Trong những năm qua, cùng với sự phát triển chung của toàn cầu, đời sống mạng xã hội ở Việt Nam cũng diễn ra sôi động. Hệ thống cơ sở hạ tầng internet được Nhà nước quan tâm đầu tư. Đến nay, internet đã có mặt ở mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, biên giới, hải đảo. Theo số liệu được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra tại chương trình 25 năm Internet Việt Nam & Internet Day 2022, tính đến tháng 9-2022, số lượng người dùng internet tại Việt Nam khoảng 70 triệu người, chiếm khoảng 70% dân số cả nước. Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6/35 quốc gia, vùng lãnh thổ tại châu Á. Theo kết quả thống kê của We are Social được nêu trong báo cáo thị trường Digital năm 2022, tính tới tháng 1-2022, ở Việt Nam có khoảng 76,95 triệu người dùng mạng xã hội. Sự phát triển của internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đã tạo điều kiện thuận lợi để mọi người tiếp cận và chia sẻ thông tin cũng như tham gia các hoạt động xây dựng Nhà nước.
Vừa qua, Việt Tân tung ra cái gọi là “Báo cáo “#StopVNtrolls – Chống lại Lực lượng 47 và Kiểm duyệt trên mạng”. Theo luận điệu được rêu rao, báo cáo đưa ra nhằm “thách thức các đạo luật pháp lý tùy tiện và việc gỡ bỏ nội dung hạn chế quyền tự do ngôn luận; thúc giục các công ty công nghệ lớn bảo đảm môi trường trực tuyến an toàn và cởi mở bằng cách giải quyết các mạng lưới tấn công đối lập và các mạng lưới tác hại xã hội khác; hỗ trợ các nhà báo công dân và các nhà hoạt động mạng bị cầm tù”. Tuy nhiên, như người xưa vẫn nói “lý do to hơn mục đích”. Đằng sau những luận điệu tưởng chừng như tích cực nêu trên lại là mưu đồ chống phá vô cùng nguy hiểm.
“Chiến trường” thông tin
Bên cạnh các mặt tích cực, sự phát triển của internet cũng xuất hiện những hạn chế, tiêu cực. Các hoạt động khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng diễn ra đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội. Đặc biệt, với mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động, chống đối, cơ hội chính trị đã tích cực lợi dụng tính mở của mạng xã hội để tiến hành “diễn biến hòa bình”, lan truyền các thông tin, hình ảnh, bài viết có nội dung sai lệch, xuyên tạc nhằm kích động sự hoài nghi, mâu thuẫn trong xã hội, gây hoang mang dư luận. Với sự phát triển của internet, các đối tượng xấu đang dần chuyển dịch “chiến trường” từ xã hội thực sang “thế giới ảo”. Nếu như trước đây, khi thực hiện “chiến tranh tâm lý”, các đối tượng xấu phải lén lút vận chuyển, in, phát tán băng đĩa, sách, báo thì hiện nay, chúng đã chuyển sang sử dụng mạng xã hội. Chúng lập ra hàng loạt tài khoản mạng xã hội để làm nơi lan truyền, tán phát thông tin sai trái, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước và ổn định xã hội.
Nhận thức rõ mưu đồ chống phá của các thế lực xấu, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã tích cực nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Với sự ra đời của Luật An ninh mạng năm 2018, nhiều hành vi vi phạm đã bị xử lý nghiêm, góp phần giữ vững ổn định xã hội. Điều này cũng đồng nghĩa với việc môi trường, điều kiện chống phá của các “nhà dân chủ” ngày càng bị thu hẹp. Chính vì vậy, chúng đã “giãy như đỉa phải vôi”, vu cáo trắng trợn rằng “Chính phủ đã gia tăng kiểm duyệt internet với một đội ngũ an ninh mạng, dư luận viên ngày càng tinh vi nhằm ngăn cản tự do báo chí, tự do ngôn luận”.
“Cây ngay không sợ chết đứng”
Trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị ghi nhận: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bản viết, bản in hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự lựa chọn của họ”. Tuy nhiên, công ước cũng khẳng định rõ, việc thực hiện quyền tự do ngôn luận có thể bị giới hạn nhằm “tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác và bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”. Vậy nhưng, Việt Tân và các đối tượng xấu đang cố tình đánh tráo nội hàm khái niệm “tự do internet”, “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí”, cổ xúy những quan điểm tự do quá đà, tự do vô tội vạ, tự do nằm ngoài khuôn khổ pháp luật. Mục đích của những kẻ này không phải nhằm thúc đẩy tự do, dân chủ mà chỉ là hành vi lợi dụng tự do, dân chủ để chống phá chính quyền.
Chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam là xây dựng không gian mạng lành mạnh, không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Một trong những nguyên tắc quan trọng trong bảo đảm an ninh mạng là kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng.
Việt Nam đã, đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý Nhà nước và xã hội. Ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó khẳng định tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Việt Nam không ngăn cấm, không cản trở người dân sử dụng internet và mạng xã hội mà đang tích cực phát triển xã hội số để phục vụ đời sống. Vì vậy, những luận điệu được Việt Tân và các đối tượng “dân chủ” đưa ra là sự vu cáo trắng trợn, đi ngược thực tế.
Dân gian Việt Nam có câu “Cây ngay không sợ chết đứng”. Vậy nhưng, các “nhà dân chủ” nói chung và Việt Tân nói riêng dù luôn miệng cho rằng mình đang đấu tranh vì tự do, dân chủ nhưng lại cố tình không tuân thủ pháp luật Việt Nam. Rõ ràng, đây là những kẻ “có tật giật mình”.
Bảo An
Tin cùng chuyên mục:
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố