Chở theo chiếc vali chứa dụng cụ y tế, thuốc men trên chiếc xe cà tàng, ông Mấu Văn Phi, 52 tuổi, Bí thư huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) rong ruổi khắp nơi để khám bệnh và phát thuốc cho người nghèo.
Xem việc giúp đỡ bệnh nhân nghèo là niềm vui
“Mẹ của tôi ốm, nằm li bì và đau nhức khắp cơ thể từ sáng đến giờ, nhờ bác tới khám giúp”, anh Cao Mà Xuôn, 39 tuổi, người Raglai nói giọng gấp gáp khi gọi điện cho ông Phi vào chiều cuối tuần của tháng 12. Qua điện thoại, ông Phi còn nghe được cả tiếng rên của cụ bà.
Thay vội bộ quần áo, kiểm tra vali xếp đầy ắp các loại thuốc và chiếc túi chứa dụng cụ y tế ông Phi lên chiếc xe Dream cũ, phóng đi.
Khánh Vĩnh là huyện miền núi của địa phương, với 14 xã, trên 41.500 hộ dân, phần đông là người Raglai, T’Ring, Ê Đê…, sinh sống. Cuộc sống của người dân nơi đây khá khó khăn, sống chủ yếu nhờ nương rẫy. Nhà anh Xuôn lọt thỏm dưới chân đồi ở thôn Chà Liên, xã Liên Sang. Phải vượt qua đường dốc của miền núi chừng 15km, ông Phi mới tới nơi.
Bà Cao Thị Bà Lé, 80 tuổi, có tiền sử bệnh tai biến, viêm khớp. Những ngày này thời tiết thay đổi, bệnh cũ của bà tái phát. Nằm trên giường, bà trông mệt mỏi. Được người nhà chăm sóc, cho uống lá rừng bà vẫn không bớt mệt, mỗi lúc một suy kiệt.
Đo nhiệt độ, kiểm tra huyết áp, chẩn đoán bệnh, ông Phi đánh giá bệnh nhân có thể điều trị tại nhà. Nói rồi, ông kê đơn thuốc nhiều ngày cho bệnh nhân uống và dặn phải theo dõi và báo ông khi bệnh tình không thuyên giảm.
Ở gần đó, hay tin ông Phi khám bệnh cho hàng xóm, bà Cao Thị Mà Lý, 45 tuổi, liền sang nhờ kiểm tra sức khỏe cho mẹ ruột của mình. Căn nhà rộng chừng 40m2 của họ trông tuềnh toàng, bên trong chỉ vỏn vẹn vài thứ gia dụng cần thiết, chiếc tivi nhỏ góc tường cùng tủ lạnh có thể là thứ quý giá với gia đình này.
Ở tuổi 77, bà Cao Thị Đu Miên nằm một góc giường, trông yếu ớt. Hai chân của bà bị tê liệt, không cảm giác, việc đi lại phải nhờ người chăm sóc. Tuy nhiên, nhà nghèo, bà ngại tới bệnh viện.
Qua thăm khám, kiểm tra về huyết áp, tim mạch, ông Phi chẩn đoán bà suy nhược cơ thể, viêm khớp và có dấu hiệu tai biến. Còn lại, huyết áp, tim mạch đều bình thường, chỉ cần uống thuốc kháng viêm, bồi thêm ít thuốc bổ, bác sĩ Phi căn dặn.
Nhận từng túi thuốc, người con gái bày tỏ sự biết ơn, vơi đi căng thẳng. Hễ nhà có ai ốm đau, chỉ cần điện thoại nhờ là ông Phi đều sắp xếp thời gian có mặt. Ông không lấy tiền thuốc. “Mình rất cảm mến tấm lòng vì cộng đồng của bác ấy. Ở đây, mọi người xem bác ấy là bác sĩ có khi nhiều hơn chức danh đang đảm nhiệm”, bà Lý nói.
Nghe vậy, ông Phi chỉ cười hiền bảo, “mình làm được gì mình làm, đó là niềm vui”, rồi rời đi. Trong ký ức của ông, những năm về trước, cuộc sống người dân chật vật lo từng bữa. Khi ốm đau họ tìm cây, lá rừng sắc lấy nước uống, hoặc tìm thầy lang.
Từng thấy nhiều trường hợp chết vì chủ quan, ủ bệnh lâu ngày, ông luôn ấp ủ trở thành bác sĩ để được góp sức giúp đồng bào của mình.
Ông Mấu Văn Phi là con cả trong gia đình có 5 anh em, người Raglai ở xã Khánh Thượng. Cha ông mất sớm, một tay mẹ chăm các con. Từ bé, ông bộc lộ sự ham học. Sau giờ trên lớp, ông đi làm rẫy, vác mỳ thuê phụ mẹ lo kinh tế. Tối đến lại chong đèn đọc bài.
Ông trở thành người đầu tiên của buôn làng đỗ chuyên ngành Bác sĩ đa khoa – Đại học Tây Nguyên, năm 1990.
Năm 1997, sau khi tốt nghiệp, có nhiều chọn lựa làm việc, song ông xin về Trung tâm y tế của huyện. Ở địa phương, ngoài giờ làm, bác sĩ Phi đến từng nơi khám, chữa bệnh cho người dân bất kể nắng mưa.
Mỗi tháng, ông trích một ít từ tiền lương để mua thuốc thông thường điều trị sốt, tiêu chảy, ho…, có khi bổ sung thêm các cây thảo dược để khám, chữa trị bệnh cho người nghèo. Bây giờ, kinh tế ổn hơn, ông cũng sắm sửa đa dạng các loại thuốc.
Ông Phi tâm niệm, trong nghề y thì không có những tính toán thiệt – hơn mà sức khỏe bệnh nhân được đặt lên trước hết. Hơn nữa, ngành y thi đầu vào đã khó, việc duy trì và hoạt động còn khó hơn. Người thầy thuốc phải không ngừng trau dồi kiến thức. Do vậy, ông tiếp tục thi đỗ vào Đại học Y dược Huế, chuyên ngành Bác sĩ chuyên khoa nội với mong muốn có thêm nhiều kiến thức, chuyên môn.
Sau nhiềm năm công tác chuyên môn, hiện ông là Bí thư huyện ủy Khánh Vĩnh. Mỗi ngày, sau giờ làm ông lại dành thời gian, rong ruổi khắp nơi chữa bệnh cho bà con.
Vợ ông, bà Cao Thị Hải (42 tuổi), chia sẻ bản thân bà cũng là người Raglai, lớn lên trong khốn khó và tận mắt thấy người dân nơi bà sống bị bệnh tật, không được chữa trị kịp thời. Thấy việc của chồng làm là có ý nghĩa, bà không ý kiến mà âm thầm đồng hành và chia sẻ bằng cách vun vén gia đình, lo cho các con thật tốt.
Còn ông Phi, trở về nhà khi trời đã tối, ông trò chuyện với mọi người trong gia đình. Thi thoảng, người cha ngước nhìn con trai và gái (12, 18 tuổi) đang lớn từng ngày, ông chỉ mong chúng sau trưởng thành là người có ích. Về lâu dài, ông muốn có nhiều sức khỏe để đi khám bệnh cho bà con.
Xuân Ngọc – Nhà báo
Tin cùng chuyên mục:
Mặt tối của ân xá: Quyền lực Tổng thống hay công cụ bao che?
Bước đột phá trong cải cách bộ máy Nhà nước
Phiên tòa xét xử Lưu Bình Nhưỡng: Sự thật và những luận điệu xuyên tạc
Chuyện quý bà và ‘soái ca nước yến’