Bào chữa cho bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty AIC (bị xét xử vắng mặt), luật sư cho rằng, các chứng cứ buộc tội chưa thể hiện rõ vai trò của bà Nhàn trong việc gian lận đấu thầu và bày tỏ mong muốn HĐXX xem xét nhân thân, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo hoặc tách hồ sơ vụ án để tạm đình chỉ truy tố với các bị cáo vắng mặt.
Chiều 24/12, sau khi đại diện Viện kiểm sát công bố bản luận tội 36 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, HĐXX cho phép luật sư Dương Văn Nghị (được chỉ định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn) đứng lên nêu quan điểm bào chữa.
Mở đầu phần trình bày, luật sư Nghị cho biết, ông không được tiếp xúc với bà Nhàn để thu thập các tài liệu chứng cứ bào chữa, cũng không thể biết thân chủ có nhận tội hay không nhận tội.
Mặt khác, do một số bị cáo có vai trò quan trọng trong vụ án như cấp Phó tổng giám đốc AIC Trần Mạnh Hà hay kế toán trưởng AIC Đỗ Văn Sơn và 4 bị cáo liên quan đang bỏ trốn, vì thế việc bào chữa chỉ có thể căn cứ hồ sơ vụ án, kết quả xét hỏi tại tòa.
Theo ông Nghị, vai trò của bà Nhàn trong việc gian lận đấu thầu chưa thể hiện rõ. Bởi Công ty AIC có hơn 100 ngành nghề kinh doanh chứ không chỉ thiết bị y tế. Để thực hiện dự án cung cấp thiết bị y tế tại 16 gói thầu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, bà Nhàn ủy quyền cho Phó tổng giám đốc Hoàng Thị Thúy Nga. Việc ủy quyền được thể hiện rõ ràng bằng văn bản: Bà Nga ký đơn dự thầu, các văn bản tài liệu giao dịch bên mời thầu, tham gia thương thảo, hoàn thiện hợp đồng, ký kết hợp đồng…
Xét về nội dung và hình thức văn bản ủy quyền, luật sư Nghị cho rằng các văn bản đã có hiệu lực pháp luật và đã xác định, “ai làm sai người đó phải chịu trách nhiệm”.
Cuối phần bào chữa, luật sư nhận định thân chủ của ông có nhân thân tốt, lần đầu phạm tội, trước khi phạm tội có nhiều đóng góp cho xã hội và thành tích được trao tặng nhiều bằng khen. Vì thế, ông mong được xem xét là yếu tố giảm nhẹ cho bà Nhàn.
Người tiếp theo bào chữa cho Phó Tổng giám đốc Công ty AIC Trần Mạnh Hà, là luật sư Nguyễn Thanh Tùng cũng trình bày khó khăn khi không thể xác định thân chủ muốn bào chữa theo hướng nào.
Theo luật sư Tùng, đây là vấn đề mới do trước nay các luật sư chưa từng dự các phiên xét xử vắng mặt. Việc bị cáo có thực hiện hành vi phạm tội hay không những người ngồi đây không ai biết, chỉ có bị cáo biết, từ đó định hướng cho luật sư bảo vệ theo hướng nhận tội hay không. Đấy là vấn đề mà khi bào chữa cho ông Hà, luật sư không thể xác định được.
Nêu quan điểm về vai trò của bị cáo Hà trong vụ án, luật sư Tùng cho rằng, các chứng cứ buộc tội “Đưa hối lộ” là chưa thuyết phục. Toàn bộ hồ sơ vụ án không có chứng cứ vật chất nào thể hiện việc đưa tiền để các lãnh đạo tỉnh và Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chỉ đạo ưu ái trúng thầu, mà chỉ dựa vào lời khai của các bị cáo. Trong khi, các bị cáo khai về việc nhận tiền này đều không có người làm chứng.
“Các chứng cứ khách quan và chủ quan đều chưa có, trong khi bị cáo Hà không có mặt tại tòa và lời khai của những người khác mâu thuẫn”, luật sư Tùng nêu quan điểm.
Vì lý do trên, ông kiến nghị HĐXX tạm đình chỉ phiên tòa hoặc tách hồ sơ vụ án để tạm đình chỉ truy tố với các bị cáo vắng mặt, trong đó có thân chủ của mình.
Trước đó, khi nêu quan điểm luận tội, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn tổng hợp mức án 30 năm tù cho hai tội “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Cùng hai tội nêu trên, bị cáo Trần Mạnh Hà bị đề nghị 25 – 27 năm tù giam.
Hoàng An
Tin cùng chuyên mục:
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố