Rộ bãi xe tự phát, thu giá “trên trời” sau Tết

Người xem: 120

“Đến hẹn lại lên” các điểm trông giữ xe tự phát đua nhau hoạt động, thu giá tuỳ tiện, cao đến 2 – 3 lần so với quy định.
 
Nhan nhản bãi xe tự phát, người trông giữ như… “kẻ trấn lột”
 
Sáng ngày 31/1 (tức mùng 10 Tết), tại chùa Trấn Quốc, xuất hiện hàng chục điểm trông giữ xe trải dọc ven đường Thanh Niên (Tây Hồ). Sẽ không có gì đáng nói nếu tất cả các điểm trông giữ trên đều được cấp phép, sử dụng một phần diện tích phù hợp không làm ảnh hưởng tới lưu thông của dòng phương tiện trên đường và thu giá theo quy định của UBND TP Hà Nội.
 
Nhưng không, lợi dụng dịp đầu năm mới, tại đây, các điểm trông giữ sử dụng lấn hết phần vỉa hè của người đi bộ, phí dịch vụ gửi xe đã được tuỳ tiện tăng khá nhiều, gấp 2, 3 lần so với quy định.
 

Bãi xe chật kín phương tiện nhưng không có thiết bị phòng chống cháy nổ theo quy định

Trong vai người dân có nhu cầu gửi xe để vào chùa lễ, PV Báo Giao thông đã gửi xe máy tại 3 điểm trên vỉa hè đường Thanh Niên với 3 mức giá từ 10.000 đồng,15.000 đồng và 20.000 đồng. Vé xe chỉ in dòng chữ: “Chùa Trấn Quốc” và số thứ tự gửi thay vì có tên đơn vị trông giữ, mã số thuế, niêm yết số tiền theo quy định.
 
Trước thắc mắc của PV vì sao tại các điểm trông giữ lại có mức giá khác nhau và đều cao hơn quy định, được người trông giữ cho biết: “Giá ngày Tết và các vị trí gửi xa, gần với chùa nên chênh lệch khác nhau”.
 
“Từ 1/1/2018, theo quy định của UBND TP Hà Nội, phí trông giữ ô tô, xe máy, xe đạp tại nội thành Hà Nội như sau: Tại 12 tuyến phố trung tâm quận Hoàn Kiếm như Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt,… giá trông ô tô dưới 9 chỗ là 30.000 đồng một lượt 1 giờ.
 
Các tuyến phố còn lại của quận Hoàn Kiếm và các quận nội thành khác, có giá 25.000 đồng.
 
Giá trông giữ xe máy ở mức 5.000 đồng ban ngày, 8.000 đồng ban đêm; xe đạp ở mức 3.000 đồng/ ban ngày, 5.000 đồng/ ban đêm.”
 
Nhiều năm đi lễ ở chùa Trấn Quốc chị Nguyễn Thị Thuý Hoa (Đông Anh, Hà Nội) ngán ngẩm nói: “Năm nào cũng vậy cứ dịp Tết lại loạn giá gửi xe. Hôm mùng một Tết bạn tôi gửi ô tô ở đây với giá 100.000 đồng/lần. Còn hôm nay, ngay khi tôi vừa tìm được chỗ đỗ, mấy người trông giữ xe đã thu luôn 50.000 đồng lại còn không đưa vé”.
 
“Nếu đây là theo quy định của Nhà nước, chúng tôi sẵn sàng chấp hành. Nhưng chắc không có quy định nào cho phép giá xe bị đội lên nhiều như vậy. Gửi xe cũng không có vé, vậy tiền này đút vào túi ai, nhà nước có nhận được nguồn thuế từ đơn vị trông giữ. Chẳng hiểu họ làm trái luật từ lâu mà đến nay vẫn tái diễn?”, chị Hoa thắc mắc.
 
Tình trạng xe đỗ ở lòng đường Quán Thánh, Thanh Niên, đoạn gần đền Quán Thánh cũng rất nhức nhối. Ở đây, ô tô đỗ trên lòng đường với giá 100.000 đồng/xe; xe máy đỗ tại vỉa hè. Cảnh tượng tại ngã rẽ từ đường Quán Thánh vào đường Thanh Niên là 2 – 3 người vẫy đón ô tô, xe máy, cùng dòng xe cộ đi chậm rãi chờ đến lượt gửi nên xảy ra tắc đường tại các tuyến đường Hùng Vương, Thanh Niên, Thụy Khuê ở gần đó.
 

Mỗi xe máy vào gửi đều phải đưa 10.000 đồng/ xe

Cách đó không xa,tại Phủ Tây Hồ, các điểm trông giữ phương tiện tự phát mọc lên như “nấm sau mưa” trên dọc các tuyến đường dẫn vào Phủ, đua nhau “chặt chém” du khách…
 
Chỉ một giờ quan sát, PV chứng kiến cả nghìn ô tô, xe máy ùn ùn tới lễ khiến các tuyến phố dẫn vào Phủ như Đặng Thai Mai, Quảng Khánh luôn ùn tắc. Các hộ dân xung quanh ngõ 50 Đặng Thai Mai, ngõ 59 Quảng Khánh ngoài việc bán hàng ăn còn kiêm thêm dịch vụ trông giữ xe. Mọi vỉa hè trống đều được tận dụng làm bãi gửi xe máy với giá 10.000-20.000 đồng/xe.
 
Tại đường Quảng Khánh, đoạn gần cổng Phủ, ô tô, xe máy tấp nập tới, xếp hàng vào gửi xe. Các bãi xe tự phát này đều đồng giá 10.000 đồng/lượt xe máy, ô tô 50.000 đồng/lượt.
 
Theo một người làm dịch vụ trông giữ ở đây tiết lộ, do quá đông khách đến lễ, vé phát cho khách đều do chủ bãi tự làm và quay vòng liên tục chứ không phải vé trông xe do Sở Tài chính phát hành. Tình trạng này sẽ kéo dài cho đến hết Rằm tháng Giêng mới chấm dứt.
 
Ở đường Ngô Đình Mẫn khu vực Bia Bà (Hà Đông), anh Nguyễn Văn Hưng (Chương Mỹ, Hà Nội) tỏ ra bức xúc khi tìm vị trí gửi xe không thấy nên đã để ô tô ở phần lề đường khu vực không cắm biển cấm để vào lễ. Sau khoảng một giờ anh cùng bạn bè ra lấy xe, hai người đàn ông ra thu phí trông giữ ô tô với giá 50.000 đồng.
 
Thắc mắc vì sao lúc đỗ ô tô không có người đến hướng dẫn hay đưa vé thì được người thanh niên thu tiền hùm doạ, quát mắng: “Chúng tao thầu cả tuyến đường. Muốn về thì phải nộp tiền”. Ngày đầu năm, không muốn gặp điều xui xẻo anh Hưng đành trả tiền nhưng lòng tức nghẹt vì hành động không khác gì bị “trấn lột”.
 
Đáng nói, quá trình ghi nhận tại các điểm trông giữ trên đều chật ních phương tiện, song, PV không thấy các thiết bị đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ, bình cứu hoả được bố trí. Nguy cơ hoả hoạn, cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
 

Ô tô ra vào gửi xe trên đường Quảng An khu vực Phủ Tây Hồ

Liệu có người “chống lưng”, duy trì hoạt động trông giữ xe “bát nháo”
 
Mặc dù hoạt động của các bãi xe tự phát hàng ngày vẫn hoạt động công khai, song, ông Nguyễn Hưng Quốc – Chủ tịch UBND phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) khẳng định, hiện các lực lượng chức năng phường vẫn hằng ngày túc trực tại khu vực chùa Trấn Quốc để phân luồng giao thông và kiểm tra đột xuất hành vi trông xe tự phát vào khung giờ cao điểm 12h-13h hằng ngày, kiên quyết xử lý khi phát hiện vi phạm.
 
Tại khu vực chùa Trấn Quốc, từ ngày 24/1 đến nay, lực lượng chức năng phường đã xử phạt hành chính 5 trường hợp vi phạm lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh sai phép và thu quá giá trông giữ xe theo quy định.
 
Đại úy Đoàn Hiếu – Đội trưởng Cảnh sát giao thông và trật tự quận Tây Hồ cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã xử phạt 57 triệu đồng với 24 trường hợp trông xe trái phép tại Phủ Tây Hồ. Đội sẽ tiếp tục tuần tra, kiểm soát để hạn chế thấp nhất tình trạng này.
 
Ở góc độ Thanh tra Giao thông, khi PV đề cập đến tồn tại tại các điểm trông giữ xe, ông Nguyễn Chí Cường – Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội khẳng định sẽ tăng cường phối hợp liên ngành, xử lý các điểm trông giữ xe vi phạm.
 
Trao đổi với Báo Giao thông, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thuỷ – Chuyên gia giao thông đô thị cho rằng: Người dân Thủ đô đúng là đang “khát” điểm gửi xe, nhất là khu vực tâm linh đi lễ đình, chùa đầu năm.
 
Để đón trước trước điều này địa phương cần sắp xếp mở thêm các điểm gửi xe tạm thời có quy mô rộng và quản lý. Thay vì để một điểm đi lễ có tới hàng vài chục điểm gửi xe tự phát. Bản thân tôi mới đây cũng đi lễ tại Phủ Tây Hồ nhận thấy khách vào đây rất đông. Tại đây cả vỉa hè, lòng đường đều đang được tận dụng tối đa cho hoạt động trông giữ gây mất trật tự ATGT, nhếch nhác.
 
“Gửi ô tô ở đây chưa đầy một giờ nhưng tôi phải nộp 100.000 đồng/xe, trong khi chiếu theo quy định ở khu vực này tôi chỉ phải nộp 25.000 đồng. Song, vì hiểu “đặc thù riêng” của các điểm này đang tồn tại từ lâu nên tôi đành chấp nhận. Nhưng các vị cứ tính xem, theo người quản lý tại Phủ Tây Hồ, ngày cao điểm khách tới đây lễ lên tới 30 – 40 nghìn người, nếu tính tương đương theo số xe sẽ là một con số rất khủng, nguồn thuế lớn của nhà nước thất thu khi vé ở đây do chủ bãi họ tự in”, bà Thuỷ bức xúc nói.
 
Theo bà Thuỷ, tình trạng chặt chém khách tại các điểm trông giữ tự phát đã diễn ra nhiều năm nay, nhưng năm nào cũng vẫn vậy, các điểm này vẫn còn nguyên. Khu vực Phủ Tây Hồ là một ví dụ.
 
“Lãnh đạo TP cần xem vì sao, tại sao lâu nay cả liên ngành không dẹp được hết, có gì khó khăn, ai chống lưng cho các điểm này tồn tại, tiền thu được đang đi đâu, cần làm rõ”, bà Thuỷ đề nghị.
 
Nguồn: Lê Tươi/Báo Giao thông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *