Mỹ thúc đẩy một cuộc chiến ủy nhiệm tại Ukraina: Đâu là những hệ quả?

Người xem: 184

Đây là bài viết trên RFI được đăng ngày 12/5/2022 trên Tạp chí tiêu điểm. Tre Làng đăng lại để một lần nữa khẳng định Ukraine chỉ là cánh tay nối dài của Mỹ ở cạnh Nga, nhưng cái khôn lỏi của Mỹ nằm ở chỗ xua cả các thành viên NATO và đa số các nước EU vào cuộc. Dưới đây là link dẫn và nội dung bài viết.

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p

***

Sau hơn hai tháng xung đột, Hoa Kỳ và các đồng minh quyết định ồ ạt viện trợ quân sự cho Kiev để đánh bại Vladimir Putin. Một bước ngoặt chiến lược biến Ukraina thành một chiến trường chưa từng có giữa phương Tây và Nga. Nhưng giới quan sát cảnh báo, cuộc chiến ủy nhiệm mà Mỹ đang tiến hành ở Ukraina ẩn chứa nhiều hệ quả nguy hiểm.

 

Từ trái sang phải: Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky và ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken, tại Kiev, Ukraina ngày 25/04/2022. AP

 
Ukraina: “Cánh tay vũ trang nối dài” cho Mỹ chống Nga?
 
Trong cách thức tiếp cận cuộc xung đột tại Ukraina, Hoa Kỳ những ngày gần đây đã có những hành động kiên quyết hơn: Thông qua gói viện trợ 40 tỷ đô la vũ khí và nhân đạo tại Quốc Hội (10/5) hay như Ký luật “Ukraine Democracy Defense Lend-Lease Act of 2022” để tăng tốc cung cấp vũ khí cho Kiev. Văn bản này dựa vào đạo luật “cho vay-cho thuê vì quốc phòng” có từ năm 1941, thời Đệ Nhị Thế Chiến. Theo đó, Mỹ được phép “bán, nhượng, trao đổi, cho thuê hoặc cung cấp” vũ khí cho các nước đồng minh bị phát xít Đức đe dọa.
 
Rồi các phát ngôn từ chính quyền Biden cũng mỗi lúc cứng rắn hơn. Ngày 25/04/2022, khi đến thăm Kiev lần đầu tiên sau hai tháng xung đột bùng phát, cùng với ngoại trưởng Anthony Blinken, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố: “Người Ukraina có thể giành chiến thắng nếu như họ có được những khí tài, sự hậu thuẫn tốt. Chúng ta muốn thấy nước Nga bị suy yếu đến một mức độ mà Nga không thể làm điều tương tự như việc xâm chiến Ukraina”.
 
Giới quan sát cho rằng, khi gởi hai viên chức hàng đầu đến Kiev, chính quyền Biden muốn bắn đi một thông điệp rõ ràng đến Matxcơva và thế giới : Nước Mỹ đã trở lại, nhưng lần này với vai trò “Leading From Behind” (Chỉ huy từ hậu trường). Trong cuộc xung đột lần này, Hoa Kỳ lại dẫn đầu các nền dân chủ – tự do trong cuộc chiến chống các chế độ độc tài chuyên chế mà Vladimir Putin là một gương mặt tiêu biểu. Và ở đó, Ukraina sẽ là “Cánh tay vũ trang nối dài” cho Mỹ và châu Âu.
 
Trong “Cuộc chiến của Joe Biden”1, theo như tựa một bài viết của Le Monde, bộ ba Jake Sullivan – cố vấn an ninh quốc gia, người vạch ra chiến lược ; Antony Blinken – ngoại trưởng Mỹ, đảm trách vế nhân đạo và Lloyd Austin – bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, phụ trách khâu quân sự, sẽ đảm nhiệm vai trò đầu tầu, thực thi “sứ mệnh”. Chuyên gia về Hoa Kỳ Annick Cizel, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của lãnh đạo Lầu Năm Góc :
 
Kể từ giờ, chính “Lloyd Austin, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ – người mà chúng ta không thấy xuất hiện, chưa nghe phát biểu từ bao lâu nay – sẽ người chỉ đạo việc điều phối Mỹ – châu Âu, cung cấp vũ khí, đào tạo binh sĩ Ukraina mà mọi người giờ đều biết (…) Trong cuộc leo thang xung đột đang diễn ra, chính lãnh đạo bộ Quốc Phòng, chủ nhân Lầu Năm Góc, sẽ thông tin công khai về những nỗ lực của Mỹ hậu thuẫn Ukraina”.2
 
Chiến tranh Ukraina: Cơ hội để Mỹ khôi phục uy tín ?
 
Vì sao Hoa Kỳ lại có sự quay ngoắc như thế về chiến lược sau nhiều tuần tỏ ra thận trọng? Cú sốc rút quân khỏi Afghanistan trong hỗn loạn hồi tháng 8/2021, được xem như là một bảng tổng kết thành tích thảm hại của Mỹ sau 20 năm chiến tranh không hồi kết ở Irak và Afghanistan.
 
Theo Le Monde, có nhiều nguyên nhân giải thích cho sự năng động này của Mỹ. “Thứ nhất, sẽ dễ dàng hơn khi tham gia vào một cuộc chiến ủy nhiệm mà không lo một binh sĩ Mỹ nào bị thiệt mạng trên chiến trường. Điều thứ hai, không kém phần quan trọng, đó là lần đầu tiên Mỹ tin rằng khó thể bị tấn công và lịch sử đang đứng về phía họ. Sau cùng, một sự hậu thuẫn mang tính quyết định có thể khôi phục phần nào uy tín của đất nước bị sứt mẻ sau thất bại ê chề ở Kabul” 3.
 
Thế nên, khi nhắc đến quyết tâm sử dụng cuộc xung đột tại Ukraina để tiến hành một cuộc chiến ủy nhiệm chống Nga với một mục tiêu là “làm suy yếu nước Nga”, nhà phân tích Anatol Lieven, Quincy Institute for Responsible Statecraft, cảnh báo:
 
“Điều đó có nghĩa là Washington sẽ áp dụng một chiến lược mà mọi tổng thống Mỹ đều cẩn trọng tránh trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh: Đó là tài trợ cho một cuộc chiến ở châu Âu, ẩn chứa nguy cơ leo thang cao dẫn đến đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO. Một cuộc đối đầu có thể được kết thúc bằng một thảm họa hạt nhân.
 
Việc Hoa Kỳ và NATO thời đó, từ chối hậu thuẫn các cuộc nổi dậy vũ trang chống lại chế độ Xô Viết ở Đông Âu, rõ ràng là không dựa trên bất kỳ sự thừa nhận nào về tính hợp pháp của chế độ cộng sản và sự thống trị của Liên Xô, mà chỉ dựa trên những tính toán đơn giản và sáng suốt về những rủi ro khủng khiếp mà Hoa Kỳ, châu Âu và toàn thể nhân loại có thể gánh lấy”.4
 
W and W – Win or Weaken ?
 
Bài phát biểu của ông Lloyd Austin, đặc biệt thu hút sự chú ý của giới quan sát chí ít ở hai điểm. Thứ nhất là mong muốn nhìn “thấy nước Nga bị suy yếu”. Đối với nhiều nhà phân tích, đây là một tuyên bố vô nghĩa, đạo đức giả. Cho đến lúc này Nga chưa cho thấy có dấu hiệu nào xâm chiếm thêm bất kỳ nước nào khác, cũng như càng không thể tấn công NATO trước những màn phô trương sức mạnh tồi tệ hiện nay.
 
Nhà chính trị học, chuyên gia về quan hệ quốc tế, Bertrand Badie5 phê phán, khi nói rằng “làm suy yếu nước Nga”, điều đó cũng có nghĩa là “chủ nghĩa cứu thế đang trở lại. Hoa Kỳ ở có mặt ở đây là để chiến đấu chống lại đế chế của điều Ác đang trỗi dậy. Điều đó chỉ làm cho ông Putin thêm hài lòng, bởi vì đây chính xác là kiểu lập luận mà ông ấy đang trông đợi để lên án Mỹ và phương Tây đe dọa an ninh của Nga”.
 
Điểm lưu ý thứ hai trong phát biểu của Lloyd Austin: Ukraina có thể giành được thắng lợi trong cuộc chiến với Nga. Vậy từ “thắng lợi” ở đây nên hiểu như thế nào ? Với ông Anatol Lieven, sự mập mờ này cho thấy rõ Mỹ đang sử dụng cuộc xung đột tại Ukraina không hẳn là để bảo vệ Ukraina mà còn vì một mục tiêu chiến lược rộng lớn hơn.
 
“Nếu chiến thắng có nghĩa là giúp Ukraina chiến đấu chống Nga và ngăn chặn Nga xâm chiếm Ukraina, thì tất nhiên điều đó là hoàn toàn chính đáng. Nhưng đã có những ý kiến cho rằng chiến thắng có nghĩa là thực sự giúp Ukraina giành lại toàn bộ những vùng lãnh thổ đã mất vào tay Nga kể từ năm 2014, bao gồm cả vùng đất là Nga hiện coi là một phần lãnh thổ quốc gia mình. Đương nhiên, đây sẽ là một sự leo thang quyết liệt thực sự trong các mục tiêu của Hoa Kỳ, vốn dĩ tiềm ẩn nhiều hậu quả nghiêm trọng”.6
 
Theo phân tích của vị chuyên gia thuộc Quincy Institute for Responsible Statecraft, nếu đây chính là mục tiêu sau cùng của Mỹ, điều đó chẳng khác gì với việc Washington đang vạch ra công thức cho một cuộc chiến vĩnh viễn, với những tổn thất và đau khổ khủng khiếp cho người Ukraina. Bởi vì, họ không thể tấn công vào các vị trí phòng thủ cố thủ của Nga như là chiến đấu bảo vệ các khu đô thị đang diễn ra.
 
Tái chiếm lại các vùng lãnh thổ đã bị mất, trên bình diện chính trị và địa lý, đối với Kiev giờ cũng là điều không thể, trừ phi Mỹ và Ukraina phá hủy hoàn toàn Nhà nước Nga, theo như phân tích của nhà nghiên cứu Anatol Lieven: “Toàn bộ các định chế chính trị Nga, kể cả Alexei Navalny, lãnh đạo phe đối lập, tất cả đều xem Crimée như là một phần lãnh thổ Nga. Hơn nữa, điều này đã được một bộ phận lớn người dân bán đảo Crimée, vốn dĩ cũng là tộc người Nga ủng hộ mạnh mẽ. Vì vậy, theo tôi, để có thể đi đến việc Nga trao trả bán đảo Crimée, về cơ bản, bạn phải tiêu diệt Nhà nước Nga”.
 
Ukraina: Đức và Pháp không muốn kéo dài chiến tranh
 
Trong nước cờ này, Hoa Kỳ có lẽ cũng không nên bỏ qua một tác nhân khác, tuy không can dự trực tiếp, nhưng có một vai trò không nhỏ: Trung Quốc, có thể cản trở mọi ý đồ làm suy yếu nước Nga của phương Tây. Trên trang mạng của viện nghiên cứu, Anatol Lieven giải thích: “Trung Quốc cho đến lúc này tỏ ra rất chừng mực trong việc ủng hộ Nga. Nhưng Bắc Kinh sẽ không dung thứ cho một chiến lược nào của Mỹ nhằm phá hủy nước Nga, dẫn đến hậu quả là cô lập hoàn toàn Trung Quốc”.4
 
Tất nhiên, chiến lược của Mỹ sử dụng chiến tranh ở Ukraina để làm “suy yếu Nga” cũng sẽ không tương thích cho việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình. Có nhiều rủi ro Washington phản đối bất kỳ sự dàn xếp nào để mà cuộc chiến vẫn tiếp diễn. Hồi tháng Ba vừa qua, việc chính quyền Kiev đưa ra một loạt các đề xuất rất hợp lý, trong đó cam kết giữ thế trung lập, nhưng lại không được sự ủng hộ công khai từ Washington là một điều đáng chú ý.
 
Phải chăng điều đó cũng có nghĩa là Hoa Kỳ trên thực tế đang biến Ukraina như là một “đồng minh”? Chuyên gia Lieven cảnh báo, chiến lược này của Mỹ được Lloyd Austin đề cập đến có nguy cơ đẩy Mỹ can dự nhiều hơn nữa vào việc hậu thuẫn cho phe dân tộc chủ nghĩa cực đoan ở Ukraina quay lại chống chính tổng thống Zelensky.
 
Chỉ có điều như quan sát của tờ báo Pháp Journal Du Dimanche, chiến lược này của Mỹ chưa hẳn nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ nhiều nước đồng minh châu Âu. “Cuộc chiến này không thể kéo dài mãi. Chiến tranh diễn ra ngay trên chính lãnh thổ lục địa và do vậy, châu Âu không mong muốn đưa châu lục này lao vào sự bất ổn”, theo như giải thích của một nhà ngoại giao xin ẩn danh.7
 
Đối với nhà nghiên cứu về quan hệ xuyên Đại Tây Dương, Alexandra de Hoop Scheffer, thuộc German Marshall Fund, chi nhánh tại Paris, “sự can dự ngày càng mạnh mẽ của Mỹ trong cuộc chiến này đáp ứng những đòi hỏi của các đồng minh ở sườn phía Đông của Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương – NATO, nhưng Paris cũng như là Berlin hay như Roma đều xem quyết định trên của Mỹ như là một sự leo thang có thể đẩy các nước châu Âu đi đến việc can dự trực tiếp hơn nữa vào cuộc xung đột”.
 
Tóm lại, trong cuộc xung đột Ukraina lần này, chưa biết hồi nào kết thúc, bị kẹp giữa Washington và Matxcơva, châu Âu hẹp đường hành động, như tựa đề một bài viết trên tờ Journal Du Dimanche !
 
**********
 
Ghi chú :
1. Comment les hommes du président Biden s’emparent de la guerre en Ukraine? – Le Monde ngày 05/05/2022.
2. Guerre en Ukraine: l’Amérique à la manœuvre – France Culture ngày 29/04/2022.
3. L’interventionisme américain de retour – Le Monde ngày 05/05/2022.
4. The horrible dangers of pushing a US proxy war in Ukraine – Responsible Statecraft ngày 27/04/2022.
5. Ukraine: le nouveau face-à-face Russie-États-Unis. – France Culture ngày 03/05/2022.
6. Is the U.S. Treating the Ukraine Conflict as a Proxy War Against Russia? – DemocracyNow (Youtube) ngày 28/04/2022.
7. Entre Washington et Moscou, une voie étroite pour l’Europe – Journal du Dimanche ngày 30/04/2022.
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *