Tình đầu của tôi thì đích thị là chị. Chị là người khác giới đầu tiên đi vào trái tim tôi và ở lại đến bây giờ không phải bằng tấm căn cước nhan sắc, mà là một sự thân thuộc, dựa dẫm. Chị đi vào trái tim tôi rồi ở lại đó như là lời ru, như là mùi hương nhu bồ kết, như là mùi đồng lúa mùa thanh tân, cứ bảng lảng, phảng phất dễ chịu ngoan hiền mà chả thể nào bôi xoá được.
Khi thằng đàn ông trẻ con thích một người khác giới, cái sự thích nó không rạch ròi như là đã lớn. Năm tôi mười ba mười bốn tôi đã thích một người: Chị Loan, chị không đẹp kiểu mảnh dẻ yếu ớt, chị đẹp kiểu thuần nông, rất chắc chắn và vạm vỡ.
Năm tôi mười bốn tuổi, một lần cất vó tép đêm, ngồi chờ đón vó, chị Loan bảo tôi : Hải ơi chị lấy chồng thôi, lấy chồng cho biết mùi đàn ông chứ sống nghèo buồn như chết thế này chán lắm…
Tôi và chị Loan ngồi sát bên nhau trên kè đá bờ sông Trịnh. Trăng muộn mảnh và cong như cặp lông mày của chị. U tôi bảo, đàn bà da trắng mày cong số khổ cực long đong. Tôi hỏi chị lấy ai? Sao phải chết mà vội lấy? Chị bảo lấy anh C ở làng bên. Nhà anh ấy giàu, có cái bể nước to lắm, nhìn đã thích, nhà ngói cây mít sẵn sàng cả…
Tiếng tép nhảy trong vó màn lách tách, từng đôi mắt tép đỏ li ti lao xao lẫn trong màn đêm mỏng như sương. Chiếc đèn bão trong tay tôi rưng rưng. Tôi ghét khi nghe chị Loan nhắc đến lấy chồng.
Cha tôi là bộ đội, ấy là tôi nghe mẹ và bà tôi bảo thế. Mẹ tôi là người đàn bà quê kệch, dáng bà to và thô như dáng ông hộ pháp ở chùa làng. Tôi với mẹ và bà ngoại ở trong ngôi nhà lá bên bờ sông Trịnh. Hàng dừa rợp bóng nắng chiều là nơi lũ trẻ chúng tôi từ đó nhảy ùm xuống tắm dưới sông. Tôi thân với chị Loan vì chúng tôi sát cạnh nhà nhau, côi cút giống nhau. Chị sống cô đơn với cha, tôi sống với mẹ. Chị hơn tôi chắc chị biết mặt mẹ mình. Cha tôi là ai tôi chưa một lần biết mặt. Dòng máu trong người tôi là của cha, nhưng nó lẩn trong người, tôi thì muốn thấy sự hiện diện, thấy con người thật của cha mình để kiêu hãnh, để nương náu và để khỏi phải tỵ hiềm với những đứa đầy đủ cả mẹ và cha.
Mười lăm tuổi, khi đang học lớp tám thì chị Loan nghỉ học. Chị học rất giỏi, ai cũng nghĩ vì cha chị nát rượu, nhà nghèo. Với riêng tôi, một buổi chiều thu sâm sẩm heo may, chị ngồi bên bờ sông, bứt bứt ngọn cỏ đưa ngang miệng lẩm nhẩm rằng. Đi học ngại lắm, bọn bạn đứa nào cũng bé, chị cao nhất trường, lớn đễu ra, mỗi lần đi qua phòng giáo viên, vô tình thôi nhưng các thầy cứ nhìn vào ngực chị, ngại chết…
Một buổi chiều chăn trâu cùng chị, hai chị em ôm đuôi trâu bơi sang bên kia sông mạn phía cánh đồng làng Đồng giá, nước sông trong xanh, thi thoảng chị quay lại phía tôi, mặt chị đỏ lựng nhưng cái cổ trắng ngần tuyệt đẹp, cái áo gụ dính sát người chị, đẹp lạ, có một cái gì đó mơ hồ và nhẹ nhàng thôi thúc trong tôi…
Ngày chị Loan lấy chồng, tôi mười bốn tuổi. Cả buổi chiều tôi lặng lẽ nằm dài trên vệ cỏ dưới chân đê, mặc cho ông lái đò gọi ời ời rằng trâu nhà tôi đang ăn mạ. Chị Loan lấy chồng, chị Loan lấy chồng.. tôi ghét chị. Tôi thấy thương nhớ những đêm trăng thanh cùng chị cất vó tép hoặc thả lờ tôm. Những lúc trăng sáng nhất khi vừa chui ra khỏi một đám mây, nhìn khuôn mặt chị mờ mờ tỏ tỏ, gò má thấp, mũi cao, da trắng tóc đen dài nghe thương đến quặn thắt trong lòng.
Người làng bảo tôi giống cha mình nên đẹp, họ bảo cha tôi là dân trí thức Sài gòn ra Bắc tập kết. Chẳng hiểu sao ông lại lấy mẹ tôi. Mãi sau này tịnh không có một bức ảnh của cha, không có một dòng ghi về quê hương bản quán, tôi bỗng nghĩ hay mình chỉ là sản phẩm không mong muốn trong một đêm heo hắt nào đó, có một người đàn ông xa quê hương, xa vợ con ốm yếu cô đơn mà bị cái hừng hực xuân thì của mẹ tôi gạ gẫm lừa tình.
Ai rồi cũng sống phần đời của mình. Chị Loan đi lấy chồng tôi cũng buồn dăm bữa nửa tháng rồi tuổi trẻ cuốn tôi đi, thời gian và cơm gạo của mẹ tôi đắp đổi tôi thành một thanh niên đẹp đẽ và cao lớn. Cũng có đôi lần chị Loan về thăm nhà, thấy bóng dáng chị tôi tần ngần đứng bên bờ dậu ngó sang. Cứ những muốn chạy ngay sang với chị, rón rén đến bên “Oạ” chị một cái thật to cho chị giật mình khi chị đang mải đun ấm nước hoặc tưới vạt rau cho cha mình. Chỉ nghĩ đến khuôn mặt chị trắng hồng, tái xanh vì giật mình rồi lại chuyển sang đỏ lựng. Tôi những muốn chạy thật nhanh sang nhưng bỗng ngại lại thôi. Chị Loan đã khác xưa rồi, chị đã có chồng và tôi cũng khác, chẳng còn là đứa bé mười ba.
Hai mươi năm sau, dòng đời xô đẩy. Gặp lại chị Loan sau mười mấy năm tôi bôn ba khắp chốn kinh kỳ. Chị Loan của tôi, gầy gò và buồn bã. Mẹ tôi bảo chị Loan đáng thương và cũng đáng giận. Bởi từng ấy năm chị khổ sở cùng cực bởi thằng chồng hư hỏng cục súc đoạ đầy mà chị không tự giải phóng cho mình.
Lần ấy, nhìn thấy chị bên kia bờ tường rào cao vút bởi bây giờ nhà quê đất cũng đắt như vàng. Người ta xây nhà ống san sát, đất quí đến từng ly thì lấy đâu ra chỗ cho những hàng râm bụt xanh om nữa. Tôi sang nhà bố chị, dép giày phải để ngoài cửa, vào nhà toàn ghế kệ với đồ đạc chẳng còn chỗ cho cái chõng tre, ấm nước vối và cái quạt mo cau thuở nào.
Tôi muốn ôm vai chị Loan quá, mái tóc chị giờ đã phai màu và thưa thớt. Đôi mắt u buồn, nước da sậm màu khắc khổ. Cầm tay chị, hai chị em cứ mãi rưng rưng… chị bảo đời chị khác xưa rồi. Từng ấy năm chị khổ cực vô cùng nhưng thương đàn con dại, thương mình nữa vì muốn bỏ chồng cũng chẳng thể có chỗ ở mà dẫn con theo. Năm lần bảy lượt chị khổ quá quay về nhà đều bị cha chị đánh đuổi.
Sau này chị gặp người chồng bây giờ của chị. Một trí thức đã về hưu sau khi nhiều năm bôn ba làm ô sin trên chốn kinh kỳ. Chị bảo đàn bà đơn thân và nghèo đôi khi thân phận rẻ rúng lắm em ạ. Có lần chị làm ô sin cho một nhà nọ. Các con họ rất giàu có, ông bố sống một mình ở ngoại ô nên họ mướn chị về nấu cơm và giặt giũ dọn dẹp cho ông. Tuy là cán bộ trong ngành giáo dục đã về hưu, nhưng ông ta sống bủn xỉn và keo kiệt. Ngay tối đầu tiên chị đến ông ta đã sang phòng chị, đề xuất ngủ với chị mỗi tháng cho thêm chị một khoản tiền. Tặc lưỡi thôi đời mình cũng chẳng có gì để mà giữ lề với tiết hạnh này kia thế là chị nhắm mắt buông xuôi. Nhà có nước máy nhưng hàng ngày chị giặt giũ ông ta đều bắt chị tiết kiệm bằng cách múc nước giếng trong vườn. Chị nấu cơm ông ta đứng canh bếp chỉ sợ chị bật to lửa tốn ga. Ông ta khoẻ mạnh nhưng hàng ngày toàn tiểu tiện vào bô bắt chị bê ra pha vào tưới rau cho xanh tốt. Cuối cùng thì khoản tiền thêm cũng chẳng thấy đâu, ông ta còn lẻo lá khoản lương của chị bằng cách gửi mua cái nọ cái kia mà không chịu trả tiền. Cuối cùng chị cũng đi khỏi ngôi nhà ấy.
Tôi cứ mãi đi tìm những vạt nắng thuở hoa niên, tìm một mái tóc dài đầy đặn và nức mùi hương nhu bồ kết. Cố tìm một người đàn bà của riêng mình có cái gì đó cảm thấu được thẳm sâu trong tôi là những bữa cơm chiều gia đình bên nhau ấm cúng và vui vẻ. Tôi sợ những buổi tối nhà mình lệch lạc không có bóng dáng vợ chồng, sợ những bữa cơm con cái nhao nhác kiếm tìm một trong hai người là cha hoặc mẹ.
Người vợ đầu tiên là cô ấy đã lấy tôi. Chắc vì cái dáng cao to với khuôn mặt đẹp như tài tử của tôi nên cô ấy săn, cô ấy giăng bẫy và thôi thì cũng vớt vát bởi cô ấy giỏi và giàu nên tôi vạch bẫy để chui vào. Khi cái bụng cô ấy đã lùm lùm. Tôi được phong làm cha đứa trẻ. Cô ấy sinh ngay sau ngày cưới có vài hôm. Kể ra thời bây giờ đến trẻ sơ sinh cũng vội, tính ra tôi quen vợ tôi đã được tám tháng đâu nhưng đứa trẻ vẫn già ngày mốc mũi. Hề hấn gì? Cá vào ao ta ta nuôi. Tôi vẫn thương đứa bé như núm ruột của mình. Thề rằng trong bốn đứa con tôi, thằng bé là tôi thương yêu chiều quí nhất.
Hơn bốn chục tuổi đầu, có tới bốn đứa trẻ gọi bằng bố nhưng giờ tôi vẫn chưa có vợ mà chỉ có hai bà mẹ cho những đứa con mình. Người mẹ đầu tiên của hai đứa con tôi khi lừa tình được thằng tôi, nàng vẫn tiếp tục lừa thiên hạ nhưng nàng lừa tiền bằng chiêu cầm phường, vay nặng lãi. Với cái gia tài kếch sù của cha mẹ nàng ở phố huyện thì quả là sự bảo đảm của nàng được tính bằng vàng. Thế rồi khi đã ôm được số vốn hòm hòm, nàng lập ra chiêu bài vỡ nợ, nàng biến mất để lại ba cha con tôi lao đao một thời gian. Tôi lại về căn nhà xưa của mẹ tôi bên bờ con sông Trịnh. Ngày hai buổi tới cơ quan đút chân gầm bàn hết giờ thì về. Đời chán ngắt, có những đêm tôi lang thang dọc bờ sông, nghe mơ hồ tiếng cá quẫy, mơ hồ mùi bùn tanh tanh phảng phất trong gió, ngắm ánh trăng thanh và nhớ về làn da trắng tóc dài của chị Loan.
Đời nghiệt ngã lắm, cây muốn lặng nhưng gió chẳng đừng. Trong những tháng ngày cô đơn khi bà và mẹ tôi khuất núi từ lâu. Nhà chỉ còn tôi với hai đứa con, đứa củ ấu, đứa chìa vôi thử hỏi sao không buồn bã? Đã có lúc tôi chỉ ước giá ngày xưa chị Loan đừng lấy chồng sớm, chị đứng lại chờ tôi… một mảnh vườn, mấy sào ruộng khoán, chồng cầy vợ cấy, mùa hè cất vó bè, mùa đông thả lưới trên sông thì có lẽ cuộc đời chúng tôi sẽ hạnh phúc và êm ấm!
Tôi luôn khao khát, luôn mơ về một vòng eo, một cái cổ ba ngấn trắng ngần giống như của chị Loan. Thế rồi tôi lại bị lấy vợ, lần này vẫn là không chủ động, nàng là con gái sếp tổng công ty, nàng giàu có trang đài và khểnh tảng. Nàng chẳng thể ở trong ngôi nhà bên sông, nàng chê mùi nước sông tanh nồng khi chiều xuống, nàng chê ánh trăng thanh vừa buồn tẻ vừa quê mùa. Hết hai năm mặn nồng chăn gối, nàng bắt đầu thấy quen thuộc quá cái hừng hực chất đàn ông của tôi. Nàng bắt đầu xao nhãng, nàng bắt đầu cắm lên tôi một, hai, ba rồi bốn năm bảy cái sừng… mặc kệ mẹ đời. Tôi nghĩ thế và vẫn cứ sống cho có vợ nếu như nàng không quyết ly hôn cho bằng được. Ừ thì lại ly hôn. Lần này lại phải dỗ dành và nói dối với hai đứa trẻ là ba bận công việc một thời gian, ba không ở bên các con hàng ngày mà chỉ lâu lâu ba mới về thăm được… ôi lại một tội ác, tôi đã từng chứng kiến “tội ác” của cha tôi khi cả tuổi thơ của tôi không biết bao lần trong mơ tôi thổn thức khóc thèm cha.
Chị Loan, tôi đã ôm chầm lấy chị khi vừa về căn nhà cũ được hai ngày. Cha chị cũng đã chết rồi, chị đã trở về sống trong ngôi nhà của cha khi tôi dọn về thành phố với cô vợ hai được nửa năm. Chị sống bình yên và lặng lẽ trong ngôi nhà của cha mình khi các con chị mỗi đứa lập nghiệp ở một phương trời.
Chúng tôi thường đi bên nhau khi trăng vừa lên vượt khỏi tầu dừa, sông Trịnh bây giờ bé nhỏ, già nua và biếng lười. Từng mảng lục bình theo dòng nước đục ngầu đổ ra cửa sông, không biết nó có cuốn ra biển không để rồi chỉ dăm ba hôm thôi quãng sông trước cửa nhà tôi và chị lại đầy ắp những lục bình, nó lại trôi sạch sẽ rồi lại đầy ăm ắp.
Mấy mươi năm thanh xuân trai tráng, đã từng sống quãng thời gian rất dài trong cuộc sống sang giàu với cả hai người vợ, nhưng chưa bao giờ tôi thấy mình vui vẻ và thoải mái tự tin như những ngày tôi sống tại nhà mình bên cạnh người hàng xóm cũ là chị Loan. Những bữa tối bê cơm sang ăn cùng nhau trong ánh điện vàng vọt ngồi trước sân nhà. Bữa ăn đạm bạc, có thể chỉ là bát canh cua với đĩa cà muối xổi với vài ba tấm đậu chấm mắm còng nhưng tôi thấy vô cùng thoải mái. Mùi sông quê, mùi tóc, ánh mắt bình yên và những cử chỉ dịu dàng… quá đỗi an yên và không ưu phiền lo lắng.
Bây giờ tinh sương tôi cùng chị bơi sang bên kia bờ sông Trịnh. Chị Loan luôn giữ một khoảng cách với tôi. Tôi có cảm giác trong chị ký ức ngày xưa thân thiết giữa tôi và chị đã bị bôi xoá trắng mất rồi. Chị luôn nhấn mạnh đại từ “chị, em” khi tôi cố tình nói trống không một vài lần nào đó. Chị cũng không còn mặn mà khi bữa tối tôi vác bát sang ăn chung. Nhưng kệ, tôi cứ cố, khi thì giả vờ về muộn không nấu được cơm, khi thì nhà không còn gì để ăn… và lần nào thì chị cũng bị tôi lừa vì giàu lòng trắc ẩn. Chỉ có đi bơi là chị chưa lần nào từ chối bởi chị rất thích bơi. Chị bơi quả là thần sầu, chính vì vậy nên không khi nào tôi tiếp cận được chị. Thế rồi một lần tôi mướt mát bơi đuổi bằng được chị khi sang đến gần bờ bên kia. Chị vùng vẫy, cố trườn thoát ra khỏi tay tôi nhưng chẳng được, nụ hôn vội vàng mà tôi đã nuôi ý định cách đây gần ba mươi năm bây giờ mới được thực hiện. Chị ngây ra, mặt đỏ bừng lúng túng chẳng dám nhìn tôi.
Đêm ấy tôi đang ngủ rất say, thế rồi cứ chân trần chạy trên bờ đê sông Trịnh sau khi thả lũ trâu xuống tắm ở bến sông, mà sao đi chăn trâu mà trăng lại sáng thế, mùi cám gạo rang ném xuống những cái vó tép thơm thơm chua chua, mùi lá hắc hương, lá bưởi và bồ kết phảng phất phảng phất trong gió thoảng. Tôi mê đi và nằm xuống bãi cỏ, tỉnh dậy khi thấy tay mình nằng nặng và moi mỏi. Chị Loan nằm gối trên cánh tay tôi, mái tóc đen dài lẫn trải trên cỏ, lẫn vào đêm. Chỉ có cái mũi cao, khuôn mặt và cái cổ trắng ngần là không lẫn vào đâu được. Cái áo nâu cổ lá trầu đứt một chiếc cúc cứ phập phồng… tôi cúi xuống hôn vào đôi môi màu cánh sen hồng của chị, từng chiếc khuy áo được bật ra, tôi hơi kéo nhẹ cánh tay chị đang gối đầu để chị nghiêng người, chiếc nút áo con được mở, tôi nhẹ nhàng kéo nó sang bên cạnh… Trăng đêm sáng quá, ánh trăng toả đều trên mặt trên cổ trên ngực chị . Tôi mê mải uống từng giọt ánh trăng, nước sông quê mát rượi. …
Thuổng từ Fb của Loan Ngẫn
Tin cùng chuyên mục:
Nguyễn Xuân Diện và sự thật lịch sử về Hải chiến Hoàng sa
Con trai ông Trump nói Tổng thống Zelensky nài nỉ được mời đến buổi lễ nhậm chức
Nam thanh niên bị hành hung dã man trong khu dân cư Đông An 2
Nghị định 168 và những luận điệu xuyên tạc của RFA