Những thước phim độc hại

Người xem: 173

Làn gió độc

Bộ phim “Hồi ức 2022” (Remember 2022) ra mắt và chiếu rạp từ ngày 26-10-2022. Phim nói về một ông lão 80 tuổi không còn người thân do bị những kẻ phản quốc giết hại trong thời gian phát xít Nhật xâm chiếm Hàn Quốc. Sau đó, ông đã lên kế hoạch trả thù những kẻ phản quốc đã trực tiếp hãm hại gia đình mình. Phim sẽ hay nếu như không có “hạt sạn” khi nói về chiến tranh tại Việt Nam.

 

Cụ thể, trong đoạn phát biểu nhân dịp khánh thành tượng đài của chính mình, nhân vật Đại tướng Kim Chi Deok (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Hàn Quốc) đã phát biểu, ghi nhận, biểu dương những chiến công của nhân vật chính là cựu chiến binh của Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến số 2 tham gia chiến tranh tại Việt Nam. Sau đó, vị này mời nhân vật chính lên sân khấu nhận huân chương. Đây đáng lẽ là chi tiết không nên có trong phim khi nói về đề tài chiến tranh tại Việt Nam. Còn nhớ trong kháng chiến chống Mỹ xâm lược Việt Nam trước năm 1975, lính đánh thuê Hàn Quốc đã tàn sát hàng ngàn người dân vô tội. Hàn Quốc và Hội Cựu chiến binh của họ còn nợ Việt Nam một lời xin lỗi. Nội dung phim chỉ nên dừng lại ở việc ca ngợi những chiến công mà quân đội Hàn Quốc chiến thắng phát xít Nhật, không nên động chạm đến đề tài chiến tranh tại Việt Nam chống Mỹ cứu nước vì trong quá khứ Hàn Quốc đã sai.

Lịch sử luôn là một mảng đề tài hấp dẫn cho các sáng tác nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng. Nhưng nếu các sự kiện lịch sử bị khai thác sai lệch hoặc bị lợi dụng để tuyên truyền cho những tư tưởng phản động, chống phá thì bị ngay chính khán giả phản đối, tẩy chay. Các nhà làm phim về đề tài này cần sự tôn trọng sự thật đã diễn ra, phân biệt được ranh giới giữa hư cấu trong sáng tạo nghệ thuật và xuyên tạc lịch sử. Về lịch sử, tùy mỗi giai đoạn mà chúng ta tiếp cận với một góc độ khác nhau. Trong sáng tạo nghệ thuật, các nhà làm phim có quyền hư cấu. Họ có thể hư cấu cả những góc khuất của lịch sử chưa được công bố để làm cho nội dung phim thêm phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, họ không thể lợi dụng góc khuất đó rồi muốn nói gì, làm gì cũng được. Như vậy là xuyên tạc lịch sử, xúc phạm sự thật và chính nghĩa.
 
Cũng trong năm 2022, Cục Điện ảnh thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra thông báo cho biết: Hội đồng thẩm định và phân loại phim quốc gia quyết định cấm chiếu bộ phim “Thợ săn cổ vật” (Uncharted) ở Việt Nam. Bộ phim này xuất hiện bản đồ có đường lưỡi bò. Điều này đã vi phạm Điều 9, Luật Báo chí về các hành vi bị nghiêm cấm và khoản 4 Điều 11 Luật Điện ảnh. Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cho dừng chiếu, phạt hành chính nhà phát hành phim “Everest: Người tuyết bé nhỏ” (Abominable) 170 triệu đồng cũng vì lý do tương tự. Một cảnh trong phim xuất hiện bản đồ có đường lưỡi bò bị cộng đồng quốc tế phản đối. Trên ứng dụng Netflix, một bộ phim có tên “Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta” cũng bị Cục Điện ảnh yêu cầu rà soát, gỡ bỏ những thông tin sai lệch về lịch sử, chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam.
 
Tuy nhiên, sự việc nêu trên lại bị các thế lực phản động bịa đặt, vu khống. Chúng cho rằng những quy định kiểm duyệt phim quá khắt khe đã làm nền điện ảnh Việt Nam không thể phát triển được. Bên cạnh đó, thế lực thù địch cũng lợi dụng các bộ phim này để đưa ra những luận điểm bóp méo, xuyên tạc lịch sử Việt Nam và quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Và khi một bộ phim nước ngoài bị cấm chiếu ở Việt Nam vì xuyên tạc lịch sử dân tộc, các thế lực phản động lại cho rằng: lịch sử dân tộc trong các bộ phim của chúng ta từ trước đến nay là lịch sử được tô hồng, một chiều, phiến diện. Từ đó, chúng đòi hỏi khán giả có quyền được tiếp cận với những tác phẩm có cách nhìn nhận lịch sử đa chiều hơn. Ở đây chúng đã đánh đồng việc hư cấu trong sáng tạo nghệ thuật với xuyên tạc lịch sử.
 
Thực tế, không chỉ Việt Nam mới cấm phát hành những bộ phim vì các chi tiết xuyên tạc lịch sử. Tại Trung Quốc, đất nước có nền điện ảnh đồ sộ, nổi tiếng với các bộ phim cổ trang, khai thác đề tài lịch sử nhưng vẫn có những phim bị phản đối dữ dội. Nhiều bộ phim nổi tiếng được đầu tư lớn như “Ba Thanh truyện”, “Hậu cung Như Ý truyện” có nội dung kịch bản cố tình xuyên tạc sự thật, làm sai lệch hình tượng nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Các đoàn làm phim sau đó đã phải chỉnh sửa phim theo yêu cầu của cơ quan kiểm duyệt. Tuy nhiên, có những bộ phim vẫn không thể ra mắt khán giả. Ở Mỹ, khi bộ phim “Những ngày cuối ở Việt Nam của Kennedy” ra mắt đã bị chính Tiến sĩ Nick Turse, một nhà phê bình, nhà sử học nổi tiếng ở Mỹ lên tiếng chỉ trích. Thật trớ trêu, một bộ phim được đề cử giải Oscar mà chỉ ca ngợi những người Mỹ, không hề đề cập tới việc hỏa lực của họ đã tàn phá Việt Nam khủng khiếp như thế nào. Bộ phim đó cũng chỉ giành mối quan tâm cho các hoàn cảnh cá biệt khi cuộc chiến tới hồi kết, bới lại các tin vỉa hè và xuyên tạc lịch sử đủ mọi cách. Tại Hàn Quốc, cũng có rất nhiều bộ phim bị khán giả tẩy chay và bị cấm sóng vì những chi tiết xuyên tạc lịch sử, văn hóa. Đơn cử một số phim truyền hình như “Pháp sư trừ tà Triều Tiên”, “Chàng hậu” bị dư luận Hàn Quốc phản đối dữ dội vì vừa gây hiểu lầm vừa phản ánh sai sự thật và đụng chạm đến lòng tự hào dân tộc của người dân xứ kim chi. Các nhà làm phim thì cho rằng nội dung chỉ mang tính chất hư cấu. Nhưng đại đa số khán giả đều không thể chấp nhận một bộ phim sử dụng đề tài lịch sử nhưng thực tế lại bóp méo nó. Hiện cả hai bộ phim đã bị xóa bỏ khỏi các nền tảng chiếu trực tuyến ở Hàn Quốc và cấm sóng hoàn toàn. Toàn bộ ê-kíp làm phim từ đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất đến dàn diễn viên chính đều phải lên tiếng xin lỗi khán giả Hàn Quốc.
 
Một chi tiết tưởng chừng như rất nhỏ và vô hại trong phim nhưng có thể tiềm ẩn rất nhiều hiểm họa khôn lường. Đó là bởi chúng được sắp xếp liền mạch trong diễn biến của câu chuyện, được đạo diễn dùng kỹ xảo hết sức tinh vi để thu hút sự chú ý của khán giả. Ai đó thích thú với diễn biến của bộ phim, hài lòng với mạch phim có thể vô tình bỏ qua những chi tiết sai sự thật lịch sử. Họ có thể cho rằng đó là hư cấu, điều bình thường đối với một tác phẩm nghệ thuật dẫn đến hợp lý hóa, công nhận sự xuyên tạc sai trái ấy. Những bộ phim như vậy sẽ khiến không ít người hiểu sai về con người, về văn hóa, lịch sử của cả một đất nước. Đây cũng là cơ hội cho các thế lực thù địch dựa vào để gây nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức của cộng đồng. Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của phim ảnh đối với đời sống, nhưng nếu lẫn khuất trong đó những thông tin xuyên tạc thì rõ ràng là một “làn gió độc”. Chúng ta không cực đoan nhưng tuyệt đối không được chấp nhận, lơ là bỏ qua những thông tin sai lệch, những luận điệu sai trái, xuyên tạc lịch sử.
 
Nguồn: Đỗ Thành

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *