Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật sẽ làm việc với Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GTVT để làm rõ tính pháp lý của công văn yêu cầu đổi tên “trung tâm đào tạo lái xe” thành “trung tâm Giáo dục nghề nghiệp…”.
Cuối tuần này, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) sẽ làm việc với Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GTVT để làm rõ tính pháp lý của Công văn 3033/2021 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Không có quy định nào buộc đổi tên
Cụ thể ở đây là việc ngày 31-12-2021, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) ra văn bản đề nghị Sở LĐ-TB&XH cả nước yêu cầu các cơ sở đào tạo đang hoạt động theo mô hình là trung tâm đào tạo nghề phải đổi tên thành “trung tâm giáo dục nghề nghiệp…”. Theo đó, các “trung tâm đào tạo lái xe” hiện nay sẽ phải đổi thành các “Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp…”.
Sau khi nhận được công văn trên, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam liền có văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XH đề nghị không đổi tên như đề nghị của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, đến nay hiệp hội vẫn chưa nhận được văn bản trả lời của cơ quan này.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết hiện khoản 1 Điều 5 Luật Giáo dục nghề nghiệp có quy định các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm ba mô hình là trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp và trường cao đẳng. Tuy nhiên, Luật Giáo dục nghề nghiệp không hề có từ nào yêu cầu nào buộc đổi tên các “trung tâm đào tạo lái xe” thành “trung tâm giáo dục nghề nghiệp”.
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XH đề nghị không đổi tên như đề nghị của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: THY NHUNG
Tên các cơ sở đào tạo nghề trong lĩnh vực đào tạo lái xe hiện hành đã tuân thủ quy định và được các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương là Sở LĐ-TB&XH cấp giấy phép hoạt động. Đặc biệt, trong quá trình quản lý không có vướng mắc gì liên quan đến việc đặt tên gọi đang được sử dụng phổ biến hiện nay.
Ngoài ra, lĩnh vực đào tạo lái ô tô có đặc thù riêng, ngoài đất đai, nhà xưởng, bãi tập, còn phải trang bị số lượng lớn phương tiện ô tô để đáp ứng cho học viên tập lái.
Trên thực tế, hầu hết cơ sở đào tạo lái ô tô đều phải huy động vay vốn từ các ngân hàng thương mại để đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo nên các loại giấy tờ chứng nhận sở hữu của các tài sản nêu trên đã được thế chấp ở ngân hàng. Nếu đổi tên các cơ sở đào tạo lái xe, phải rút các hồ sơ chứng nhận sở hữu tài sản đang thế chấp tại các ngân hàng là rất phức tạp và trong nhiều trường hợp là bất khả thi.
“Còn nếu đổi tên cơ sở đào tạo mà không chuyển sở hữu các tài sản nói trên lại vi phạm các quy định. Chưa hết, khi chuyển sở hữu xong lại phải sơn kẻ lại tên cơ sở đào tạo trên các cánh cửa, thành xe… sẽ phát sinh nhiều chi phí…” – ông Quyền cho hay.
Bộ LĐ-TB&XH nói chưa nắm
Trong khi đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp mặc dù không có văn bản trả lời Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhưng khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo đơn vị này khẳng định yêu cầu trên không phải do tổng cục đề xuất mà thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, luật định nghĩa thống nhất tên gọi tất cả “trung tâm đào tạo lái xe” thành “trung tâm giáo dục nghề nghiệp”.
“Nên ngay từ khi được cấp phép thành lập các trung tâm trên thì họ cũng phải cập nhật tất cả thông tin về các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đặc biệt ở đây là Luật Giáo dục nghề nghiệp. Vì vậy, đây là công việc rà soát, chấn chỉnh của cục sau nhiều năm áp dụng luật. Hiện một số đơn vị ngay từ đầu thực hiện đúng, một số thấy chưa phù hợp thì điều chỉnh, số còn lại đang có những giải trình…” – lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nói.
Không đồng tình với ý kiến trên, mới đây Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam có văn bản gửi thẳng lên Bộ LĐ-TB&XH. Đồng thời khẳng định hiệp hội đã nghiên cứu Luật Giáo dục nghề nghiệp và các thông tư của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Nội vụ đơn vị nhận thấy các văn bản đều không có điều khoản nào yêu cầu cơ sở đào tạo đang hoạt động theo mô hình là trung tâm đào tạo nghề phải đổi tên thành “trung tâm giáo dục nghề nghiệp…”.•
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), đơn vị được mời dự họp về vấn đề trên, khẳng định chưa nắm được vấn đề này nên từ chối trả lời những tranh luận trên. Trong khi đó, văn bản của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã gửi lên bộ gần hai tháng.
VIẾT LONG
Tin cùng chuyên mục:
Quy định mới về cấp bậc và tuổi nghỉ hưu trong quân đội
Những người thầy ươm dưỡng tương lai
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân