Bác sĩ Trương Hữu Khanh giải đáp những vấn đề xoay quanh chuyện trẻ không may nhiễm COVID-19 chủng Omicron khi đến trường.
Trong livestream mới đây chia sẻ về chủ đề Trẻ đi học, bệnh tăng, có căng không? Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM) đã giải đáp một số thắc mắc của các phụ huynh về việc trẻ nhiễm COVID-19 chủng Omicron.
Omicron lây nhanh nhưng mau khỏi
Theo BS Khánh, trẻ đi học hay ở nhà thì nguy cơ nhiễm COVID-19 chỉ hơn một chút nhưng đi học rất quan trọng. Khi trẻ hết bệnh con sẽ lại đi học, quan trọng là người lớn phải bình tĩnh. Trong quá trình đi học trẻ có thể nghỉ vài buổi. Bên cạnh đó, tuân thủ 5K, bớt giao lưu để đỡ nhân rộng bệnh.
Omicron ở trẻ sẽ khiến trẻ sốt nhiều. Ở Việt Nam, chuyện sốt siêu vi là chuyện thường thấy, thực tế Omicron đối với trẻ sẽ có triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên có những trẻ trong độ tuổi 6 – 12 sẽ sốt cao hơn nhưng sẽ khỏi trong 2,5 đến 3 ngày. Ngoài ra có một số bị tiêu chảy, nôn ói song đều khỏi rất nhanh.
BS Khanh bày tỏ quan điểm, trẻ phải học và có thể sẽ nhiễm bệnh, tuy nhiên khi nhiễm COVID-19 (chủng Omicron) sẽ mau khỏi bệnh hoặc nhẹ hơn nhiều so với chủng Delta trước đây. Nguyên tắc tái nhiễm phải là chủng khác, nếu từng nhiễm Delta thì nhiễm Omicron sẽ nhẹ hơn. Đặc tính của chủng Omicron là ủ bệnh nhanh, lây lan nhanh, nhưng mau khỏi bệnh.
Kiểu gì trẻ cũng phải đi học, không bệnh trước thì cũng bệnh sau. Ở TP. HCM mà nhiễm chủng Omicron thì… cứ để cho bệnh đi, bệnh rồi hết bệnh. Không có hậu COVID gì nhiều so với chủng cũ.
Tiếp đó là xã hội không có Zero COVID thì đương nhiên trong trường cũng không thể Zero COVID được. Trẻ mắc Omicron thì ngày phải nghỉ học càng ngắn hơn nữa, tức là chỉ 5 ngày là đi học lại thôi chứ không phải như ngày xưa. Tôi ví dụ ở lớp đó có 20 trẻ bị đi thì khoảng chừng 10 -14 ngày sau 20 trẻ đi học cùng với nhau thì rất là bình thường.
Thậm chí nhân viên y tế nhiễm Omicron mà không bị mệt còn đeo khẩu trang đi làm tiếp.
Đừng có rối lên!
Ở nhà trẻ cũng mắc bệnh, vậy nên xin đừng rối lên. Đi học có thể nguy cơ cao hơn một chút vì tiếp xúc nhiều, di chuyển nhiều nhưng quan trọng là nó hết bệnh. Như vậy thì có đi học hay có ở nhà mà nguy cơ mắc bệnh chỉ hơn nhau một chút thôi, mà có mắc bệnh thì nghỉ học, hết bệnh lại đi học. Quan trọng là đừng để nó rối lên, cứ theo quy định mà làm, không việc gì phải lo lắng.
Khi trẻ mắc COVID-19, chuyện uống thuốc hạ sốt là cần thiết và bình thường, ngoài ra cần uống nước nhiều. Đặc biệt không nên test nhiều, tốt nhất là không cần test, khi đã phát hiện trẻ dương tính thì tập trung vào việc điều trị, nếu khỏi dần thì 14 ngày sau đi ra ngoài bình thường. Không cần lo lắng chuyện tại sao mãi không âm tính lại.
Omicron lây rất nhanh, ủ bệnh nhanh nhưng hết cũng rất nhanh. Như vậy số ca tăng hàng ngày cũng là điều rất bình thường, lên đạt đỉnh sẽ hạ. Sau khi hết bệnh, nếu không có vấn đề thì không cần phải tái khám. Thành ra theo tôi nhiễm Omicron không phải lo.
Không thể nào ngừng đi học nếu số ca tăng lên không ảnh hưởng tới việc điều trị. Nếu bị bệnh thì để con ở nhà, con khỏi lại cho đi học bình thường. Có thể học xen kẽ giữa học online với đi học trực tiếp.
Cần có thái độ tích cực trong thời buổi thích nghi với COVID, hạn chế đọc những thông tin tiêu cực từ các di chứng hậu COVID. Tuyệt đối không thể ngừng đi học, nếu như số ca tăng không ảnh hưởng đến khối điều trị.
Trả lời một số câu hỏi tại buổi livestream, BS Trương Hữu Khanh thông tin thêm: Khi trẻ đi học về phụ huynh cần thay quần áo ngay cho trẻ, súc miệng, nhỏ mũi thường xuyên. Việc xông mũi và uống men vi sinh không cần thiết. Khi trẻ có triệu chứng nên cho trẻ test COVID để nắm tình hình, tránh đi học sẽ lây lan cho các trẻ khác.
TÚ NGÂN (ghi)
Tin cùng chuyên mục:
Nguyễn Xuân Diện và sự thật lịch sử về Hải chiến Hoàng sa
Con trai ông Trump nói Tổng thống Zelensky nài nỉ được mời đến buổi lễ nhậm chức
Nam thanh niên bị hành hung dã man trong khu dân cư Đông An 2
Nghị định 168 và những luận điệu xuyên tạc của RFA