Vân Nhi – Phạm Hùng
Trong nhiều năm qua, TP Hà Nội luôn đặc biệt quan tâm tới phát triển hệ thống cây xanh. Bởi ngoài nhiệm vụ cải tạo vi khí hậu cũng như không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị, cây xanh còn đóng vai trò như “tấm lá chắn” bảo vệ môi trường, cuộc sống của người dân Thủ đô.
Hệ thống cây xanh trên đường Võ Chí Công phát triển tươi tốt.
Hiệu quả của chiến lược dài hơi
Hà Nội đã và đang trải qua những ngày nắng nóng với nền nhiệt ngoài đường luôn ở mức trên 40 độ C. Trong thời tiết như vậy mới thấy rõ giá trị của hệ thống cây xanh đô thị.
Từ nhiều năm qua, để thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh văn hiến – văn minh – hiện đại, xây dựng môi trường sống tốt nhất, người dân được sinh hoạt, giải trí với chất lượng cao, Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó có chương trình trồng mới một triệu cây xanh để cân bằng giữa mảng xanh và tốc độ đô thị hóa. Với sự quyết tâm, nỗ lực của các ngành, đơn vị chức năng, chương trình này đã về đích sớm hơn so với kế hoạch.
Cây xanh trên đường Võ Chí Công làm đẹp cảnh quan đô thị mà còn góp phần hạn chế ô nhiễm không khí, tiếng ồn, cung cấp oxy, giúp tăng độ ẩm, điều hòa không khí…
Phát huy kết quả đạt được, trong giai đoạn 2019 – 2020, Hà Nội đặt mục tiêu trồng thêm 600.000 cây xanh trên địa bàn. Theo các chuyên gia môi trường, việc trồng nhiều cây xanh trên địa bàn Thủ đô không chỉ giúp cho không khí trong lành hơn mà có thể làm bóng mát ngăn chặn ánh nắng, hạn chế tác hại của các bức xạ mặt trời lên người dân, đặc biệt trong những ngày nắng nóng.
Theo báo cáo từ Sở Xây dựng, từ năm 2016 đến nay, Hà Nội đã trồng được 1.530.000 cây xanh. Việc này không chỉ làm đẹp cảnh quan đô thị mà còn góp phần hạn chế ô nhiễm không khí, tiếng ồn, cung cấp oxy, giúp tăng độ ẩm, điều hòa không khí. Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều tuyến đường như Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh, Võ Chí Công… những hàng cây mới trồng đã và đang phát triển ổn định, dần tạo bóng mát, giảm bớt oi bức trong mùa Hè.
Cây phong lá đỏ xanh tốt trên đường Nguyễn Chí Thanh.
Không chỉ tập trung phát triển số lượng cây xanh, trong những năm qua, Hà Nội không ngừng đa dạng hóa chủng loại cây. Từ các loại cây đặc trưng của vùng miền ở Việt Nam cho đến các nước trên thế giới. Hàng cây phong lá đỏ trên tuyến Trần Duy Hưng – Nguyễn Chí Thanh là một ví dụ điển hình.
Sau một thời gian dần thích nghi với khi hậu Việt Nam, đến thời điểm này, dù chưa đổi màu được như kỳ vọng (do sự khác biệt của thời tiết) nhưng hàng cây phong lá đỏ đã sinh trưởng ổn định góp phần tạo diện mạo mới cho tuyến đường.
Những hàng cây mới trồng đã và đang phát triển ổn định, dần tạo bóng mát, giảm bớt oi bức trong mùa Hè.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Ông Hoàng Cao Thắng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong năm 2020, TP sẽ tập trung phát triển hệ thống cây xanh tầng thấp, xây dựng các giải pháp lựa chọn chủng loại cây trồng trong đô thị theo chức năng môi trường, phù hợp đặc điểm của không gian vị trí, đáp ứng được yêu cầu thẩm mỹ, mỹ quan đô thị.
Nhiều chuyên gia môi trường khẳng định, việc trồng thêm cây xanh trong nội đô Hà Nội nói riêng và các đô thị khác nói chung là rất cần thiết. Tuy nhiên, đến thời điểm này, công tác trồng mới, bảo vệ và chăm sóc cây xanh vẫn chỉ là việc của một vài đơn vị chức năng.
Cây xanh phát triển ổn định, tạo thành ‘tấm lá chắn’ vững chắc bảo vệ môi trường.
Do vậy, để cây xanh phát triển ổn định, tạo thành “tấm lá chắn” vững chắc bảo vệ môi trường, rất cần sự chung tay của toàn xã hội trong việc trồng mới, bảo vệ cây xanh. Cùng với đó, để quản lý tốt và phát huy hiệu quả công tác bảo tồn, phát triển cây xanh đường phố cần đảm bảo hệ thống văn bản pháp quy thống nhất, đồng bộ.
Xây dựng quy hoạch chiến lược hệ thống cây xanh đô thị nhằm phát triển dạng “đi tắt, đón đầu” trong quá trình phát triển đô thị, phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể Thủ đô đến 2030, tầm nhìn đến 2050.
Thời gian tới, Sở Xây dựng tiếp tục chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị liên quan, đồng thời hướng dẫn, đôn đốc UBND các quận, huyện , thị xã thực hiện trồng cây trên địa bàn quản lý theo phân cấp tổ chức khảo sát, lập phương án cải tạo, chỉnh trang, bổ sung cây xanh tại các tuyến cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, liên tỉnh, các nút giao, khu vực trên địa bàn TP.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng
Tin cùng chuyên mục:
Nguyễn Xuân Diện và sự thật lịch sử về Hải chiến Hoàng sa
Con trai ông Trump nói Tổng thống Zelensky nài nỉ được mời đến buổi lễ nhậm chức
Nam thanh niên bị hành hung dã man trong khu dân cư Đông An 2
Nghị định 168 và những luận điệu xuyên tạc của RFA