Tại xã Thành Mỹ, huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa) vừa có câu chuyện một cặp đôi bị bắt quả tang ngoại tình ngay tại trụ sở làm việc. Chân dung nhân vật chính là Chủ tịch xã T.V.G và chị Chủ tịch Hội Phụ nữ T.T.H.
Ảnh: Chủ tịch xã ngoại tình với đồng nghiệp tại trụ sở (ảnh cắt từ clip)
Quả thật là rất ê chề bởi cả hai bị chính chồng của người phụ nữ bắt quả tang, quay video làm bằng chứng trong tình trạng cả hai không một mảnh vải che thân. Càng xấu hổ hơn, họ làm chuyện sai trái đó ngay tại hội trường phía sau trụ sở UBND xã và vị chủ tịch bị đánh ghen đến nổi phải nhập viện. Với những người đã có gia đình thì ngoại tình ở đâu cũng là vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình chứ chưa nói đến việc ngoại tình ngay tại nơi làm việc. Huống hồ, cặp đôi ngoại tình khi đang còn giữ chức vụ, là lãnh đạo của cả một xã. Đạo đức, tác phong của lãnh đạo xã như vậy thì nói làm sao thuyết phục được người dân, dân nào nghe ông lãnh đạo ngoại tình nói? Vậy cặp đôi ngoại tình như vậy sẽ đối mặt với hình thức xử lý như thế nào?
Việc đang có vợ, đang có chồng mà chung sống như vợ, chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà chung sống với người mình biết rõ là đang có chồng, đang có vợ là hành vi vi phạm điều cấm của luật. Do đó, khi vi phạm, tùy vào mức độ, tính chất vi phạm cán bộ, công chức có thể sẽ bị xử lý kỷ luật.
Cụ thể, nếu vi phạm các quy định của pháp luật về hôn nhân, gia đình (cụ thể là ngoại tình), cán bộ, công chức có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định của Nghị định 112/2020/NĐ-CP bằng các hình thức: (1) Khiển trách: Vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng; (2) Cảnh cáo: Đã bị khiển trách mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả nghiêm trọng. (3) Hạ bậc lương: Đã bị cảnh cáo mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng. (4) Giáng chức: Đã bị cảnh cáo mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng. (5) Cách chức: Công chức đã bị giáng chức mà tái phạm; cán bộ đã bị cảnh cáo mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa đến mức bị buộc thôi việc, người vi phạm cũng tiếp thu, sửa chữa, chủ động khắc phục hậu quả và có nhiều tình tiết giảm nhẹ. (6) Buộc thôi việc: Đã bị cách chức hoặc hạ bậc lương mà tái phạm; vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Trong đó, các mức độ vi phạm được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 112/2020 như sau: (1) Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại không lớn, tác động trong phạm vi nội bộ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác. (2) Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, tác động ngoài phạm vi nội bộ, gây dư luận xấu trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác. (3) Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, phạm vi tác động đến toàn xã hội, gây dư luận rất bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác. (4) Vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại đặc biệt lớn, phạm vi tác động sâu rộng đến toàn xã hội, gây dư luận đặc biệt bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác. Như vậy, hình thức kỷ luật nặng nhất là buộc thôi việc.
Ngoài bị kỷ luật, cũng như các đối tượng khác, nếu ngoại tình, cán bộ, công chức sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP với mức tiền từ 03 – 05 triệu đồng vì đang có vợ/chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác. Không chỉ kỷ luật, phạt hành chính mà cán bộ, công chức còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng tại Điều 182 Bộ luật Hình sự. Theo đó, bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng – 01 năm khi khiến một trong hai bên hoặc cả hai bên ly hôn, đã bị xử phạt hành chính nhưng còn tiếp tục vi phạm. Hoặc bị phạt tù từ 06 tháng – 03 năm khi việc ngoại tình khiến vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát hay tòa án đã ra quyết định có hiệu lực pháp luật về việc buộc chấm dứt chung sống với nhau như vợ chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
Ngoài ra, nếu là Đảng viên, cán bộ, công chức mà vi phạm quy định về chế độ hôn nhân một vợ, một chồng hay chính là ngoại tình sẽ bị khai trừ khỏi Đảng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 24 Quy định 102-QĐ/TW.
Chuyện Chủ tịch xã “tòm tem” vợ người ta là một tấm gương rất xấu. Thiết nghĩ, cần có một hình thức kỷ luật nghiêm khắc để tránh xuất hiện những người cán bộ, lãnh đạo có đời tư không trong sáng, làm mất uy tín của cá nhân lẫn tổ chức trong mắt người dân./.
Nguồn: Anh Chiến
Việt Nam Mới
Việt Nam Mới
Tin cùng chuyên mục:
Nguyễn Xuân Diện và sự thật lịch sử về Hải chiến Hoàng sa
Con trai ông Trump nói Tổng thống Zelensky nài nỉ được mời đến buổi lễ nhậm chức
Nam thanh niên bị hành hung dã man trong khu dân cư Đông An 2
Nghị định 168 và những luận điệu xuyên tạc của RFA