Khoai@
VOA mới đưa tin, “ông Võ Văn Ái, một nhà thơ và nhà đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam, vừa qua đời tại Pháp, hưởng thọ 88 tuổi, theo tin từ gia đình ông”. Đó là góc nhìn và là công việc tuyên truyền lừa bịp của những kẻ thù địch với Việt Nam.
Với người Việt, Võ Văn Ái là kẻ phản bội Tổ quốc, phản bội Nhân dân, phản bội dân tộc, là Đại gian hùng, là Kẻ cơ hội vĩ đại. Nói về Võ Văn Ái đã có nhiều bài viết, xin trích dẫn những nội dung chính của một bài viết trên tờ Công an Nhân dân:
Như công luận đều biết, người đầu tiên phổ biến “Lời kêu gọi” của ông Thích Quảng Độ (Đặng Phúc Tuệ), kích động người dân “biểu tình tại gia” để phản đối những chủ trương, chính sách của Nhà nước lên mạng Internet là Võ Văn Ái, phát ngôn viên của “Văn phòng 2 Viện Hóa đạo – Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất” tại hải ngoại, kẻ bị cộng đồng Việt kiều ở Pháp và các nước gọi là “đại gian hùng”.
Võ Văn Ái là ai?
Sinh năm 1935 tại Thừa Thiên – Huế, Võ Văn Ái (còn có những tên khác như Nguyễn Thái, Thi Vũ, Trần Phổ Minh…, mà ông ta sử dụng để viết báo, làm thơ). Sau khi học xong chương trình trung học, ông ta được Hội Chữ thập đỏ Pháp cấp học bổng sang Đức du học từ năm 1955 đến 1958.
Trở về Pháp để đi theo ngành Y, năm 1963, Võ Văn Ái tốt nghiệp bác sĩ, và hiện cư trú tại số 25 Saffeux 92230 Genevilles, Paris, đồng thời tự cho mình là “cư sĩ”. Theo nhận xét của cộng đồng người Việt ở Pháp, thì Võ Văn Ái là “một trong những người trí thức, có trình độ trong đám phản động, lưu vong ở nước ngoài, chuyên nghề câu kết với một số đối tượng cơ hội chính trị trong nước và các phần tử phản động lợi dụng tôn giáo để kích động gây rối xã hội Việt Nam. Võ Văn Ái được coi như một “linh hồn” ở hải ngoại trong các chiến dịch “chuyển lửa về quê nhà”.
Ở đây, khó mà kể hết những hoạt động của Võ Văn Ái chống phá Nhà nước và nhân dân Việt Nam – đặc biệt là với bà con phật tử, với Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Chỉ xin kể một vài thí dụ điển hình: Tham gia “Chi hội Phật giáo Việt Nam thống nhất hải ngoại”, nhưng bất mãn trong việc tranh giành quyền bính, Võ Văn Ái đứng ra thành lập “Trung tâm Văn hóa Việt Nam” tại Pháp, rồi cho xuất bản tập san “Quê mẹ” mà nội dung không ngoài việc tuyên truyền, xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực tôn giáo.
Để đánh bóng tên tuổi mình với cộng đồng người Việt hải ngoại, năm 1977 Ái gửi thư cho Chính phủ Việt Nam, đòi thả những văn nghệ sĩ chế độ cũ bị ta đưa đi học tập cải tạo vì họ đồng thời là sĩ quan Quân đội Việt Nam cộng hòa, hoặc thành lập những tổ chức chống phá chính quyền cách mạng.
Bên cạnh đó, Võ Văn Ái còn câu kết với một số phần tử phản động người Lào, Campuchia lưu vong tại Pháp, để đẻ ra “Ủy ban Bảo vệ nhân quyền Việt Nam – Lào – Campuchia”.
Năm 1978, khi Bernard Kouchner, Chủ tịch tổ chức “Thầy thuốc không biên giới Pháp” dùng con tàu mang tên “Đảo ánh sáng” đi vớt người vượt biển, thì Võ Văn Ái đã tích cực tham gia cổ vũ cho tổ chức này. Ông ta dùng địa chỉ nhà mình làm nơi quyên tiền ủng hộ, và đã thu được hơn 200 triệu frăng (tiền Pháp). Tuy nhiên, số tiền thực tế đến tay “người vượt biển” lại không bao nhiêu, mà chủ yếu Võ Văn Ái tiêu xài cá nhân dưới danh nghĩa chi phí để đi nơi này, nơi kia, tuyên truyền vận động. Nắm được thông tin cụ thể, báo chí Pháp liên tiếp đăng nhiều bài tố cáo khiến kế hoạch “quyên góp” của Võ Văn Ái phải ngưng lại nửa chừng.
Im hơi lặng tiếng một thời gian để “cứt trâu hóa bùn” – nhưng vẫn kiếm ăn bằng cách năm 1979, xuất bản lậu cuốn Việt-Pháp từ điển của Đào Đăng Vỹ, và Từ điển Việt-Pháp của Đào Duy Anh. Đến năm 1983, Võ Văn Ái cho chào đời “Ủy ban bảo vệ quyền làm người Việt Nam”. Khi được một thế lực nước ngoài giúp đỡ tài chính, thì ông ta lại càng tích cực gia tăng các hoạt động chống phá Tổ quốc.
Thật ra, lá bài Võ Văn Ái cũng chẳng sáng giá gì nhưng vào thời điểm ấy, “Mặt trận kháng chiến tái, nạm, béo” của “phở bò” Hoàng Cơ Minh bị cộng đồng người Việt phanh phui về việc dùng tiền quyên góp để mua tàu, mua xe, mua nhà cửa, kinh doanh bỏ túi riêng, nên họ phải chọn Võ Văn Ái.
Chỉ tính sơ khởi từ năm 1977 đến 2003, thế lực ấy đã cung cấp cho Võ Văn Ái trên 230 nghìn USD. Hí hửng vì cờ đã đến tay, năm 1985 Võ Văn Ái nhân danh tổ chức “Ủy ban bảo vệ quyền làm người Việt Nam”, sang Mỹ kiện “Chính phủ Việt Nam vi phạm nhân quyền” (?!), đồng thời mở các chiến dịch vận động các nhóm phản động người Việt ở nước ngoài, lên án, bịa đặt về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.
Ủy ban ấy do chính Ái làm chủ tịch và điều hành, cùng với một nữ cộng sự đắc lực người Anh là Penelope Faulkner – có cái tên Việt Nam khá quen thuộc với cộng đồng người Việt hải ngoại là Ỷ Lan (và cũng là vợ bé của Võ Văn Ái). Cặp “đào kép” này tung hứng với nhau rất nhịp nhàng trong việc “tranh đấu cho quyền làm người”, cứ y như rằng ở Việt Nam, không ai có cái quyền ấy vậy!
Tháng 10/1990, Võ Văn Ái mở chiến dịch “Chuyển lửa về quê nhà” bằng nhiều hình thức khác nhau như tán phát tài liệu “Đề nghị dân chủ cho Việt Nam”, cử người sang Liên Xô (cũ) và Đông Âu để xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo và nhân quyền.
Năm 1993, Võ Văn Ái lợi dụng “Hội nghị nhân quyền thế giới” tại Áo để phát động phong trào đòi dân chủ, nhân quyền, phục hồi cái gọi là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất” (GHPGVNTN) của ông Quảng Độ – một tổ chức không được luật pháp Việt Nam thừa nhận, đồng thời ra sức kêu gào quốc tế ủng hộ cho một nền chính trị đa nguyên.–PageBreak–
Võ Văn Ái – đại gian hùng
Có được cái loa Võ Văn Ái ở nước ngoài, ông Quảng Độ mừng hết biết. Tháng 3/1999, ông Quảng Độ ký quyết định số 01/VHĐ, cử Võ Văn Ái làm phát ngôn viên Phòng thông tin Phật giáo quốc tế thuộc Viện Hóa đạo GHPGVNTN.
Được Quảng Độ giao cho soạn thảo các văn bản mà nội dung chống phá Nhà nước Việt Nam, hậu thuẫn cho các hoạt động phục hồi GHPGVNTN, Võ Văn Ái tích cực tiến hành vận động xin chữ ký của những chính khách ở một số quốc gia thiếu hiểu biết về tình hình Việt Nam, các cá nhân, tổ chức phản động người Việt ở hải ngoại mà mục đích không ngoài việc lật đổ Nhà nước Việt Nam, lật đổ quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Một nhà sư trụ trì một ngôi chùa ở Houston, Texas, đã nhận xét về Võ Văn Ái như sau: “Ông ta đứng ở chỗ có lợi nhất, bất cứ chỗ đó là chỗ nào! Năm 1953, thấy Pháp sắp thua thì Võ Văn Ái lăm le theo Việt Minh, bị Việt Minh từ chối vì nhận ra tính cơ hội, Võ Văn Ái liền ngả theo Ngô Đình Diệm để được du học. Khi có phong trào “cứu trợ thuyền nhân vượt biển”, Võ Văn Ái nhân dịp ấy, mượn trụ sở của một tổ chức Pháp để làm văn phòng rồi phù phép, cướp luôn, biến nó thành trụ sở của tập san Quê Mẹ. Thực tế mà nói, ông Quảng Độ và GHPGVNTN, chỉ là con ngựa để Võ Văn Ái cưỡi, gióng trống khua chiêng, kiếm tiền”.
Chỉ tội nghiệp cho những vị theo phò Võ Văn Ái như Chánh Lạc, Giác Đức, Hộ Giác, Giác Đẳng, Viên Lý… mỗi khi gặp Ái, lại phải khúm núm: “Anh Ái” hoặc: “Thưa ngài phát ngôn viên giáo hội!”.
Vì lập ra “Phòng Thông tin Phật giáo quốc tế” nên Võ Văn Ái cần có sự hậu thuẫn, ủng hộ của một số tu sĩ Phật giáo sống tại Việt Nam, đứng đầu là ông Quảng Độ. Giữa năm 2003, Võ Văn Ái sai tay chân của mình về nước, gặp ông Quảng Độ, rồi đề nghị ông ta nhận lời làm người lãnh đạo GHPGVNTN.
Không thoát khỏi cái bả vinh hoa chức tước, quyền lực, tháng 10/2003, ông Quảng Độ trao quyền quyết định tuyệt đối cho Võ Văn Ái để Ái đứng ra tổ chức một đại hội bất thường của “GHPGVNTN hải ngoại” tại Mỹ. Mục đích đại hội này nhằm đưa ông Quảng Độ lên ghế Tăng thống. Đổi lại, ông Quảng Độ cho Võ Văn Ái toàn quyền sắp xếp nhân sự của Viện Tăng thống và Viện Hóa đạo tại hải ngoại, đồng thời còn có quyền ban hành “giáo chỉ”, “tuyên cáo”, “thông điệp” từ trong nước đến các GHPGVNTN ở nước ngoài.
Thế là Võ Văn Ái mặc sức tung hoành, và nhiều lần “cư sĩ” Ái đã “đá giò lái” “thầy Quảng Độ”. Số là có những năm, Võ Văn Ái tuyên truyền rùm beng, rằng “thầy Quảng Độ” sẽ được nhận giải Nobel hòa bình”. Thế nhưng năm này qua năm nọ, hết người này đến người kia lên bục nhận giải, mà tên “thầy Quảng Độ” vẫn còn ở tận đẩu tận đâu.
Cặp bài trùng Võ Văn Ái, Ỷ Lan bèn tung tiền – dĩ nhiên là tiền của giáo hội – mà cũng có thể là tiền túi của ông Quảng Độ, để “chạy” với tổ chức RAFTO nhằm kiếm cho ông Quảng Độ cái giải “nhân quyền”.
Cũng xin nói rõ RAFTO chỉ là một nhóm tư nhân loe ngoe vài mống, lập ra để quyên tiền bá tánh và xin “phân” (fund) tài trợ. Ai thừa tiền, lại muốn trên vách tường nhà treo bằng chứng nhận “nhân quyền RAFTO” thì cứ việc xì tiền ra.
Những người không biết cứ tưởng RAFTO là cái gì ghê gớm lắm nhưng thực tế, nó chẳng khác chi cái bằng “Viện sĩ Viện hàn lâm giải phẫu thẩm mỹ” mà vài ông bác sĩ ở Việt Nam mua về để lòe các quý bà, quý cô đang muốn tân trang nhan sắc của mình.
Bên cạnh đó, đã mang tiếng là “Cơ quan phát ngôn của Văn phòng 2 Viện Hóa đạo, GHPGVNTN hải ngoại” nên người ta chẳng lấy làm lạ khi mà hầu hết những bài viết, những “thông cáo báo chí” do Ái phổ biến, đều dính dáng đến Phật giáo.
Tuy nhiên, Võ Văn Ái đã “đồng hóa” tín ngưỡng của một nhóm tu sĩ Phật giáo với tín ngưỡng của đại đa số phật tử. Cùng với sự phụ họa của ông Quảng Độ, Không Tánh… ở trong nước, các thông tin mà Ái đưa ra chỉ nhằm đánh lừa dư luận.
Dưới nhãn quan của Võ Văn Ái, thì tất cả đều là… “pháp nạn”. Không có nạn cũng phải cố tạo ra pháp nạn để đánh bóng cái mác “bảo vệ nhân quyền, bảo vệ đạo pháp” của mình. Chỉ đáng tiếc là một số người trong nước, tự nguyện làm vật tế thần, nhằm phục vụ cho mưu đồ đen tối của Võ Văn Ái.
Cho đến nay, những tăng ni, phật tử định cư ở nước ngoài về thăm quê hương, xứ sở, tận mắt chứng kiến những thay đổi về nhiều phương diện, nhất là phương diện tôn giáo với hơn 200 tu sĩ du học ở Ấn Độ, Mỹ, Pháp, Nhật, Đài Loan… để lấy bằng cao học và tiến sĩ Phật học, với Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, Hà Nội, TP HCM mỗi năm đào tạo hàng nghìn tăng ni có cả đức lẫn tài, thì họ đều cùng nhận định, rằng mang tiếng là GHPGVNTN hải ngoại, nhưng chưa bao giờ “giáo hội” này hòa hợp tăng chúng, chưa bao giờ hướng dẫn tín đồ tu học cũng như chưa hề đào tạo lấy một tăng ni. Hơn thế nữa, nhiều tăng ni đã đứng ra chỉ rõ bộ mặt của Võ Văn Ái.
Ngày 13/2/2009, tại chùa Điều Ngự, Mỹ, nhà sư Giác Đức đã vạch trần trò bịp bợm của “cư sĩ” Võ Văn Ái, đồng thời nói rõ thế lực nào đã cung cấp bạc tiền cho Võ Văn Ái.
Trước đây, khi đề cập đến vấn đề này, luôn luôn và bao giờ Võ Văn Ái cũng tìm đủ mọi cách thoái thác, phủ nhận là ông ta không bao giờ ăn tiền của ai: “Tôi làm những chuyện không công, chẳng có lương bổng gì hết, do vậy mà chư tôn đức tăng ni, phật tử cho bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu mà không đòi hỏi, để lo cho cơ sở Quê Mẹ”, thì nay, sư Giác Đức cho biết cụ thể Võ Văn Ái đã nhận năm thì 60.000.00 USD, năm thì 70.000.00, có năm lên đến 80.000.00 USD. Ngoài ra, vẫn theo sư Giác Đức, còn tiền của GHPGVNTN, tiền của chư tăng ni, phật tử, tiền của ông Chánh Lạc đưa để Võ Văn Ái đánh phá Nhà nước Việt Nam.
Khi nghe những lời này của nhà sư Giác Đức, Võ Văn Ái mắt nháy lia lịa, hai tay nắm chặt lấy nhau, chống cằm rồi cầm cây viết lên, liếc nhìn qua bà vợ bé Ỷ Lan. Khi ấy, khuôn mặt bà Ỷ Lan đanh lại, đôi mắt giận dữ nhìn nhà sư Giác Đức. Cũng may là buổi hội thảo đã chấm dứt sớm hơn chương trình dự định, chứ nếu không, chân tướng “cư sĩ” Võ Văn Ái sẽ còn rõ ràng hơn qua lời nhà sư Giác Đức.
Trở lại với “Lời kêu gọi” của ông Quảng Độ, thì sau khi tung lên mạng Internet, Võ Văn Ái chỉ đạo Ỷ Lan, điện thoại về phỏng vấn ông Quảng Độ. Trong cuộc phỏng vấn này, ông Quảng Độ đã cho rằng: “… Riêng đối với GHPGVNTN thì nguy cơ mất nước đang ngày một hiện lộ rõ nét hơn”. Như thế, đất nước này – theo lời ông Quảng Độ, thì phải chăng nó là của riêng GHPGVNTN? Chưa hết, khi “thập thành” Ỷ Lan hỏi vì sao lại biểu tình tại gia, ông Quảng Độ trả lời: “Ở Việt Nam, dù không bạo động cũng bị đàn áp. Cho nên phải biểu tình trong nhà, thế thôi. Đây là động thái chưa từng xảy ra trên thế giới như cô Ỷ Lan nói, thì đúng đấy”.
Sau đó, ông ta vạch kế hoạch: “Đồng bào miền Bắc biểu tình trong nhà từ ngày mồng 1/5 đến ngày mồng 10/5/2009. Tiếp theo thì bắt đầu đến đồng bào miền Trung từ ngày 11/5 đến ngày 20/5 biểu tình trong nhà. Chỉ ngồi trong nhà, không đi đâu. – Cuối cùng đợt thứ ba là từ ngày 21/5 đến ngày 31/5 dành cho đồng bào miền Nam”.
Những câu nói ấy, có lẽ đã thể hiện rất rõ tính sân, si của một “nhà tu hành”.
Hôm nay, VOA thông tin Võ Văn Ái đã chết, nhưng trong lòng người Việt Nam, Võ Văn Ái đã chết từ lâu.
Tin cùng chuyên mục:
Quy định mới về cấp bậc và tuổi nghỉ hưu trong quân đội
Những người thầy ươm dưỡng tương lai
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân