Gửi Ca sỹ Thủy Tiên

Người xem: 248

Nguyễn Quang Nguyên

Tào Tháo từng nói: “Ta biết sai, sửa sai nhưng không bao giờ nhận sai”. Với chị, nhận sai còn là thứ gì đó quá xa xỉ huống hồ sửa sai.

Là người con đất mẹ Quảng Trị anh hùng, tôi buộc phải lên tiếng bởi sự tổn thương mà quê hương mình gánh chịu một cách vô lý không cho phép tôi im lặng thêm nữa.
 
**

Đầu tiên, những người dân miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, lũ lụt trong đó có người dân quê tôi mãi mãi không bao giờ quên tấm lòng đồng bào cả nước. Không ấm lòng, không biết ơn sao được khi nhìn thấy những nồi bánh chưng san sát nhau đỏ lửa, những chuyến hàng cứu trợ nối đuôi chạy suốt đêm. Có một số người đi từ thiện phản ánh, cho tiền thì dân lấy, cho mỳ tôm các thứ chê không lấy. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, đừng nghĩ oan về họ, tội lắm. Họ đáng thương hơn đáng trách, đáng phục hơn đáng giận. Dân quê tôi chẳng ai chê mỳ tôm, thậm chí ăn không cần gói muối cũng được, bởi trong ấy đã có vị mặn của nước mắt rồi. Họ chỉ nghĩ đơn giản được cho nhiều quá, có nhà tận 12,13 thùng, ăn không hết, quá hạn sử dụng vứt phí, trong khi nhiều nơi, nhiều người cần hơn lại không có. Đây cũng là minh chứng rõ nét cho sự bất cập của việc từ thiện tự phát, “kẻ ăn không hết, người lần không ra”. Tôi tận mắt chứng kiến ông hàng xóm mắng đứa con trai lúc cu cậu xìu mặt xuống vì biết tối nay ăn bánh chưng tiếp:

“Lo ăn không thằng tê. Họ cho bằng cả tấm lòng thì không có chuyện ngon hay dở. Mi không ăn, tau đập phát chết cha mi chừ”.
 
Chỉ khi tôi nói bánh này đã hút chân không, để được vài bữa nữa, ông mới dịu giọng bảo nhóm bếp, bắc lon gạo kho cá khô ăn.
 
Tôi hay gọi vui người dân quê mình là lật đật. Lật đật là tính từ chỉ sự vội vàng, hớt hải, chẳng sướng nỗi. Lật đật chạy khi máy gặt đến ruộng mình, lật đật về khi lúa đang phơi thì trời mưa. Lại lật đật chạy ra trụ sở Agri gửi ít tiền cho con đang học đại học. Giờ thêm lật đật đi nhận tiền, sợ chị Tiên không cho nhận thay, sợ chị Tiên đổi ý và sợ chị Tiên…hụt tiền. Lật đật còn là danh từ. Điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt cố tình đè chết nhưng người dân quê tôi như con lật đật. Sau tất cả, tự tìm cách cân bằng, thẳng lưng bước tiếp.
 
“Của cho không bằng cách cho”, câu ấy chưa bao giờ lỗi thời. Fan chị bảo chị có được gì đâu, đã mất công mất sức còn bị chửi. Ngon vào mà làm, từ này xin chừa, xem có ai dám đi từ thiện tiếp không. Tôi nghe mớ lý luận trẻ con ấy còn thấy tấu hài hơn khi xem MU đá. Cái chị nhận được là lợi ích ẩn đâu dễ cân đo đong đếm. Trong tháp nhu cầu Maslow thì đi từ thiện giúp chị được danh tiếng, được khẳng định, thể hiện bản thân. Là tầng thứ năm, đỉnh tháp rồi đấy. Quyền lợi đi liền với trách nhiệm, nếu không biết giữ mình, ranh giới giữa nổi tiếng và tai tiếng đôi lúc thật mong manh.
 
“Nhà chú có ngập không” sao tôi nghe giọng điệu cảm giác như chị đang hỏi “Nhà chú có ai trốn nã không”, “Nhà chú có ai phản quốc không”? Chị chỉ là trung gian, một trong vô vàn cầu nối giúp tấm lòng đồng bào cả nước đến được những người đang bị cuốn vào vòng xoáy bi kịch do mẹ thiên nhiên tạo ra. Tại sao lại khệnh khạng, bố thí, ban ơn đến vậy? Bạn thân biết tôi khó khăn, bỏ tiền túi ra mua quà mua hoa cho tôi đi tặng con gái. Tôi đến trọ không thấy, nhờ phòng bên cạnh đưa giúp. Sau tán đổ, tôi nên cảm ơn thằng bạn hay phòng cạnh cô gái nhiều hơn?? Bà cụ tích từng đồng bạc lẻ bán rau đưa cho cô cháu gái sinh viên cũng đã trích cả tháng lương gia sư…để chuyển khoản cho chị. Chính những con người “vô danh” ấy mới được quyền thái độ với chúng tôi. Nói thì nói thế thôi chứ chắc chắn người ta không vậy rồi.
 
Địa hình miền Trung thường dốc, ngắn. Ngày xưa, tôi đạp xe đi học lết lên dốc hết nửa tiếng, đi về thả dốc chục phút là bình thường. Nhà ngập, tài sản hư hỏng, thiệt hại là đúng, không có nghĩa nhà chỗ cao không hề hấn gì. Họ không bị ngập nhưng bị cô lập và có khi là cứu cánh, chỗ dựa để nhà bị ngập bấu víu lúc nguy cấp. Họ cũng chính là những người ở nơi xa nhất, đội từ thiện khó tiếp cận, hỗ trợ nhất.Thế mới thấy, cái quy định nhà ngập một mét trở lên mới được nhận hỗ trợ không hợp tình hợp lý chút nào. Thế mới thấy, việc thôn thu lại tiền để chia thỏa đáng hơn có cái lý của họ khi được đa số đồng thuận. Nhưng thôi, không gì là vẹn toàn, một chính sách, quy định đặt ra chẳng tránh khỏi giúp người này hưởng lợi hơn chút, khiến người kia chịu thiệt đi chút. Vậy mà, nhà trưởng thôn bị ngập hơn một mét đúng yêu cầu đặt ra thì chị lại giãy nãy lên không chấp nhận. Chị lật mặt còn nhanh hơn cách người yêu cũ từng làm với tôi nữa. Phải chăng, chị đang gắn địa vị ông trưởng thôn vào “một- bộ- phận- nào- đó” chị vốn hằn học, thiếu thiện cảm từ trước? 
 
Phải chăng, chị đang tiêu chuẩn kép? Đau đớn, xót xa, phẫn uất thay, không những ông trưởng thôn, người đúng nghĩa “vác tù và hàng tổng” mà còn cả gia đình ông bị liên lụy, bị xúc phạm, mạt sát không thương tiếc khi “được” chị hồ đồ dùng sức mạnh truyền thông hướng mũi dùi chỉ trích của cộng đồng mạng. “Sông sâu nước lặng, lúa chín cúi đầu”, một lời xin lỗi dù quá muộn màng không được sao? Xin lỗi thôi mà, không cần tạ lỗi hay chuộc lỗi đâu, cũng quá khó khăn phải không chị?
 
“Người giàu chưa chắc đã đạo đức. Người đạo đức chưa chắc đã giàu”. Từng ủng hộ, thả thương thương cho chị những ngày đầu nhưng dần dần tôi thấy không ổn. Những comment góp ý của fan chân chính bị chị và ekip cho đóng phim Mất tích còn những comment fan phong trào, fan mất não nâng bi chị thô thiển và đá xéo chính quyền lại auto đứng top. 
 
Tôi đoán, không tôi lo cho chị thì đúng hơn, sợ rằng chị đã dính vào cái gọi là “ngáo quyền lực”. Chị nghĩ đang đứng trên cao, người ta ném đá không trúng mình hoặc có trúng, đá cũng sẽ rơi xuống đè chết họ. Nhầm rồi, rất rất nhiều người đứng cao hơn chị. Họ tung hô được thì cũng có thể dìm chị đến tận cùng thê thảm.
 
Tôi không biết nên cười hay khóc khi xem clip chị hỏi từng cụ ông, cụ bà, bảo khổ quá thương quá, sao ai cũng chỉ có một chiếc dép thế này dù mọi người đều rõ chiếc kia các cụ đang…lót đít ngồi. 
 
Dân quê tôi nghèo thì nghèo thật nhưng không nghèo rệp, bất hiếu và đốn mạt đến nỗi để ông bà, cha mẹ mình chỉ có một chiếc dép đi như chị nghĩ đâu, thưa chị. Tôi càng không biết nên cười hay khóc khi xem clip khác thấy chị hỏi rồi có người mớm lời là chẳng có ai giúp cả. Chỉ chị mới được livestream, đi vào tâm lũ nhỉ? Chị là một, là riêng, là duy nhất, là đấng cứu nhân độ thế, là truyền nhân của lũ đế năm xưa ư? “Nước sông công lính”, không hề thấy bóng dáng, màu áo anh công an, chú bộ đội trong các clip, bài viết của chị. Nhưng có sự cố, chị nhanh chóng “lộ” ra là do trưởng thôn, trưởng xóm, cán bộ huyện xã lập danh sách thiếu, sai. Khôn như chị, kèo này chỉ từ hòa đến ăn đủ chứ làm gì có cửa thua.
 
**
 
Tôi vốn học kinh tế và luật, không phải dân văn nhưng vẫn muốn viết, viết thật nhiều. Chỉ sợ rằng, nếu viết thêm chẳng còn giữ được sự bình tĩnh, trau chuốt trong từng câu chữ.
 
Có lẽ, tôi. chàng trai hai bảy tuổi đầy nhiệt huyết và tự trọng, sẽ viết tiếp khi đã bình tâm, thanh thản.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *