Hoài Đam/LĐO
Tuyển Đức đã bị loại khỏi World Cup 2018. Ảnh: FIFA
Việc ĐKVĐ Đức bị loại khỏi World Cup 2018 không chỉ là cú sốc mà còn là bài học lớn phía sau vinh quang, trong đó có cả nền bóng đá Việt Nam, sau những gì U23 làm được ở giải U23 Châu Á.
Thực ra, chuyện tuyển Đức bị loại là điều mà nhiều người đã nghĩ đến sau khi họ để thua Mexico ở trận ra quân, rồi thắng nhọc trước Thuỵ Điển. Nhưng người Đức lại bị loại bởi một Hàn Quốc đã gần như hết mục tiêu khiến cho tất cả đều sốc.
Từ thất bại của đương kim vô địch Đức đến thất bại 4 năm trước của Tây Ban Nha, chúng ta có thể suy rộng ra một vấn đề: Danh hiệu với vinh quang quá khứ có thể là “thuốc độc” và tất cả sẽ mất hết nếu không chịu lao động.
Với Đức hay Tây Ban Nha, dường như họ chưa thoát được ánh hào quang để có sự chuẩn bị cho giải đấu một cách nghiêm túc nhất. Như tuyển Đức, họ cũng đã kết thúc một chu kỳ 8 năm thành công. Giai đoạn 2008-2014, tuyển Đức dưới HLV Low đã khiến tất cả phải ngả mũ. Họ đã vào chung kết EURO 2008, bán kết EURO 2012, bán kết World Cup 2010 và đỉnh cao là lần lên ngôi vô địch World Cup 2014.
Tuyển Đức để lại bài học lớn. Ảnh: FIFA
Thực tế, ở giải đấu này không chỉ Đức mà nhiều đội bóng lớn cũng rơi vào tình trạng tự cho mình “đứng trên tất cả” để rồi nhận phải trái đắng. Như đương kim á quân Argentina cũng suýt chút nữa rơi vào cảnh nghiệt ngã của người Đức, rất may họ đã vùng lên ở những giây phút quyết định. Bởi lẽ họ có Messi và trọng tài.
Đức thua không vì thiếu tài năng mà dường như vì nhà cầm quân đã hết bài. Hay nói đúng hơn là họ không chịu thay đổi và vận động, HLV Joachim Low đã thành công với Đức ở 8 năm đầu cầm quân. Nhưng ông đã tự tin với công thức của bản thân mình và áp dụng nó một cách quá dài.
Đặc biệt ở giải đấu này nữa, chúng ta cũng thấy được ở một khía cạnh khác là khi đội bóng không còn gì để mất chính là lúc mang lại động lực nhiều nhất. Trường hợp của Hàn Quốc là một điển hình cho luận điểm này. Trước đó, chúng ta còn chứng kiến cả Marocco, Iran đã thi đấu quả cảm thế nào trước Tây Ban Nhà và Bồ Đào Nha.
U23 Việt Nam từng đứng trên vinh quang. Ảnh: TL
Từ câu chuyện thất bại sau ánh hào quang, chúng ta nhìn về bóng đá Việt Nam với nhiều điều suy ngẫm. Chúng ta mới chỉ vô địch AFF Cup một lần vào năm 2008. Sau 10 năm, bóng đá Việt Nam chưa một lần được trở lại trận chung kết. Đây được xem là bước thụt lùi lớn. Nó là minh chứng lớn nhất cho việc danh hiệu chỉ là quá khứ.
Hơn nữa, thời điểm đó, chúng ta vô địch nhờ phong độ, khoảnh khắc mang tính thời điểm chứ về đẳng cấp chúng ta vẫn thua người Thái.
Ngay cả U23 Việt Nam đã tạo nên địa chấn với ngôi á quân U23 Châu Á cũng vậy. Chính chúng ta phải gác chiến tích đó sang một bên và nhìn về mục tiêu tương lai. Việc sống mãi với ánh hào quang sẽ khiến chúng ta phải trả giá. Hơn nữa, nhìn vào những gì đã diễn ra, phải thừa nhận rằng, đẳng cấp của chúng ta vẫn chưa thể chạm đến tầm châu lục.
Chúng ta chỉ giành chiến thắng mang tính thời điểm dựa vào lối chơi hợp lý và một tinh thần tốt.
Tin cùng chuyên mục:
Hương sắc Hà Nội – Một trong 50 thành phố tuyệt vời nhất thế giới
Nóng: Giám đốc Đại học Huế bị bắt
Nhà báo quay clip xe múc đất rồi “gợi ý quà Tết”
Phương án cải tạo sông Tô Lịch: Cần làm rõ để đảm bảo hiệu quả