Nhận diện luận điệu xuyên tạc nền kinh tế Việt Nam

Người xem: 155

Theo kết quả được Tổng cục Thống kê công bố, lần đầu tiên quy mô GDP của Việt Nam đạt 409 tỷ USD, uớc tính GDP năm nay tăng 8,02% so với năm trước và là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Kinh tế khởi sắc là điều đáng mừng. Vậy nhưng một số kẻ lại cố tình xuyên tạc, phủ nhận những nỗ lực trong phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.
 

“Lưỡi không xương trăm đường lắt léo. Miệng không vành méo mó tứ phương”. Đây là câu thành ngữ rất đúng để mô tả về các “nhà dân chủ”. Không khó để nhận thấy, dưới ánh mắt của những kẻ này, mọi vấn đề của Việt Nam đều mang màu sắc tiêu cực. Khi kinh tế Việt Nam không tăng trưởng, chúng rêu rao cho rằng Nhà nước không đủ năng lực lãnh đạo đất nước, các chính sách kinh tế – xã hội được Đảng đưa ra là sai lầm. Ngược lại, khi kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức cao, những kẻ này lại phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cho rằng kết quả đạt được là “ăn may”, là “số liệu bịa”…(?!)

Sau khi Tổng cục Thống kê công bố quy mô GDP của Việt Nam năm 2022 đạt 409 tỷ USD, những chiếc “lưỡi không xương” tiếp tục tung ra các thông tin độc hại. Có kẻ cho rằng nền kinh tế Việt Nam phát triển không ổn định, hoàn toàn phụ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài; một số kẻ khác lại rêu rao kinh tế Việt Nam phát triển nhưng không mang lại lợi ích cho dân chúng mà chỉ phục vụ một nhóm nhỏ trong xã hội. Bằng những luận điệu xảo trá, các “nhà dân chủ” lồng ghép quan điểm cho rằng “bản chất chế độ không thay đổi thì đất nước không có tương lai”… Thực tế, mưu đồ của chúng là chống phá chế độ, chống phá đất nước.
 
Phải khẳng định rõ, những năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Trước hết, hành lang pháp lý về kinh tế đã được xây dựng tương đối đầy đủ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình sở hữu hoạt động. Việc hội nhập kinh tế quốc tế cũng diễn ra mạnh mẽ. Nước ta đã tham gia vào nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương, trong đó nổi bật như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)… Cùng với đó, công tác phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, góp phần làm trong sạch môi trường đầu tư, kinh doanh. Tất cả yếu tố nêu trên đã tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển.
 
Hiện nay, mô hình kinh tế nước ta đang có sự chuyển dịch theo chiều hướng tích cực. Từ một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, xuất khẩu thô, lao động nhân công giá rẻ, chúng ta đang từng bước chuyển sang nền kinh tế hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hoạt động xuất khẩu được đẩy mạnh. Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã vào được các thị trường khó tính. Năm vừa qua, mặc dù kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng giá trị xuất – nhập khẩu của nước ta vẫn cao, tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu 732,5 tỷ USD, trong đó xuất siêu 11,2 tỷ USD. Trong lĩnh vực công nghiệp, nước ta đã hình thành được một số ngành công nghiệp có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh và vị trí vững chắc trên thị trường quốc tế. Một số doanh nghiệp công nghiệp trong nước có năng lực cạnh tranh tốt như Tập đoàn VinGroup, Tập đoàn Trường Hải, Tập đoàn Thành Công trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ôtô; Vinamilk, TH True Milk trong lĩnh vực sản xuất, chế biến sữa và thực phẩm; Tập đoàn Hoa Sen, Tập đoàn Hòa Phát, Công ty TNHH Hòa Bình Minh, Công ty thép Pomina, Công ty cổ phần Thép Nam Kim trong lĩnh vực sắt thép, kim khí…
 
Từ những thông tin nêu trên, có thể thấy kinh tế Việt Nam hoàn toàn không “nhỏ bé”, “thiếu ổn định”, “phụ thuộc hoàn toàn” vào bên ngoài như những gì các “nhà bình luận”, “nhà dân chủ” cố tình tung ra.
 
Tuy nhiên, chúng ta không phủ nhận nền kinh tế Việt Nam vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó có thể kể đến như: Việc cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách còn chồng chéo, thiếu chặt chẽ, chưa ổn định; vẫn còn tình trạng lợi ích cục bộ, sách nhiễu người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính; công tác chỉ đạo, điều hành của một số địa phương, bộ, ngành có mặt còn lúng túng, chưa quyết liệt, phản ứng chính sách có mặt còn chậm, phương thức lãnh đạo, quản lý chưa thật phù hợp, hiệu lực, hiệu quả chưa cao…
 
Để bảo đảm nền kinh tế phát triển bền vững, thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới mạnh mẽ hơn phương thức quản lý nhà nước về kinh tế, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *