Ông Lê Giản kể chuyện: Bác Hồ dự tiệc và nói về món thịt chó Việt Nam

Người xem: 284

Nguyên tác: Nhớ những lần Bác Hồ đến thăm nhà 1A phố Trần Bình Trọng, Hà Nội 30-09-2013
 
Khoảng cuối 9 đầu tháng 10-1945 tôi được Trung ương Đảng và Bác Hồ gọi về Hà Nội (lúc đó tôi đang công tác trên căn cứ địa Việt Bắc) để làm Phó Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ. Tôi được anh em thu xếp cho ở một phòng trên tầng 2 nhà số 1A phố Trần Bình Trọng Chính nơi đây, tôi đã có vinh dự được hai lần gặp Bác.
 
Lần thứ nhất: Vào đầu năm 1946, khoảng thời gian mà chúng ta chuẩn bị cho phái đoàn đi dự Hội nghị hiệp thương với Pháp ở Đà Lạt. Có các đồng chí từ miền Nam được cử làm đại biểu ra Hà Nội họp để toàn đoàn thống nhất quan điểm, lập trường và hành động trong cuộc họp.
 
Một hôm có mấy đồng chí quen biết đến thăm chúng tôi và yêu cầu phải tổ chức buổi liên hoan bằng thịt chó để chúc đoàn đi công tác thắng lợi. Chúng tôi vui vẻ nhận lời và hẹn đến 11 giờ trưa mời các đồng chí đến thưởng thức. Anh Hoàng Mỹ (Trần Hiệu) ra sức trổ tài nấu ăn. Đúng giờ đã hẹn nhưng không thấy ai đến. Tôi gọi điện ra Bắc Bộ phủ (nay là Nhà khách Chính Phủ) nơi Bác Hồ làm việc. Qua điện thoại, anh Vũ Đình Huỳnh nhỏ nhẹ trả lời: “Các anh ấy còn đang họp”. Sốt ruột, 15 phút tôi lại gọi điện hỏi và nghe tiếng anh Huỳnh. Anh Hoàng Mỹ băn khoăn vì sợ thức ăn nguội lạnh mất ngon. Sau lần gọi điện thoại thứ ba thì anh Huỳnh bỗng gọi điện báo: “Họp xong rồi, chúng mình sẽ đến ngay đây”. Sau này tôi mới biết hôm ấy Bác định kéo dài thời gian họp bàn xong công việc nhưng cứ thấy chốc chốc lại có người gọi điện thoại và anh Vũ Đình Huỳnh (lúc ấy là thư ký của Bác) nhỏ nhẹ trả lời, Bác mới hỏi: “Có việc gì mà ai đó cứ gọi điện thoại liên tục như vậy?” Anh Huỳnh phải nói thật: “Dạ thưa Bác, có mấy anh em miền Nam hẹn với anh Lê (tức là tôi – Lê Giản) 11 giờ đến ăn thịt chó, mãi đến không thấy ai đến nên anh Lê gọi”. Bác cười vui vẻ, nói: “Có chuyện ầy à? Vậy thì để chiều họp tiếp, bây giờ nghỉ để các chú đi kẻo sai hẹn, Bác không được mời nhưng cũng sẽ đến.
 
Thế rồi chúng tôi nghe tiếng còi xe và mở cổng. Bác đến thật, cung đi với Bác có anh Kháng, tổ bảo vệ. Chúng tôi ra đón chào, Bác cười, gật gật đầu và tiến lên đi trước, vòng xung quanh ngắm cảnh nhà một lượt rồi mới vào trong. Cùng lúc ấy, mọi người đã đến đông đủ. Ngồi vào bàn ăn, mọi người nâng chén chúc Bác sức khỏe và ăn ngon miệng. Vui cười rạng rỡ, Bác nói: “Cảm ơn các chú đã chúc Bác những điều lành, Bác cũng xin các chú sua khi làm xong công việc thì tranh thủ tổ chức vui chơi co thoải mái, cho đầu óc được thảnh thơi, con người được thư giãn. Các chú tưởng Bác chỉ biết vui đầu vào công việc hay sao. Tuy rất bận nhưng Bác vẫn dành thì giờ để tập thể dục, để ngắm cảnh làm thơ, để đánh cờ tiêu khiển”. Rồi Bác thân mật trách: “Các chú chỉ khi nào có công việc gì khó mới chạy đến Bác, còn có các cuộc vui lành mạnh ấm cúng như hôm nay thì các chú đâu nghĩ đến Bác, mời Bác cùng chung vui? Thịt chó là món ăn độc đáo của Việt Nam và nhiều nước châu Á, Bác lấy làm lạ thấy có người Việt Nam không biết ăn thịt chó”.
 
Nghe Bác Hồ mà chúng tôi tỉnh cả người. Sự thực là chúng tôi chưa hiểu hết về Bác. Chúng tôi rất tôn kính Bác nhưng chưa biết yêu Bác, cứ tưởng Bác là con người khắc khổ, nghiêm nghị mà chưa thấy được Bác cũng chính là một con người bình dị, giàu tình cảm, xử sự rất thân mật với mọi người xung quanh, quan điểm quần chúng sâu sắc, dễ chinh phục lòng người.
 
Bữa đó Bác chỉ ngồi nhâm nhi với chúng tôi có một lát thôi, uống cạn chén rượu, nếm một vài món, rồi nói là phải về, kẻo các chú bảo vệ ở nhà sốt ruột mong chờ. Anh em chúng tôi cố giữ Bác ở lại không được, biết rằng Bác ra về một phần vì ngại sự có mặt của Bác sẽ làm chúng tôi phải dè dặt, giữ ý tứ, mất tự nhiên. Tiễn Bác lên xe rồi, chúng tôi trở lại bàn ăn, mỗi người một lời, một ý, chuyện nở như ngô rang.
 
(Lê Giản, trong Những chuyện vui và cảm động về Hồ Chủ tịch, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 2000)
 
Theo sách chuyện kể Bác Hồ, tập 3, NXB Giáo dục
 
​Mời tham chiếu link nguồn: Kể chuyện về bác – nội dung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *