Vừa qua, có hai chuyện rất đáng để chúng ta ngẫm nghĩ. Đó là chuyện Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An kiên trì và kiên quyết giữ lại một khu rừng trong phố và chuyện xây sân golf Đak Đoa ở Gia Lai.
Thứ nhất là chuyện Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An kiên trì và kiên quyết giữ lại một khu rừng trong phố. Đó là khu rừng ngập mặn rộng hơn 32 ha còn sót lại giữa lòng thành phố Phan Thiết. Khu rừng này có từ lâu đời, nằm giữa ba phường Phú Thủy, Thanh Hải và Phú Hài, kề bên đường Hùng Vương nối trung tâm TP. Phan Thiết đi Mũi Né, được một nhánh sông bao quanh, tạo nên không gian xanh mát tự nhiên giữa một đô thị đang trên đà phát triển.
Trước đây, đã từng có chủ trương cho san lấp khu rừng này tạo mặt bằng để dựng nên một khu đô thị mới, gồm khu dân cư kết hợp với khu trung tâm thương mại và dịch vụ…
Nói ông Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận kiên trì và kiên quyết, là bởi từ hồi ông ấy làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, đã nêu lên vấn đề này, bây giờ ông lên Bí thư, càng khẳng định hơn. Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An nói: “Toàn bộ diện tích rừng được giữ lại làm công viên cây xanh. Địa phương còn nhiều quỹ đất đầu tư, phát triển thương mại nên không nhất thiết đánh đổi khu rừng quý giá này”.
Cái lý này quá đúng qua câu nói trên. Nhưng thật sự, nó không hề đơn giản trước khi được phát ngôn. Giữa một thành phố đang phát triển, nhìn vào một khoảng đất trống nào đó, đa số sẽ nghĩ đến nhà ở và trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch… Rất ít cái nhìn hướng đến cây xanh và thiên nhiên.
Phải có tầm nhìn xa, phải vượt qua những cám dỗ của lợi ích trước mắt thì mới nhìn tới được cây xanh và thiên nhiên trong lòng đô thị đang phát triển. Nhờ có cái nhìn ấy mà bây giờ, chúng ta tin là Phan Thiết sẽ giữ được một khu rừng tự nhiên ngay giữa lòng thành phố như một báu vật không dễ có của quá trình phát triển dài rộng từ hiện tại tới tương lai.
Sau này, Phan Thiết trở thành một thành phố du lịch biển lớn với nhiều cuốn hút, thì việc có một khu rừng đầy chim chóc chao lên đáp xuống, đầy cá tôm cua vẹm ngao sò… giữa lòng một thành phố đông đúc, thì sẽ là yếu tố độc đáo nhất để thu hút du khách.
***
Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng cứ cảm tính và nhất thiết phải thuận theo cái nhìn này mà không tính đến việc ưu tiên phát triển.
Tôi muốn nói đến câu chuyện thứ hai, là chuyện sân golf Đak Đoa ở Gia Lai…
Nhiều ý kiến phản ứng với việc làm sân golf Đak Đoa vì cho rằng sẽ mất rừng thông trồng đã gần năm mươi năm và mất đồi cỏ hồng. Nhân danh bảo vệ cây xanh và thiên nhiên để phản đối dự án sân golf này, nghe thì có lý lắm.
Nhưng không hẳn vậy đâu! Tôi đã đến Gia Lai công tác, tiện thể thì đi thăm thú vài nơi, chứ ở đấy chưa có gì hấp dẫn để mời gọi tôi đến du lịch cả. Tôi thấy ngoài hoa dã quỳ ngắm miễn phí, vào một vài buôn làng, cũng rất ít khi phải chi tiền dịch vụ, thì nơi đây không thể giàu lên được. Tôi cũng không có lý do gì để tiêu tiền ở đây cho du lịch phát triển cả. Có đến rừng thông hay đồi cỏ hồng Đak Đoa, cũng chả hơn mấy. Chủ yếu là ngắm miễn phí, hay bỏ ra vài chục ngàn lẻ chụp ảnh, check in rồi ra về thôi. Rừng thông có nuôi thêm đến 100 năm tuổi nữa, thì khi khai thác gỗ bán cũng không lãi lời gì cả…
Thế bây giờ có một sân golf lớn nhất nước, lớn nhất Đông Nam Á ở đây thì sao? Tất nhiên tôi chả đến chơi, dân thường Gia Lai cũng chả đến chơi. Nhưng khách du lịch golf từ Hàn Quốc, từ nhiều nước trên thế giới sẽ đến đây chơi. Họ tiêu tiền mới đáng kể chứ. Sẽ có nhiều dịch vụ khác phát triển theo sau như khách sạn, nhà hàng, khu resort nghỉ dưỡng, các tour khám phá, thám hiểm vùng đất giàu sắc thái văn hóa bản địa này… Rồi có thể có nhiều doanh nhân nước ngoài nhận ra tiềm năng mà đầu tư vào đây để cùng phát triển.
Có được nền tảng ấy, đầu tàu ấy, thì lại sẽ kéo thêm, kích cầu thêm du lịch, cả trong nước, ngoài nước nữa…
Dân ta đã có câu “Nghèo lâu, mà giàu thì chóng” là để áp dụng vào những điều kiện và hoàn cảnh như thế đấy. Đó là tương lai rất gần của vùng đất này.
Còn ngay trước mắt, thì khi sân golf đi vào hoạt động, nó sẽ tạo ra công việc và thu nhập cho cả ngàn người dân ở đây, rồi các loại thuế phí rất khá nộp vào ngân sách địa phương nữa…
Được như thế, thì tiếc gì cái rừng thông trồng mấy chục năm và đồi cỏ hồng chủ yếu theo mùa và thường miễn phí.
Hơn nữa, chủ đầu tư sân golf có dốt nát gì đến nỗi mà không biết cách tận dụng rừng thông và phát huy đồi cỏ hồng, thậm chí còn nhân rộng thêm ra, khai thác thêm giá trị của những yếu tố trời cho này nhỉ?
***
Thực tế về điều kiện và nhu cầu phát triển ở mỗi vùng đất nước thường khác nhau. Ý kiến phân tích và phản biện với từng dự án phát triển cũng khác nhau. Việc coi trọng và lắng nghe những ý kiến này, từ đó xem xét, cân nhắc để điều chỉnh hay càng thêm khẳng định tính đúng đắn phù hợp với xu thế và yêu cầu của phát triển chính là bản lĩnh của những người chịu trách nhiệm. Trong nhiều trường hợp, chỉ thời gian mới là thực chứng chính xác cho những bản lĩnh ấy!
@Thành Phong
Tin cùng chuyên mục:
Hương sắc Hà Nội – Một trong 50 thành phố tuyệt vời nhất thế giới
Nóng: Giám đốc Đại học Huế bị bắt
Nhà báo quay clip xe múc đất rồi “gợi ý quà Tết”
Phương án cải tạo sông Tô Lịch: Cần làm rõ để đảm bảo hiệu quả