Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ba Lan, Chính phủ Đức cho rằng vấn đề bồi thường thiệt hại thời chiến đã khép lại và Đức không có ý định đàm phán về vấn đề này.
Bộ Ngoại giao Ba Lan ngày 3/1 cho biết phía Đức đã chính thức bác bỏ yêu cầu của Ba Lan về việc bồi thường thiệt hại trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, ước tính lên tới 1.300 tỷ euro (1.400 tỷ USD).
Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ba Lan, Chính phủ Đức cho rằng vấn đề bồi thường thiệt hại thời chiến đã khép lại và Đức không có ý định đàm phán về vấn đề này.
Bộ Ngoại giao Ba Lan khẳng định sẽ tiếp tục yêu cầu Đức bồi thường về “việc xâm lược và chiếm đóng” trong giai đoạn 1939-1945.
Cũng trong ngày 3/1, Ba Lan đã kêu gọi Liên hợp quốc ủng hộ nỗ lực của nước này trong việc đòi bồi thường thiệt hại trong chiến tranh.
Kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước năm 2015, đảng Luật pháp và Công lý cầm quyền ở Ba Lan (PiS) đã đấu tranh cho vấn đề này, cho rằng Đức có “nghĩa vụ đạo đức” phải bồi thường cho Ba Lan.
Tháng 9/2022, Ba Lan ước tính thiệt hại tài chính do Chiến tranh Thế giới thứ hai gây ra đối với nước này là 1.300 tỷ euro và đã gửi công hàm chính thức tới Berlin yêu cầu bồi thường.
Tuy nhiên, Chính phủ Đức đã nhiều lần bác bỏ đề nghị này, cho rằng Ba Lan đã chính thức từ bỏ các yêu cầu như vậy trong một hiệp định ký năm 1953.
Trong một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau hồi tháng 10/2022, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock thừa nhận những nỗi đau dai dẳng mà nước này đã gây ra tại Ba Lan trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, song khẳng định vấn đề bồi thường đã khép lại.
Số liệu thống kê cho thấy khoảng 6 triệu người Ba Lan, trong đó có 3 triệu người gốc Do Thái, đã bị sát hại trong Chiến tranh Thế giới thứ hai và thủ đô Warsaw của nước này đã bị san phẳng vào năm 1944, khiến khoảng 200.000 dân thường thiệt mạng.
Văn Khoa (TTXVN/Vietnam+)
Tin cùng chuyên mục:
Mặt tối của ân xá: Quyền lực Tổng thống hay công cụ bao che?
Bước đột phá trong cải cách bộ máy Nhà nước
Phiên tòa xét xử Lưu Bình Nhưỡng: Sự thật và những luận điệu xuyên tạc
Chuyện quý bà và ‘soái ca nước yến’