo có liên quan trên mạng và đọc cả những bình luận của nhiều người, mà không khỏi ngạc nhiên khi những phát biểu ấy không phù hợp với Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, pháp luật của Nhà nước. Và tôi thực sự lo lắng khi có nhiều người đọc mạng tỏ ra phấn khích, ủng hộ phát biểu của ông Chủ tịch. Thậm chí, một số hộ kinh doanh quán nhậu còn gửi thư cảm ơn ông Chủ tịch (được báo Tuổi Trẻ đăng tải).
Lưu ý rằng, phát biểu của ông Chủ tịch không phải là một tham luận phản biện xã hội mà là phát biểu có tính kết luận tại Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Bạc Liêu lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, do Thành ủy TP Bạc Liêu tổ chức, vì thế nó có tính chỉ đạo, tính định hướng cho toàn bộ hoạt động của các cơ quan ban ngành.
Cần nhớ rằng, chúng ta đã có Luật phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, trong đó nghiêm cấm người uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/05/2016 của Chính phủ. Với những quy định của pháp luật nói trên, mọi người dân phải chấp hành.
Thay cho lời kết, xin trích ý kiến của nhà báo Nguyễn Ran: “Phát biểu của ông Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu tại Hội nghị sơ kết việc thực hiện NQ của Đảng bộ TP Bạc Liêu là rất không ổn. Chắc tinh thần, chủ trương NQ của Đảng và luật pháp không phải như người đứng đầu Chính quyền địa phương này nói. Cách diễn giải, gần như chỉ thị của người này đối với ngành Công an, Văn hóa ở đó như một sự xúc phạm chức năng, nhiệm vụ của họ. Để thu hút khách du lịch có nhiều cách để tạo nên những sản phẩm hấp dẫn, nhưng không phải như cách của ông Chủ tịch này nêu ra. Thường vụ tỉnh ủy Bạc Liêu, nên sớm làm rõ việc này, bởi vừa rồi ông Phạm Văn Thiều đã trả lời phỏng vấn báo chí, thì ông vẫn khẳng định quan điểm không thay đổi như những gì ông đã nói. Nếu không làm rõ chủ trương này, thì hậu quả phái sinh từ phát biểu của người đứng đầu Chính quyền là không đơn giản”.
Tin cùng chuyên mục:
Con trai ông Trump nói Tổng thống Zelensky nài nỉ được mời đến buổi lễ nhậm chức
Nam thanh niên bị hành hung dã man trong khu dân cư Đông An 2
Nghị định 168 và những luận điệu xuyên tạc của RFA
Hương sắc Hà Nội – Một trong 50 thành phố tuyệt vời nhất thế giới