Hoài Linh và cảnh báo về nền văn hóa bị lũng đoạn

Người xem: 530

 

 

Sự bát nháo của nghệ sĩ hiện nay khiến chúng ta cần phải nghiêm túc phân định đâu là nghệ sĩ thực thụ, đâu là người hoạt động nghệ thuật và những hiện tượng tương tự.

Theo nghĩa thông thường, danh xưng nghệ sĩ là để chỉ những người có năng lực nghệ thuật, phải sáng tạo ra nghệ thuật, tạo ra các sản phẩm chứa đựng giá trị lớn về tư tưởng, tinh thần nhân văn, đặc biệt nâng tầm giá trị văn hóa dân tộc. Đặc biệt, những người hoạt động nghệ thuật – giới nghệ sĩ đẳng cấp khác biệt hoàn toàn với showbiz – giới giải trí. Nghệ sĩ lấy văn hóa làm động lực và mục tiêu chính, còn showbiz thì đặt mục tiêu giải trí và lợi nhuận cao hơn.

Theo nghĩa này, lật ngược lại quá trình hoạt động của Hoài Linh từ hải ngoại đến khi về nước, xét về thể loại hoạt động của Hoài Linh, hoàn toàn không thể xếp Hoài Linh vào danh mục nghệ sĩ thực thụ, hoạt động nghệ thuật đúng nghĩa. Nghệ sĩ phải là người sáng tạo ra nghệ thuật, Hoài Linh thì sáng tạo ra nghệ thuật gì?

Nói thẳng Hoài Linh chỉ là một người làm giải trí, gây cười, tạo không gian hài hước trong phút chốc cho mọi người. Lượng người hâm mộ của Hoài Linh tìm đến anh cũng chỉ để giải trí cho vui vì anh độc, lạ hơn những “cây hài” trong nước từ trước đến nay. Nhưng từ đây mới thấy có sự nhầm tưởng. Người ta đặt cho anh biệt danh là danh hài, rồi đưa anh lên làm anh Bốn, đội anh làm cây đa cây đề trong giới showbiz, đầy thị phi và chụp giật. Để rồi từ sự lấp lánh hào quang, có trong tay lượng người hâm mộ đó, Hoài Linh vô tình khiến công chúng nhầm tưởng, rồi cơ quan chức năng nhầm tưởng trao cho anh danh hiệu mà lý ra anh không hề xứng đáng.

Nói về tài năng thì Hoài Linh không thể qua được nghệ sĩ thực thụ trong nước. Nhưng nói về sự ma mãnh trong giới giải trí, về độ chớp thời cơ và toan tính thì có lẽ trong cái showbiz Việt, Hoài Linh đứng thứ 2 thì chả có ai đủ trình đứng thứ 1. Điều đó thể hiện sắc nét trong thao tác anh khuếch trương bản thân, từ danh hiệu đầy hào quang có được, Hoài Linh tự tạo thêm quyền lực cho mình bằng cách xây nhà thờ.

Điểm nhấn và cũng là cú rơi “chết người” có chủ đích ở đây chính là Hoài Linh xây nhà thờ cá nhân nhưng khôn lõi khi sử dụng tiểu xảo hô biến, lấp liếm đặt cho cái tên như là của chung – “nhà thờ Tổ”, để mọi người nhầm tưởng cái nhà thờ này là của cả giới nghệ thuật. Rồi từ đó, Hoài Linh dùng nó làm quyền lực để mặc cả chính quyền, ép chính quyền phải công nhận việc xây dựng trái phép.
 
Hoài Linh đứng tên nhà thờ, tự đặt mình lên tầm cao mới, tự phong mình lên bậc thánh nhân, tự đắp cho mình tượng đài và đặt mình lên hàng Tổ nghiệp.

Hoài Linh tổ chức đám tang của một người trong showbiz, cả dàn đàn em tháp tùng hùng hậu, tương xứng với cái danh hiệu là “ông trùm” – “ông Tổ” của showbiz. Và cũng chính đàn em của anh – Cát Phượng, Trần Anh Thư đã thể hiện điều đó một cách sắc nét khi ngông cuồng, sử dụng cái mác “Anh Bốn” của anh như “miễn tử kim bài” đi lòe thiên hạ: “Anh Bốn em đã biết điều này”, đi đe nẹt, đòi xử lý bất cứ những ai comment trái ý trên cộng đồng mạng – hành vi không khác băng đảng giang hồ là mấy.

Nhìn lại, hành vi của chính những người bên cạnh anh, chịu sự tác động của Hoài Linh mới thấy nguy hại vô cùng. Như Đàm Vĩnh Hưng – đàn em thân thiết nhất của anh, người được một tay anh “đào tạo” nên vóc nên hình đã có phát ngôn không thể nào giang hồ hơn: “Đàm Vĩnh Hưng là vùng đất cấm”. Ngay đến cả con của Hoài Linh, tuổi đời chưa thấm tương chao đã thay cha chửi người dân Việt Nam là “lũ vô ơn” trước những “cống hiến” của cha nó.

Nghệ sĩ là một định danh nghề nghiệp như bất cứ nghề nghiệp nào khác, cũng như bác sĩ, kỹ sư, giáo viên… Chính sự ngộ nhận và hiểu biết chưa đúng đắn về những giá trị giả – chân và thêm sự hào quang lấp lánh của ánh đèn sân khấu làm cho sự ảo tưởng tăng lên dẫn đến sự kiêu mạn trong hành vi, phát ngôn, ý nghĩ lạc lối, lỗi lầm.

Dù rất đau lòng nhưng nhìn thẳng vào sự thật, phải thừa nhận rằng, chính sự ảo tưởng của cả một bộ phận từ người giải trí, giới văn nghệ, khán giả và cả một bộ phận chính quyền đã góp phần ít nhiều làm cho văn hóa xuống cấp. Những con sâu làm sầu nồi canh này vô tình trở thành lực cản, phá hoại đi biết bao nỗ lực của các thế hệ nghệ sĩ làm nghệ thuật thực thụ, tử tế, điển hình như Giáo sư Trần Văn Khê, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Trần Tiến, nhạc sĩ Nguyễn Ánh Chính, nghệ sĩ ưu tú Hoàng Dũng – những con người quên đi những vị kỷ, sự ích kỷ cá nhân, tự nguyện, tự giác đem sức lực, tài năng, trí tuệ của mình đóng góp cho lợi ích chung – lan tỏa những giá trị tư tưởng văn hóa nghệ thuật tốt đẹp cho nước nhà, lối sống tích cực vì cộng đồng, cho đi mà không cần nhận lại!

Nghệ sĩ ưu tú Hữu Châu nói một câu rất hay, mà có lẽ đó cũng là lý do vì sao ông luôn được khán giả yêu mến: “Nghệ sĩ chân chính phải biết cống hiến cho nghệ thuật và phải biết từ chối”. Sự từ chối mà nghệ sĩ Hữu Châu nói đến chính là từ chối gameshow vô bổ, từ chối sản phẩm không phải là nghệ thuật, những sản phẩm dễ dãi và những cám dỗ làm hư người. Trên hết, người làm nghệ thuật không phải chỉ hời hợt là tiếng cười, mà sâu thẩm, điều cốt lõi chính là nghệ thuật vị nhân sinh – đó cũng chính là linh hồn, góp phần xây dựng, làm giàu đẹp thêm cho nền văn hóa nghệ thuật nước nhà, để lại những giá trị nhân văn cho các thế hệ, đời đời kiếp kiếp về sau.

Một cái bánh răng hình vuông đặt sai chỗ vào vị trí cần hình tròn thì dù nhỏ thôi cũng đủ phá hủy cả hệ thống. Tương tự như vậy, một khi lòng bao dung và sự yêu thương, thứ tha đặt sai chỗ đối với những nghệ sĩ dõm, thì cũng đủ làm tha hóa cả một nền văn hóa, gieo rắc sự lệch lạc làm hỏng tư tưởng của cả “dây chuyền” các thế hệ về sau.
 
Để xây dựng một nền kinh tế mạnh chỉ cần một thời gian 20 năm. Trong khi để xây dựng một nền văn hóa bản sắc dân tộc Việt Nam phải mất hàng ngàn năm, đó là lý do vì sao ông cha ta phải ra sức bảo vệ văn hóa tư tưởng và những giá trị văn hiến có truyền thống lâu đời.
 
Ngày nay, văn hóa là một trong những lĩnh vực chịu nhiều tác động, công tác bảo vệ an ninh quốc gia cho thấy, trong lĩnh vực văn hóa – tư tưởng đang có những diễn biến rất phức tạp. Làm phai nhạt bản sắc và truyền thống văn hóa dân tộc để đưa một thứ văn hóa mới vào chi phối, lũng đoạn hệ tư tưởng của một quốc gia, dân tộc là một nốt trầm như tảng băng chìm đang hàng ngày xâm thực dịch chuyển tinh vi, ẩn sâu dưới đáy xã hội, khiến nhiều người không nghĩ đến và có khi được “bọc” kỹ, che giấu tận sâu nơi lòng người, nên khó thấy được và cũng khó nhận ra.
 
Ông bà mình có một triết lý cấm có sai, không phải cái gì lấp lánh thì cũng là vàng, người bên ngoài biểu hiện đàng hoàng nhưng bên trong chưa chắc là từ tế. Chân lý của cuộc đời, cái gì cũng có giá của nó, không ai muốn mình sống khổ cực bao giờ và với những con người chấp nhận hy sinh cuộc sống ấm no ở hải ngoại, về Việt Nam chỉ để “ăn mắm, mặc áo bà ba”, để tấu hài, lên đồng và năm lần bảy lượt khi bị “bóc phốt” thì phải ép mình xuống nước, bấm bụng giải trình, xin lỗi trước công chúng? Sự dối trá đó dù được thực hiện với bất cứ lý do gì cũng là một mối nguy với văn hóa quốc gia, dân tộc.

Tiến sĩ, nhạc sĩ Phạm Việt Long nhận định: “Không nên cứ thấy một người nào đấy, tác phẩm nào đấy có số lượng công chúng hâm mộ đông đảo thì vội cho đó là nghệ thuật, tuyệt đỉnh”. Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần có sự đào thải và người dân cần tỉnh táo hơn trong vấn đề bảo vệ văn hóa, tư tưởng.

Sự dễ dãi của chính chúng ta trong thời gian qua đã vô tình tiếp tay, khiến một bộ phận người làm giải trí nhầm tưởng về vị trí của mình, để họ tác oai tác quái mượn danh nghệ thuật, lấy danh nghệ sĩ làm vỏ bọc đạt được mục tiêu kép: Vừa để ăn tiền, hưởng nhiều đặc quyền của nước Việt Nam, vừa phá hoại an ninh tư tưởng, làm lũng đoạn nền văn hóa – văn minh của một quốc gia, một dân tộc!

Thực hiện: Dương Thị Hải Yến

Đồ họa: M.N

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *