Trong sự ồn ào của dư luận về HLV Park Hang-seo và đội tuyển Việt Nam sau những trận thua vừa qua, chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương đã có những ý kiến phân tích rất cụ thể.
Đội tuyển Việt Nam đã có bốn trận ra quân vòng loại cuối cùng World Cup 2022 toàn thua nhưng không vì thế mà phủ nhận sức cống hiến của ông thầy người Hàn Quốc. Theo chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương, qua bốn trận thua đã phản ánh đúng trình độ của đội tuyển quốc gia và đẳng cấp của cả một nền bóng đá. Những thiếu sót, hạn chế của đội tuyển Việt Nam đã bộc lộ hết.
Thua đội mạnh tích lũy nhiều hơn thắng đội yếu
Bốn trận thua này là bình thường, chẳng có gì ghê gớm, chỉ đáng ngại hơn là thuộc về nền bóng đá chứ không phải lỗi của thầy trò ông Park. Đội tuyển Việt Nam thua trước các đội bóng mạnh hơn mình sẽ tích lũy nhiều bài học hay hơn là thắng những đội yếu.
Cũng phải thừa nhận có những thời điểm học trò ông Park đá tốt, như hiệp 1 trận thua ngược Saudi Arabia 1-3 hay hiệp 2 trận thua Úc 0-1; rồi ở 15 phút cuối trận Trung Quốc, hiệp 1 trận Oman đều hay… thì tìm cách làm sao kéo dài thời gian đó hơn.
Nói gì thì nói, vấn đề quan trọng nhất của VFF vẫn là định hướng phát triển bóng đá Việt Nam từ nay đến năm 2030 của Bộ VH-TT&DL sẽ thực hiện ra sao? Giả sử VFF cần nêu rõ mục tiêu trước mắt là bảo vệ thành công chức vô địch AFF Cup vào cuối năm 2021; đến năm 2022 là tiếp tục giữ huy chương vàng SEA Games 31 song song với thành tích ở vòng chung kết U-23 châu Á; năm 2023 dựa trên lực lượng U-23 Việt Nam hiện có thì cần bổ sung thế nào cho đội tuyển quốc gia đủ mạnh đá vòng chung kết Asian Cup 2023…
Rõ ràng bóng đá Việt Nam không chỉ có vòng loại thứ ba World Cup 2022 mà rất cần quy hoạch lực lượng cụ thể cho tương lai gần ở các tuyến. Nên chăng VFF cần ngồi lại với HLV Park Hang-seo để đưa ra giải pháp cho sáu trận còn lại ở vòng loại cúp thế giới, nhằm mục đích giải tỏa áp lực tâm lý cho cầu thủ và tính toán kỹ lực lượng cho các sân chơi lớn tiếp theo.
Cần những phép tính cho tương lai
Dĩ nhiên, việc bồi dưỡng nhân tài trẻ để tăng cường cho đội tuyển quốc gia không phải ồ ạt, mà tiến hành từng bước chậm mà chắc. Ví dụ, sau bốn trận đã qua ai cũng thấy rõ các tiền vệ giữa kém nhất. Cầu thủ cầm bóng và thoát pressing không tốt, phòng ngự từ xa chưa ổn, trong khi hai cánh không có Trọng Hoàng và Văn Hậu bị mất cân bằng.
Nguyên do Hùng Dũng chấn thương, Tuấn Anh thể lực yếu quá, Xuân Trường và Đức Huy mất phong độ, chỉ còn mỗi Hoàng Đức. Chưa kể đối phương nghiên cứu kỹ rồi đánh biên nhiều là thua thôi.
Ông Park sẽ không xáo tung đội hình nhưng hãy tìm người để san lấp chỗ thiếu đó. Chẳng hạn, AFF Cup sắp tới, Hoàng Đức đá cặp với ai, Lý Công Hoàng Anh hay Duy Mạnh được không?
Thêm nữa, ở hai hành lang không có Trọng Hoàng và Văn Hậu hỗ trợ trong sơ đồ ba trung vệ cũng rất khó khăn. Ở trận gặp Oman, ông Park sử dụng Tấn Tài thay cho Văn Thanh thì phía đối diện cần tìm người mới trợ giúp Hồng Duy.
Theo tôi nghĩ, việc bồi dưỡng con người thay thế một số vị trí ở tuyển quốc gia sẽ vừa giải bài toán tâm lý sa sút vừa củng cố lực lượng để đạt thành tích. Thầy trò ông Park thua ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 có thể không bị trách nhưng thua AFF Cup là rất mệt mỏi.
Có nhiều luồng dư luận cho rằng ông Park bảo thủ, ít chịu thay đổi nhưng theo tôi, ông thầy người Hàn đã rất nỗ lực xoay xở trong sự hạn chế về nhiều thứ, đặc biệt là tài năng trẻ thiếu thốn. Quá khứ chẳng ai hơn ông Park và hiện tại cho đến ít nhất hết năm 2023 chỉ có ông mới hiểu rõ bóng đá Việt Nam sau quá trình xây dựng các đội tuyển suốt hơn bốn năm qua.•
Làm gì cho tốp 10 châu Á?
Phải nói thẳng HLV Park Hang-seo hiểu rất rõ bóng đá Việt Nam và vẫn còn phù hợp với các đội tuyển quốc gia bởi ông biết hết ưu, nhược điểm của từng cầu thủ. Cái quan trọng là VFF cần bàn bạc với ông để đưa ra giải pháp đầu tư một cách cụ thể theo từng năm. Mục tiêu là giữ ngôi AFF Cup 2021, SEA Games 2022 và sau vòng chung kết U-23 châu Á thì bổ sung lực lượng cho đội tuyển quốc gia đá vòng chung kết Asian Cup 2023. Hai năm tiếp theo là thành phần này đã chín chắn để thi đấu các vòng loại World Cup 2026…
Tầm nhìn chiến lược của bóng đá Việt Nam đến năm 2030 là tốp 10 châu Á thì hiện tại đội tuyển U-17, U-19 quốc gia phải đầu tư như thế nào để đến đó mới đạt mục tiêu. VFF phải có chương trình hành động cụ thể chứ không nói lý thuyết và chỉ vì thành tích trước mắt.
Tin cùng chuyên mục:
Kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ
Tại sao Nga vẫn chưa đáp trả? Khi nào Nga mới áp dụng biện pháp răn đe hạt nhân như Học thuyết mới đã nói?
Công an Hà Nội lập công lớn trong cuộc chiến chống tội phạm xuyên quốc gia
Thực phẩm chức năng giả: Hiểm họa từ những lời quảng cáo thổi phồng