Ngày 2-3, TS Đặng Công Tráng, Trưởng khoa Luật Trường ĐH Công nghiệp TP HCM đã có đơn xin rút tên trong danh sách phó giáo sư (PGS) năm 2017 sau khi đề tài nghiên cứu khoa học do ông chủ trì bị tố “đạo văn” của người khác.
Đề tài nghiên cứu khoa học do TS Đặng Công Tráng chủ nhiệm (trái) sao chép từ nhiều nguồn. Ảnh: TTO
Chiều 2-3, TS Nguyễn Thiên Tuế, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho biết ông nhận được đơn của ông Đặng công Tráng qua mail, do ông Tráng đang trong thời gian kiểm tra sức khỏe ở bệnh viên nên đơn chưa được ký.
Vị hiệu trưởng nhà trường cho biết trong đơn, ông Tráng thừa nhận những thiếu sót trong quá trình nghiên cứu đã không cẩn thận rà soát kỹ, các thành viên nhóm có sử dụng tài liệu của công trình nghiên cứu trước đây mà không ghi rõ nguồn trích dẫn.
“Còn phải đưa ra hội đồng kỷ luật mới quyết định hình thức kỷ luật nhưng quan điểm cả trường là cương quyết chống đạo văn. Nhà trường sẽ xử lý đến nơi đến chốn vụ việc này”- TS Nguyễn Thiên Tuế khẳng định và cho biết sự việc xảy ra là rất đáng tiếc, làm phương hại đến hình ảnh của trường.
Trao đổi với chúng tôi, người đứng đầu nhà trường cho biết việc nghiệm thu đề tài có cả các thành viên trong trường và thành viên ngoài trường được mời để đảm bảo khách quan nhưng rất tiếc là quá trình nghiệm thu lại không phát hiện. Tới đây trường sẽ mời các thành viên trong tiểu ban nghiệm thu đề tài để tìm hiểu và kiểm tra mức độ sai phạm sau đó đưa ra hội đồng kỷ luật. Trường cũng đề nghị hội đồng khoa học trường ra quyết định hủy đề tài, thu hồi kinh phí.
Trước đó, Đề tài nghiên cứu khoa học mang tên: “Hoàn thiện quy định của pháp luật về bán hàng đa cấp ở Việt Nam” do TS Đặng Công Tráng chủ trì đã bị phát hiện sao chép luận văn thạc sĩ của một học viên tại ĐH Quốc gia Hà Nội.
H. Lân
Tin cùng chuyên mục:
Nguyễn Xuân Diện và sự thật lịch sử về Hải chiến Hoàng sa
Con trai ông Trump nói Tổng thống Zelensky nài nỉ được mời đến buổi lễ nhậm chức
Nam thanh niên bị hành hung dã man trong khu dân cư Đông An 2
Nghị định 168 và những luận điệu xuyên tạc của RFA