Thanh tra Chính phủ (TTCP) kiến nghị Thủ tướng chuyển Bộ Công an thông tin 2 nội dung có dấu hiệu “lợi ích nhóm” giữa Bộ GD-ĐT với Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm chiều 29/12 ký thông báo Kết luận thanh tra số 2303 chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo; thời kỳ thanh tra từ 1/1/2014 đến ngày 31/12/2018.
Tại Bộ GD-ĐT, thanh tra về sách giáo khoa (việc quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa, thẩm định, duyệt, xuất bản, in và phát hành sách giáo khoa); việc quản lý, triển khai, thực hiện một số dự án đầu tư cho giáo dục, đào tạo.
Thông báo của TTCP kiến nghị Thủ tướng cho chuyển thông tin 2 nội dung sang Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định.
Thứ nhất, nội dung hướng dẫn sử dụng sách bài tập, sách tham khảo có dấu hiệu “lợi ích nhóm” giữa Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý nhà nước với Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong việc in ấn, phát hành sách bài tập.
Hai là nội dung lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất sách giáo khoa theo phương thức chào hàng cạnh tranh của Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam có nhiều dấu hiệu bất thường, chưa đảm bảo công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Trong thông báo kết luận thanh tra nêu rõ, Thủ tướng có ý kiến yêu cầu TTCP thực hiện theo thẩm quyền và quy định pháp luật.
Ngoài ra, TTCP kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, lãnh đạo Bộ GD-ĐT được phân công phụ trách (theo từng thời kỳ).
Bên cạnh đó, TTCP kiến nghị tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm theo quy định pháp luật đối với: Đơn vị, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị thuộc Bộ (theo từng thời kỳ) có liên quan đến những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm thuộc trách nhiệm của đơn vị.
theo VietNamNet
Tin cùng chuyên mục:
Mặt tối của ân xá: Quyền lực Tổng thống hay công cụ bao che?
Bước đột phá trong cải cách bộ máy Nhà nước
Phiên tòa xét xử Lưu Bình Nhưỡng: Sự thật và những luận điệu xuyên tạc
Chuyện quý bà và ‘soái ca nước yến’