Đã uống rượu, bia thì không lái xe-thông điệp quan trọng này đã được tuyên truyền nhiều năm qua. Cùng với đó, chế tài xử phạt cũng đã tăng lên tới mức 40 triệu đồng, tước bằng lái xe 2 năm song thực tế tình trạng lái xe vi phạm nồng độ cồn vẫn gia tăng mỗi dịp cuối năm.
Liên tiếp phát hiện vi phạm
Vào thời điểm cuối năm, gần Tết Nguyên đán, các buổi liên hoan, tụ họp, tình trạng sử dụng rượu, bia và vẫn tham gia giao thông đang có dấu hiệu tăng nhiệt trở lại. Có những trường hợp ghi nhận mức vi phạm lên đến 1,58mlg/lít khí thở, tức gấp gần 4 lần mức kịch khung là 0,4mlg/lít khí thở, cao nhất trên toàn quốc đến thời điểm này.
Cụ thể, tối 9/1/2023, tại nút giao Tràng Thi – Quán Sứ, Tổ công tác liên ngành Y12/141 phát hiện nhiều trường hợp tài xế ô tô vi phạm nồng độ cồn. Điển hình như trường hợp tài xế T.T.A điều khiển ô tô mang BKS 89C- 272.XX, vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,039 mg/l khí thở.
“Tôi sử dụng rượu, bia từ trưa, cứ nghĩ đến tối sẽ hết nhưng đo qua máy vẫn phát hiện nồng độ cồn. Có lẽ lần sau tôi sẽ nghỉ ngơi thêm để trong người không còn nồng độ cồn mới điều khiển xe” – tài xế A nói. Tổ Y12/141 đã lập biên bản xử phạt tài xế T.T.A với số tiền 7 triệu đồng, tước giấy phép 11 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày.
Hay đêm 13/1, nhận định sau trận chung kết lượt đi AFF Cup giữa Việt Nam và Thái Lan, tình hình có thể diễn biến phức tạp do lượng cổ động viên lớn từ sân Mỹ Đình và người xem bóng đá từ các quán nhậu đổ ra đường, Tổ công tác Y5/141 (Công an TP Hà Nội) thực hiện cắm chốt tại nút giao Hàng Bài – Trần Hưng Đạo. Còn tổ công tác liên ngành Y4/141 làm nhiệm vụ kiểm soát vi phạm nồng độ cồn tại phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa). Nhiều tài xế vi phạm ở mức kịch khung đã bị tổ công tác phát hiện, xử lý.
Tại nút giao Hàng Bài – Trần Hưng Đạo, lực lượng chức năng phát hiện nam tài xế L.T.V. (sinh năm 1995, quận Cầu Giấy), vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,109 mg/l khí thở. Trình báo với cơ quan công an, nam thanh niên lý giải mới chỉ uống một cốc bia. Tuy nhiên, với vi phạm này, tài xế sẽ bị xử phạt 2 – 3 triệu đồng, tước bằng lái 10 – 12 tháng và tạm giữ xe 7 ngày.
Còn trên phố Tôn Đức Thắng, cảnh sát phát hiện tài xế L.X.T. (SN 1984, trú tại Trung Liệt, quận Đống Đa) đi xe máy vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,982 mg/l khí thở. Đây là mức vi phạm rất cao, gấp 2,5 lần mức vi phạm cao nhất được quy định tại Nghị định 100/NĐ-CP. Tổ công tác lập biên bản, xử phạt anh T. với lỗi vi phạm nồng độ cồn, không có giấy phép lái xe và không có đăng ký xe. Tổng số tiền phạt với tài xế T. lên đến gần 10 triệu đồng và bị tạm giữ phương tiện trong 7 ngày.
“Với mức vi phạm nồng độ cồn như thế này, người điều khiển phương tiện hầu như không làm chủ được hành vi, rất có thể dẫn tới tai nạn giao thông” – một chiến sĩ CSGT cho biết. Vậy, nếu như không chặn giữ, kiểm tra kịp thời, lấy gì để đảm bảo lái xe trên sẽ điều khiển phương tiện an toàn về tới nhà mà không gây ra hậu quả nào?
Tăng kiểm tra lưu động
Pháp luật đã quy định tuyệt đối không được có nồng độ cồn trong máu khi lái xe, mức phạt đến vài chục triệu đồng, đồng thời tước giấy phép lái xe, giữ phương tiện, phạt tù nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Có thể nói, quy định đã rất nghiêm khắc nhưng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu, bia vẫn chưa chấp hành nghiêm, thậm chí phớt lờ những những cảnh báo hoặc sẵn sàng chống đối lại lực lượng chức năng khi bị xử lý vi phạm.
“Việc gia tăng các trường hợp sử dụng rượu, bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông vào dịp cuối năm là dễ hiểu. Cơ quan, DN, nhà máy… đa số đều tổ chức tiệc tất niên cho cán bộ, công nhân viên. Rồi thói quen tụ tập ăn nhậu của người dân Việt Nam những ngày này khiến tình trạng vi phạm nồng độ cồn cũng tăng cao hơn so với bình thường.
Nắm và dự báo tình hình, Phòng CSGT – Công an TP Hà Nội đã đôn đốc, chỉ đạo các đội nghiệp vụ, lực lượng CSGT của công an các quận, huyện, thị xã tăng cường lực lượng, xử lý trong các khung giờ cao điểm, đảm bảo phù hợp với tình hình địa bàn” – Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT, Công an TP cho biết.
Từ nay cho đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, lực lượng CSGT toàn quốc sẽ triển khai kế hoạch tăng cường tuần tra khép kín địa bàn, lập thêm các chốt kiểm tra nồng độ cồn tại các điểm, trong đó thường xuyên thay đổi vị trí để kiểm tra và triển khai các đội kiểm tra nồng độ cồn lưu động trên đường.
Đại diện chỉ huy đội CSGT số 6 (Công an TP Hà Nội) cho biết: “Xác định, xử lý nghiêm các hành vi liên quan đến rượu, bia, nồng độ cồn vào các khung giờ, các tuyến đường, loại phương tiện chính là góp phần kiềm chế tai nạn giao thông, hằng ngày, chúng tôi bố trí 2 tổ công tác thực hiện việc kiểm tra nồng độ cồn. Vị trí cắm chốt kiểm tra được thay đổi liên tục”.
Theo vị đại diện này, không ít trường hợp tài xế bị xử phạt đến vài chục triệu đồng, nhất là vào dịp cuối năm. Việc xử phạt, tuyên truyền đến những tài xế vi phạm nồng độ cồn cũng gặp không ít khó khăn khi họ không còn được tỉnh táo.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tuần tra, kiểm soát hằng ngày, hằng giờ, tập trung theo chuyên đề kiểm tra, xử lý lái xe sau khi uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Lực lượng sẽ chú trọng thời điểm vào các buổi tối, ngày nghỉ, lễ, Tết. Khi kiểm tra, nếu phát hiện người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá quy định thì kiên quyết đình chỉ phương tiện không cho lưu hành, lập biên bản vi phạm, tạm giữ phương tiện và xử phạt” – đại diện Đội CSGT số 6 thông tin thêm.
Những ngày Tết Nguyên đán gần kề, để niềm vui được trọn vẹn, mỗi người dân cần tự ý thức về trách nhiệm của bản thân khi tham gia giao thông, thực hiện tốt khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia – Không lái xe”.
Theo thống kê của Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, từ 15/12/2022 – 5/1/2023, 4.344 trường hợp vi phạm nồng độ cồn đã bị xử phạt với số tiền hơn 23 tỷ đồng, tước 2.352 giấy phép lái xe. Trung bình mỗi ngày, lực lượng chức năng xử lý gần 200 trường hợp vi phạm và phạt tiền gần 1,1 tỷ đồng.
Nguồn: Kinh tế & Đô thị
Tin cùng chuyên mục:
Phiên tòa xét xử Lưu Bình Nhưỡng: Sự thật và những luận điệu xuyên tạc
Chuyện quý bà và ‘soái ca nước yến’
TikToker say rượu, đi ngược chiều, livestream thách thức CSGT khi bị kiểm tra
Không thể đổ lỗi cho đèn tín hiệu giao thông khi vi phạm luật