Vụ cô giáo im lặng suốt 3 tháng

Người xem: 238

Mai Dương
 
Cái cách người lớn tham gia vào câu chuyện này, đã tước mất khả năng tự vệ và kỹ năng tồn tại của cô nhóc. Một sự việc đơn giản bỗng hóa phức tạp, một câu chuyện đáng nhẽ sẽ giải quyết được bằng sự cảm thông, thiện chí, bỗng hóa thành thù địch…
Khuyến khích, cổ vũ tinh thần bày tỏ chính kiến, lòng dũng cảm và sự can trường của trẻ con, là điều tốt. Nhưng không thể vì thế mà lờ đi một điều quan trọng nhất mà những người nhân danh người lớn khi bày dạy trẻ con – là kỹ năng tồn tại.
 
Những khóa học huấn luyện trong quân đội, yếu tố tồn tại luôn được đề lên cao nhất, thậm chí hơn cả sự chiến thắng. Anh muốn chiến thắng thì trước tiên anh phải tồn tại.
 
Đọc bạt ngàn những bài báo và những status về trường hợp cô bé Phạm Song Toàn, gần như tôi không bắt gặp được bất cứ một ý niệm nào về việc người lớn phải dạy cô bé những kinh nghiệm và kỹ năng tồn tại. Chỉ thấy khuyến khích lòng dũng cảm, sự can trường và tinh thần phản kháng.
 
Như thế là vô trách nhiệm, thậm chí độc ác.
 
***
 
Người giáo viên lên lớp 3 tháng không nói một lời nào, thì đáng thương hơn là đáng giận. Thương vì nếu sự thực như thế, thì chắc chắn đã có một sự trầm cảm cực độ nào đó đối với giáo viên, hay nói nặng nề hơn là thần kinh có vấn đề. Sự giận dữ không phù hợp trong tình huống này, vì rõ ràng với tình trạng như thế, người giáo viên cũng đang tự mình hành hạ chính bản thân mình, chứ chả cần đến xã hội phải ra tay.
 
Cô bé học trò phản ánh cũng không có gì đáng trách, thậm chí cần phải hoan nghênh. Trẻ con hồn nhiên, yêu thì bảo yêu, ghét thì bảo ghét, có sao nói vậy, thế mới là trẻ con.
 
Nhưng, cái cách người lớn tham gia vào câu chuyện này, đã tước mất khả năng tự vệ và kỹ năng tồn tại của cô nhóc. Một sự việc đơn giản bỗng hóa phức tạp, một câu chuyện đáng nhẽ sẽ giải quyết được bằng sự cảm thông lẫn thiện chí, bỗng hóa lằn ranh của thù địch, của trái-phải, của trắng-đen rõ ràng.
 
Nhà trường và gia đình ở hai bên chiến tuyến.
 
Phụ huynh, học sinh và giáo viên ở hai bên chiến tuyến.
 
Chính quyền và truyền thông ở hai bên chiến tuyến.
 
Sự việc đẩy lên cao, đứa trẻ bị ngộ nhận là anh hùng, giáo viên bị mặc cảm là tội phạm, phụ huynh bị ngộ nhận về chân lý, và chính quyền bị ngộ nhận về quyền lực.
Đâu đó như vụ “uống nước giẻ lau bảng” còn có đề nghị khởi tố cô giáo, và trong tình huống Phạm Song Toàn, chính quyền bỗng vẽ ra một bức tranh bi kịch, Phạm Song Toàn có “chạy trốn” khỏi trường học, thì mới “tồn tại”.
 
***
 
Tôi cho rằng, cốt lõi trong câu chuyện này thuộc về cha mẹ cháu bé. Phụ huynh đã không biết cách xử lý vấn đề này để cho cuộc sống mọi thứ giản đơn hơn, tốt đẹp hơn, con mình nhìn nhận được những bài học nhân văn hơn, và thậm chí khôn ngoan hơn để tồn tại, vươn lên, đúng như tố chất nó đã có.
 
Cha mẹ đã ỷ lại vào truyền thông và đẩy con ra trước truyền thông, biến con từ một đứa bé vô tư thành nạn nhân lẫn người hùng của dư luận, khoác cho cháu cái áo quá lớn về áp lực.
 
Ấy là cha mẹ vô trách nhiệm.
 
Đặt niềm tin vào sự nhân văn và công chính của dư luận là một tư duy hết sức sai lầm. Hầu hết các nhà báo xuất phát từ nhu cầu và đặc thù nghề nghiệp nên luôn có xu hướng bi kịch hóa, trầm trọng hóa mọi khúc mắc trong xã hội, đẩy một sự việc nhỏ lẻ thành câu chuyện phổ quát và tạo sóng dư luận. Người ngoài hả hê bình luận, chỉ có người trong cuộc là chịu đòn dai dẳng, trong tình huống này là cháu Song Toàn.
 
Thay vì tư duy về những điều nhân văn để cứu rỗi một đứa học sinh đang tuổi lớn, thì xã hội lại vận động suy nghĩ về sự tận diệt một số phận khác – là cô giáo, khi rõ ràng trong thực tế, việc tận diệt này chả đưa lại được điều gì ngoài sự sợ hãi của các nhà giáo, và còn lâu mới thay đổi được tâm-tính của một con người vốn đã quá tuổi trưởng thành.
 
Em Phạm Song Toàn
 
***
 
Một số trường tư thục đã rất nhanh nhảu tranh thủ tình huống này để đánh bóng tên tuổi cho mình. Chúng ta cần phải bỏ lý thuyết “tư thục và công lập khác nhau một trời một vực” đi. Đầy rẫy những môi trường tư thục mà ở đó cả việc dạy và học đều rất “có vấn đề” và không hào nhoáng như người ta tưởng ngoài giá trị học phí mỗi tháng cao ngất ngưởng, bộ đồng phục đẹp, điểm xuyết dăm ba giáo viên tiếng Anh là người nước ngoài, mục đích chả có gì ngoài việc trang bị sự “sang chảnh” cho phụ huynh mà thôi.
 
Tôi và cả gia đình vừa thảo luận và thống nhất quyết định, tất cả các con tôi sẽ đi học trường làng. Sẽ đi tìm những trường nông thôn thuần phác nhất để học, học phí rẻ, cô giáo giản dị bình thường, học sinh hòa đồng mộc mạc. Và ở đó, chúng học gì thì học, cô dạy cái gì thì dạy, nhưng chắc chắn tôi phải dạy được cho chúng nó một thứ mà tôi cho là quan trọng nhất, ấy là sự hòa đồng, khả năng thích ứng.
 
Và làm gì thì làm, trước khi trở thành anh hùng thì các con tôi phải tồn tại đã.
 
*****
 
Bài viết là quan điểm của tác giả Mai Dương – một facebooker nổi tiếng và thường xuyên có những góc nhìn khá mới mẻ, bình tĩnh và công tâm về những vấn đề xã hội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *