Hà Nội sẽ quy hoạch thêm 2 thành phố: Phía Tây và Bắc Sông Hồng

Người xem: 148

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, sẽ quy hoạch 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là: Thành phố Bắc sông Hồng (huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và Thành phố phía Tây (khu vực Hòa Lạc – Xuân Mai) .
 

Chia sẻ với báo chí về kế hoạch năm 2023 của TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, Hà Nội sẽ triển khai nhiệm vụ quan trọng nhằm đạt các mục tiêu đặt ra và tạo động lực tăng trưởng mới cho thành phố.

Trong đó, Hà Nội phải tập trung thực hiện những nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa tạo sức bật mới cho sự phát triển của Thủ đô trước mắt và lâu dài.
 
Đó là hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
 
Đặc biệt, Hà Nội sẽ quy hoạch 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là: Thành phố Bắc sông Hồng gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và Thành phố phía Tây gồm khu vực Hòa Lạc – Xuân Mai.
 
Đây là những cực tăng trưởng mới của thành phố, giúp kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô và vực dậy kinh tế các huyện còn rất khó khăn, thậm chí là vùng trũng ở xung quanh lên.
 
Thành phố cũng sẽ tập trung quy hoạch và đầu tư đưa một số huyện thành quận, trước mắt trong năm 2023 phấn đấu đưa hai huyện Đông Anh, Gia Lâm lên quận.
 
Hà Nội đồng thời sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình trọng điểm; cố gắng sớm đưa vào vận hành thương mại đoạn trên cao Tuyến đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội;
 
Đặc biệt phải hoàn thành các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô… Quy hoạch, ban hành quy định để triển khai cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. Rà soát, xử lý các dự án chậm tiến độ có sử dụng đất.
 

Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng.

Đặt mục tiêu hoàn thành 22/22 chỉ tiêu
 
Thông tin về tình hình kinh tế – xã hội của TP Hà Nội năm vừa qua, Bí thư Đinh Tiến Dũng cho biết, mặc dù chịu khó khăn bởi tác động tình hình quốc tế và trong nước, nhưng Thủ đô Hà Nội đã đạt được kết quả toàn diện.
 
Các chỉ số đều cho thấy bức tranh kinh tế – xã hội Thủ đô có nhiều khởi sắc. Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Hà Nội tăng 8,89% (vượt kế hoạch đề ra là 7 – 7,5%).
 
Tuy nhiên, năm 2023 được dự báo sẽ rất khó khăn, nhất là trước nguy cơ lạm phát cao, suy thoái kinh tế, diễn biến dịch bệnh, tình hình chính trị thế giới… Do đó, quan điểm chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội là các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị – xã hội từ thành phố đến cơ sở phải phát huy những kết quả đạt được và kinh nghiệm đã có, tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn nữa.
 
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, đổi mới phương thức lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm, đề cao trách nhiệm, sự gương mẫu của người đứng đầu các cấp.
 
Năm 2023, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành 22/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội, trong đó cố gắng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP tăng 7% trở lên; kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 4,5%.
 
Thủ đô Hà Nội phải tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự tham gia, ủng hộ của nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhất là những nhiệm vụ lớn, nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó.
 
Thành ủy đã chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương phải tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp dựa trên đổi mới công nghệ, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa theo Nghị quyết của Thành ủy gắn với phát triển thương mại – dịch vụ, đẩy mạnh xuất khẩu, quảng bá và phát triển du lịch.
 
***
 
Quy mô kinh tế của Hà Nội năm 2022 đạt 1,2 triệu tỷ đồng (tương đương 50 tỷ đô la Mỹ). Thu nhập bình quân đầu người đạt 141,8 triệu đồng.
 
Lần đầu tiên Hà Nội thu ngân sách vượt 300 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 332.000 tỷ đồng, vượt dự toán Trung ương giao; trong đó năm 2022 là năm thứ hai liên tiếp Hà Nội có số thu nội địa dẫn đầu cả nước với số thu 303.000 tỷ đồng.
 
Thu hút được gần 1,7 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng hơn 10% so với năm 2021. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt gần 30.000 doanh nghiệp, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.
 
PHƯƠNG THẢO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *