Từ năm 2001, các nhà lãnh đạo của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nắm được thông tin rằng Nga sẽ đưa ra các “hành động phù hợp” để đối phó với việc mở rộng của liên minh minh này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Anh Tony Blair đi bộ trên bến tàu ở Heiligendamm, Đức, ngày 7/6/2007. Ảnh: AFP
Theo đài RT (Nga), thông tin trên gần đây đã được Anh giải mật dựa theo các tài liệu và tờ The Times công bố ngày 30/12.
Theo tài liệu, một năm sau nhiệm kỳ Tổng thống của nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin, Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là Igor Sergeyev đã cảnh báo những người đồng cấp NATO rằng việc liên minh này tiếp tục mở rộng sang lãnh thổ của các nước thuộc Hiệp ước Warsaw trước đây sẽ là sai lầm chính trị lớn.
Quá trình mở rộng lớn nhất của liên minh này đã diễn ra vào 3 năm sau đó, với việc Bulgaria, Romania, Slovakia, Slovenia, Estonia, Latvia và Litva gia nhập khối quân sự do Mỹ dẫn đầu.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich năm 2007, Tổng thống Nga Putin đã mô tả quá trình mở rộng này là “hành động khiêu khích nghiêm trọng, làm giảm mức độ tin tưởng lẫn nhau”. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo NATO nhấn mạnh động thái mở rộng liên minh về bản chất chỉ nhằm mục đích phòng thủ.
Sau khi Ukraine từ chối từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO – điều mà Moskva coi là mối đe dọa an ninh không thể chấp nhận được, NATO khẳng định rằng một ngày nào đó Kiev sẽ trở thành thành viên của liên minh này.
Trong thời điểm Liên Xô tan rã, các nhà lãnh đạo phương Tây đã cam kết với những người đồng cấp Liên Xô rằng NATO sẽ không mở rộng sang Đông và Trung Âu.
Tuy nhiên, gần đây nhất là vào năm nay, Mỹ đã phủ nhận rằng cam kết này đã từng được thực hiện và nhấn mạnh rằng danh sách thành viên của NATO phải được mở rộng – thậm chí đối với các quốc gia có chung biên giới với Nga.
Đây chính là một trong những lý do khiến Nga buộc phải triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2 năm nay.
Vương quốc Anh cũng đã phớt lờ các cảnh báo của Nga cho đến khi cuộc xung đột Ukraine bùng nổ. Hồi tháng 1, phát ngôn viên của ông Boris Johnson, Thủ tướng Anh lúc bấy giờ, đã tuyên bố rằng: “Nga đã bày tỏ lo ngại về khả năng gây hấn của NATO, nhưng chúng tôi đã nói rõ rằng những lo ngại đó về cơ bản là không có cơ sở vì NATO bản chất là một liên minh phòng thủ”.
Kể từ đó, NATO đã chấp nhận các đơn xin gia nhập từ Phần Lan và Thụy Điển. Sau đó, Ukraine đã chính thức nộp đơn xin gia nhập liên minh vào tháng 9.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích châu Âu, NATO sẽ khó chấp nhận kết nạp một quốc gia đang trong tình trạng chiến tranh, nhằm tránh bị kéo vào xung đột.
Hồi tháng 10, Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) Thierry Breton cho biết: “Để nộp đơn gia nhập NATO, quốc gia đó phải không trong tình trạng chiến tranh. Việc kết nạp chỉ diễn ra trong điều kiện hòa bình”.
Do vậy, ông Breton nhấn mạnh, với Ukraine, một quốc gia đang có xung đột, đề nghị gia nhập NATO chỉ mang tính biểu tượng và nhằm mục đích chính trị.
Ukraine từ lâu đã theo đuổi mục tiêu trở thành thành viên của NATO.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký vào văn bản chính thức đề nghị NATO nhanh chóng kết nạp Kiev.
Tuy nhiên, đại diện của Mỹ và NATO đều khẳng định hiện chưa phải thời điểm thích hợp để Ukraine gia nhập liên minh.
Theo nguyên tắc, việc kết nạp một thành viên mới cần nhận được sự đồng ý của tất cả thành viên NATO hiện tại.
Đến nay, mới chỉ có 9 trong số 30 thành viên của NATO ủng hộ Ukraine gia nhập.
Nga coi việc NATO mở rộng về phía Đông và kịch bản Ukraine trở thành thành viên của liên minh quân sự này là mối đe dọa lớn đối với an ninh của Moskva.
Tổng thống Nga Putin nhiều lần nói rằng viễn cảnh Ukraine gia nhập NATO sẽ là một trong những lằn ranh đỏ của ông.
Hải Vân/Báo Tin tức
Tin cùng chuyên mục:
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố