Khoai@
Mình vừa nghe các lực lượng chức năng Hà Tĩnh vừa xử phạt hành chính 29 thanh niên vì không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự với số tiền lên tới 319 triệu đồng. Thông tin này đã được lãnh đạo Phòng Tư pháp UBND huyện Can Lộc xác nhận.
Căn cứ tại khoản 1, điều 6, nghị định số 120/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8, điều 1, nghị định 37/2022/NĐ-CP, Chủ tịch UBND huyện Can Lộc đã ký Quyết định xử phạt. Theo đó, cả 29 thanh niên bị phạt mỗi người 11 triệu đồng vì “không có mặt đúng thời gian, địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng”.
Thực ra việc xử phạt người không chấp hành nghĩa vụ quân sự hoặc nói toạc ra là trốn tránh nghĩa vụ quân sự là hết sức cần thiết và phải làm thật nghiêm. Trên thực tế số người trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là rất nhiều, nhưng do nhiều nguyên nhân nên xử lý không được bao nhiêu. Điều đó làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ của công dân và làm giảm đi tính nghiêm minh của pháp luật và vô tình tạo ra sự không công bằng và tạo điều kiện cho những mánh khóe bẩn thỉu thực hiện để trốn tránh nghĩa vụ thiêng liêng đối với đất nước.
Trốn tránh nghĩa vụ quân sự được hiểu là hành vi không chấp hành lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu.
Đối với hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, tùy theo tính chất và mức độ của hành vi vi phạm. Người vi phạm nghĩa vụ quân sự có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự có thể là:
– Không chấp hành đúng quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự. Hành vi này được thể hiện qua việc chủ thể trong độ tuổi thi hành nghĩa vụ quân sự nhưng lẩn tránh không thực hiện việc đăng ký nghĩa vụ quân sự hằng năm. Cố tình đăng ký sai (sai tuổi, sai họ tên…), đăng ký chậm, đăng ký bổ sung khi có thay đổi về nơi ở, nơi làm việc…
– Không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ. Được thể hiện qua hành vi không nhận lệnh, không đến nơi tập trung để nhập ngũ, lẩn tránh không thực hiện lệnh gọi nhập ngũ. Hoặc dùng thủ đoạn khác tự gây thương tích để không thực hiện lệnh gọi nhập ngũ.
– Không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện (đối với quân nhân dự bị). Được thể hiện qua việc không đến địa điểm tập trung để thi hành lệnh, lẩn tránh hoặc dùng các thủ đoạn khác để không chấp hành lệnh.
Trốn nghĩa vụ quân sự bị xử phạt hành chính:
– Đối với hành vi không đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định:
Khoản 2, 3 Điều 4 Nghị định 120/2013/NĐ-CP quy định hành vi không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự bị xử lý như sau:Phạt cảnh cáo đối với công dân nam đủ 17 tuổi trong năm thuộc diện phải đăng ký nghĩa vụ quân sự nhưng không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu.
Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối trường hợp không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu. Hoặc các trường hợp không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự, đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung khi có sự thay đổi về chức vụ công tác, trình độ học vấn, nơi cư trú… theo quy định.
– Đối với hành vi vi phạm về kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự:
Theo Điều 6 Nghị định 120/2013/NĐ-CP hành vi vi phạm về kiểm tra, khám sức khỏe nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự bị xử lý như sau: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.
Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.
Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:Người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự;
Đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 2.000.000 đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
– Đối với hành vi vi phạm quy định về nhập ngũ:
Khoản 9 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về nhập ngũ nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự như sau:Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ theo quy định.
Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2 Điều 7 Nghị định 120/2013/NĐ-CP.
Trốn nghĩa vụ quân sự bị xử lý hình sự:
Căn cứ Điều 332 Bộ luật Hình sự, người có hành vi phạm tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự bị xử lý như sau:
– Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: (1) Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình; (2) Phạm tội trong thời chiến; (3) Lôi kéo người khác phạm tội.
P/s: Xung quanh câu chuyện trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự còn rất nhiều góc khuất khác nhau, liên quan đến cả người phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và cả những người khác. Đã có nhiều tiếng xì xầm trong nhiều năm nay ám chỉ những tiêu cực trong câu chuyện này, rất mong các cơ quan thuộc quân đội điều tra đến nơi đến trốn.
Tin cùng chuyên mục:
Mặt tối của ân xá: Quyền lực Tổng thống hay công cụ bao che?
Bước đột phá trong cải cách bộ máy Nhà nước
Phiên tòa xét xử Lưu Bình Nhưỡng: Sự thật và những luận điệu xuyên tạc
Chuyện quý bà và ‘soái ca nước yến’