Bộ Công an kiến nghị xử lý trách nhiệm các cá nhân liên quan nghi vấn lộ đề thi môn sinh

Người xem: 132

Bộ Công an kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân đã chỉ đạo, thực hiện chỉnh sửa phần mềm dẫn đến phần mềm sử dụng trong Hội đồng ra đề thi từ năm 2019 đến năm 2021 không đảm bảo nguyên tắc ngẫu nhiên, vi phạm quy chế thi

 
Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an vừa có văn bản kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) khắc phục sơ hở thiếu sót trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) quốc gia.
 

Nội dung ôn tập được cho là giống với đề thi sinh, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021

Tháng 6-2022, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã khởi tố điều tra vụ án hình sự án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ GD-ĐT. Đây là vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, có liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
 
Kết quả điều tra xác định ngoài hành vi sai phạm của bị can Bùi Văn Sâm và bị can Phạm Thị My trong quá trình tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Cơ quan điều tra còn phát hiện một số tồn tại, bất cập, sơ hở, thiếu sót trong quá trình chỉ đạo, tổ chức xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT.
 
Cụ thể, quá trình điều tra xác định trong thời gian tham gia các công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa năm 2021, tại đợt 1 và đợt 2, bị can Phạm Thị My đã mang các thông tin, tài liệu liên quan đến ngân hàng câu hỏi ra khỏi khu vực quy định, vi phạm quy định của quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi và các quy định về bảo mật tài liệu của Bộ GD-ĐT.
 
Để xảy ra hành vi vi phạm này, ngoài yếu tố chủ quan từ việc bị can Phạm Thị My đã không chấp hành các Quy định, cam kết về công tác bảo mật thì cũng có trách nhiệm của cán bộ thực hiện công tác kiểm tra, giám sát được phân công trong các đợt công tác và trách nhiệm chỉ đạo của Ban chỉ đạo xây dựng ngân hàng câu hỏi. Đồng thời, nguyên nhân cũng do Bộ GD-ĐT chưa có văn bản hướng dẫn, phân công công việc, trách nhiệm cụ thể đối với từng cá nhân tham gia công tác giám sát, chưa có biện pháp chủ động trong công tác phòng ngừa các vi phạm của thầy cô giáo khi tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi.
 
Trong quá trình tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi phục vụ ra đề thi năm 2019, ông Đỗ Thế Chuẩn, cán bộ Trung tâm khảo thí quốc gia, đã thực hiện việc chỉnh sửa phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi để đạt được yêu cầu rút tổ hợp câu hỏi thi theo chỉ đạo của ông Sái Công Hồng, khi đó là Trưởng Ban chỉ đạo công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi.
 
Việc chỉnh sửa đã làm thay đổi cơ chế rút đề của phần mềm từ ngẫu nhiên thành rút theo thứ tự sắp xếp ưu tiên, ông Chuẩn đã báo cáo ông Hồng về việc này qua email nhưng ông Hồng không có ý kiến chỉ đạo, nên sau đó phần mềm đã bị chỉnh sửa vẫn được sử dụng trong quá trình ra đề thi tại Hội đồng ra đề từ 2019 đến 2021, không theo cơ chế ngẫu nhiên, vi phạm quy chế thi các năm 2019 – 2021.
 
Theo đánh giá của Cơ quan an ninh điều tra, việc chỉnh sửa phần mềm làm mất tính năng rút ngẫu nhiên của phần mềm, sau đó được sử dụng để hỗ trợ công tác ra đề thi trong khu vực cách ly là không đảm bảo quy định của Quy chế thi và tạo ra sơ hở để các bị can Bùi Văn Sâm, Phạm Thị My lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội.
 
Việc phân công nhiệm vụ cho các chuyên gia, giáo viên viên tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi cũng chưa hợp lý, Bộ GD-ĐT phân công các thầy cô giáo vừa làm công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi vừa tham gia công tác ra đề thi là chưa khách quan, dễ dẫn đến lộ lọt thông tin, tài liệu liên quan đến các câu hỏi.
 
Để khắc phục những sơ hở, thiếu sót và tồn tại nêu trên, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an kiến nghị Bộ GD-ĐT:
 
Xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân đã chỉ đạo, thực hiện chỉnh sửa phần mềm dẫn đến phần mềm sử dụng trong Hội đồng ra đề ra thi từ năm 2019 đến năm 2021 không đảm bảo nguyên tắc ngẫu nhiên, vi phạm quy chế thi.
 
Kiểm tra, xem xét xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân được giao nhiệm vụ, nhưng đã để cán bộ giáo viên vi phạm quy định bảo mật trong quá trình xây dựng ngân hàng câu hỏi năm 2021 và Hội đồng ra đề thi năm 2021 sử dụng phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi hoạt động không đảm nguyên tắc rút đề ngẫu nhiên, vi phạm quy chế thi.
 
Kịp thời có biện pháp ngăn chặn, khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT đảm bảo khách quan, chặt chẽ, đúng quy định.
 
Tiến hành kiểm tra, rà soát các quy định, quy trình, quy chế liên quan đến công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa và công tác ra đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia để bổ sung, khắc phục những quy định còn chưa chặt chẽ, không để các cá nhân lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
 
Kết quả thực hiện đề nghị Bộ GD-ĐT trao đổi để Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an biết phục vụ việc xử lý vụ án.
 
Trước đó, tháng 12-2021, Báo Người Lao Động lần đầu lên tiếng về biên bản thẩm định của tổ chuyên gia trong đoàn công tác liên ngành của Bộ GD-ĐT, Bộ Công an về đề thi môn sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
 
Theo đó, từ tháng 8-2021, các chuyên gia đã khẳng định nhiều bất thường trong đề thi môn sinh. Cụ thể, các câu hỏi trong 4 mã đề thô được chọn với các câu hỏi xuất hiện trong các nội dung ôn tập của thầy Phan Khắc Nghệ có sự trùng lặp rất lớn, tỉ lệ hơn 97,5%. Biên bản làm việc của đoàn công tác cũng chỉ rõ: “Phân tích các câu hỏi trong đề duyệt chốt và các tư liệu trong các tệp dữ liệu trao đổi giữa ông Phan Khắc Nghệ và bà Phạm Thị My, ông Bùi Văn Sâm qua các năm 2015, 2026, 2017, 2018 và 2021 cho thấy ông Nghệ, bà My, ông Sâm đã có trao đổi các câu hỏi môn sinh cho nhau, gắn nội dung câu hỏi vào các ô ngân hàng thi, hẹn gặp trực tiếp để liên hệ nội dung trao đổi liên quan đến đề thi tốt nghiệp THPT”.
 
Nguồn: Yến Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *