Về chuyện anh Đại úy công an vô cảm

Người xem: 106

Cuteo@
 

Chiều nay 17/5/2021, công an huyện Thanh Oai đã ký quyết định kỷ luật cảnh cáo Đại úy Nguyễn Thanh Lâm, công tác tại công an xã Cự Khê vì đã thờ ơ, vô cảm trước vụ tài xế taxi đang phải vật lộn, khống chế tên cướp trong điều kiện sức đã xuống vì bị thương ở tay và bụng. 

Trước đó, vào khoảng 16h chiều 16/5 người dân tại khu vực đường Cienco 5, khu đô thị Thanh Hà, thuộc địa bàn xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội nghe thấy tiếng tri hô cướp của một lái xe taxi. Những người chứng kiến thấy nam tài xế điều khiển taxi của hãng G7 đang vật lộn với tên cướp trong điều kiện bị thương ở tay và bụng. Sau đó, một số người dân tại hiện trường hỗ trợ tài xế bắt tên cướp. Ngay sau đó, tài xế được đưa đi cấp cứu và hiện đã rất tỉnh táo. Tên cướp là Đặng Phạm Sáu và cũng là đối tượng bị công an tỉnh Thanh Hóa truy nã về tội “Giết người”.

Khi xem clip anh tài xế taxi vật lộn với tên cướp được đăng tải trên mạng xã hội, thực sự tôi rất buồn vì thái độ vô cảm, thiếu trách nhiệm của người đi đường, người quay clip, và đặc biệt là thái độ của anh cảnh sát có tên Nguyễn Thanh Lâm. 

Lẽ ra trước tình huống này, mọi người bất kể là ai đều phải có trách nhiệm lao vào giúp anh lái xe taxi càng nhanh càng tốt, nhưng điều đó đã không xảy ra. Phải mất một lúc sau mới có 1-2 người vào giúp. Thực trạng vô cảm ấy cho thấy kỹ năng xử lý các tình huống khẩn cấp của người dân và của lực lượng công an còn rất yếu. 

Trước một vụ tai nạn giao thông, một vụ đánh ghen, một vụ cướp thay vì can thiệp bằng cách này hay cách khác thì người ta lại rút điện thoại ra quay clip để tung lên mạng hòng kiếm ngàn likes và cho mình cái quyền phán xét, đòi hỏi người khác phải lao vào giải quyết chứ không phải là mình. Tiếng nói của các thanh niên quay clip vụ việc nói trên đã cho thấy điều đó. Một số không nhỏ thì quan niệm rằng, việc đó là của công an chứ không phải của mình và có tâm lý sợ hãi khi phải đối mặt với tội phạm.
 
Nếu như người dân đáng trách một thì anh Đại úy kia thì đáng trách mười. Tôi không rõ anh được đào tạo từ đâu ra, và có bao nhiêu năm công tác để có trải nghiệm thực tế như thế này. Nhưng ít nhất thái độ ứng xử của anh trước tình huống đó đã làm tôi thất vọng.
 
Công bằng mà nói, mặc quần áo công an thì không phải ai cũng biết cách xử lý các tình huống kiểu như thế này. Với những người làm công tác điều tra, hay là làm cảnh sát hình sự, hoặc cảnh sát cơ động hay cảnh sát giao thông thì chuyện xử lý tình huống như thế này là khá đơn giản. Nhưng với những người làm ý tế trong ngành, hay làm hậu cần, kỹ thuật thì câu chuyện lại có thế khác đi. Đơn giản vì họ không được đào tạo ra làm việc đó và môi trường làm việc của họ cũng không có những tình huống như thế để trải nghiệm.
 
Tôi không biết anh Đại úy kia trước đây được đào tạo chuyên môn gì, ở trường nào, từng công tác ở những đơn vị nào để bất bình hay cảm thông. Nhưng đã được điều động về làm công an xã, thì ít nhất cũng nên tự trang bị cho mình kỹ năng xử lý các tình huống phức tạp như trên, thay vì ngồi chờ cơ quan cho đi học nghiệp vụ.
 
Cuối cùng, việc của anh Đại úy bị kỷ luật ngay và luôn một mặt thể hiện sự nghiêm khắc của ngành đối với các hành vi thờ ơ vô cảm trước những mối đe dọa tới danh dự, tính mạng sức khỏe của người dân, nhưng mặt khác nó cho thấy một khoảng trống trong đào tạo và điều động cán bộ về làm công an xã hiện nay.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *