Cựu Đại tá Nguyễn Thế Anh từng nói sẽ “kêu oan suốt đời” khi bị tuyên án chung thân vì tội nhận hối lộ, song tại phiên phúc thẩm, bị cáo này bất ngờ nhận tội.
Sáng 27/12, Tòa án Quân sự Trung ương mở phiên xử phúc thẩm xem xét kháng cáo của ông Lê Văn Minh (cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4) và 7 bị cáo khác trong vụ án nhận hối lộ để bảo kê cho trùm buôn lậu xăng dầu Phan Thanh Hữu.
Theo đơn kháng cáo, cựu Đại tá Nguyễn Thế Anh (cựu Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang) và Nguyễn Văn An (trú TP.HCM) kêu oan, kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên sơ thẩm hồi tháng 7 ở Tòa án Quân sự Quân khu 7, cựu Đại tá Nguyễn Thế Anh bị phạt tù chung thân cho tội “Nhận hối lộ” và 2 năm vì “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”, tổng hợp mức án là chung thân. Trong phần tự bào chữa, ông Thế Anh nói sẽ “kêu oan suốt đời” do thấy phần luận tội không thuyết phục.
Tuy nhiên tại phiên tòa phúc thẩm sáng nay, sau khi HĐXX hỏi về nội dung kháng cáo, bị cáo Nguyễn Thế Anh thừa nhận đã nhận tiền của trùm buôn lậu Phan Thanh Hữu gửi thông qua bị cáo Nguyễn Văn An.
“Bị cáo thấy việc kêu oan là do lúc đó bị cáo hoang mang, không có sự hướng dẫn của luật sư nên viết đơn chưa chính xác. Mong xem xét lại tội nhận hối lộ và xin giảm nhẹ hình phạt”, cựu Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang khai.
Bị cáo Nguyễn Thế Anh nói số tiền tòa sơ thẩm quy kết hối lộ rất lớn. Bị cáo khai có nhận tiền của Phan Thanh Hữu nhưng không phải 560.000 USD và hơn 6 tỷ đồng như tòa sơ thẩm kết tội.
Đồng tình với quan điểm của chú mình, bị cáo Nguyễn Văn An sau đó cũng xin thay đổi nội dung kháng cáo, không kêu oan mà xin giảm nhẹ hình phạt.
Về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”, Nguyễn Thế Anh phủ nhận việc cho tiền và xúi giục An trốn đi nước ngoài. Theo cựu Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, Nguyễn Văn An tự sang Lào tìm kiếm việc làm, ông không gọi điện nhờ người quen giúp đỡ.
Bị cáo Nguyễn Văn An cũng cho biết sau khi tòa sơ thẩm tuyên án, bị cáo hoang mang nên làm đơn kháng cáo kêu oan. Nay nhận thức được việc nhận tiền của Phan Thanh Hữu để đưa cho Nguyễn Thế Anh là đúng sự thật nên An xin giảm nhẹ hình phạt. Tại tòa, có lúc An thừa nhận phạm tội “Nhận hối lộ” nhưng cho rằng số tiền không như bản án quy kết, có lúc lại đề nghị tòa phúc thẩm xem xét lại tội danh.
Theo bản luận tội của Viện kiểm sát tại phiên tòa sơ thẩm, đầu năm 2020, ông trùm xăng lậu Phan Thanh Hữu đặt vấn đề bảo kê đường dây buôn lậu xăng và được bị cáo Nguyễn Thế Anh đồng ý. Sau đó, Thế Anh yêu cầu Hữu phải chi cho cấp trên và một số lực lượng khác với tổng số tiền mỗi tháng là 60.000 USD và 950 triệu đồng. Từ tháng 3 đến tháng 8/2020, Hữu chi cho ông Nguyễn Thế Anh 360.000 USD và 5,7 tỷ đồng.
Sau khi Nguyễn Thế Anh làm Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, từ tháng 9/2020 đến tháng 1/2021, ông Hữu tiếp tục chi cho Thế Anh 50.000 USD. Tổng số tiền mà bị cáo Nguyễn Thế Anh nhận hối lộ được xác định là 6,2 tỷ đồng và 560 nghìn USD.
Ngoài ra, sau khi Hữu bị bắt, để che giấu hành vi phạm tội, Nguyễn Thế Anh đã gợi ý, đưa tiền cho đồng phạm là Nguyễn Văn An (cháu họ Nguyễn Thế Anh) trốn sang Lào. Hành vi này đủ yếu tố cấu thành tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”.
***
Tại phiên tòa hồi tháng 7, tòa án Quân sự Thủ đô tuyên phạt ông Lê Văn Minh (cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 4) 15 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.
Cùng tội nêu trên, các bị cáo: Nguyễn Văn Hùng (cựu Thượng tá, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Trường Long Hòa, Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh) lĩnh 16 năm tù.
Nguyễn Thanh Lâm (cựu Trung tá, Hải đội trưởng Hải độ 2 Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng) 11 năm tù.
Phạm Văn Trên (cựu Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh) 10 năm tù.
Lê Văn Phương (cựu Thượng tá, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Trà Vinh) và Phạm Hồ Hải (Trưởng đại diện Cảng vụ hàng hải Cần Thơ tại Duyên Hải, Trà Vinh) cùng bị phạt 3 năm 6 tháng tù.
Nguyễn Thế Anh (cựu Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang) lĩnh tổng mức án chung thân về các tội “Nhận hối lộ” và “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”.
7 bị cáo còn lại đều bị kết án về tội “Nhận hối lộ” gồm: Nguyễn Văn An bị phạt 15 năm tù, Nguyễn Văn Hùng 16 năm tù, Nguyễn Thanh Lâm 11 năm tù, Phạm Văn Trên 10 năm tù, Lê Văn Phương và Phạm Hồ Hải cùng bị phạt 3 năm 6 tháng tù.
Đối với Phan Thanh Hữu, ngày 8/12, TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên phạt bị cáo này 16 năm tù về tội “Buôn lậu”.
ĐẮC HUY
Tin cùng chuyên mục:
TikToker nổi tiếng ‘Nam Birthday’ bị khởi tố vì hành vi chống người thi hành công vụ
Mặt tối của ân xá: Quyền lực Tổng thống hay công cụ bao che?
Bước đột phá trong cải cách bộ máy Nhà nước
Phiên tòa xét xử Lưu Bình Nhưỡng: Sự thật và những luận điệu xuyên tạc