Cuteo@
Tổ chức “Ân xá quốc tế” vừa ra lời kêu gọi hành động khẩn cấp cho cái gọi là “nhà hoạt động môi trường phản đối Formosa”
Hoàng Đức Bình và Nguyễn Nam Phong tại tòa án tỉnh Nghệ An hôm 6/2/2018
Sáng nay, RFA đưa tin, tổ chức Ân Xá Quốc Tế – Amnesty International (AI) hôm 28/2/2018 kêu gọi “hành động khẩn cấp cho nhà hoạt động môi trường Hoàng Đức Bình, người phản đối Formosa gây thảm họa biển tại Việt Nam nhưng bị chính phủ Hà Nội kết án tù 14 năm”. Tổ chức này cũng “kêu gọi những người quan tâm viết thư ngay đến cho các cấp thẩm quyền Việt Nam về trường hợp anh Hoàng Đức Bình. Thư gửi trước ngày 10 tháng 4 năm nay đến các vị lãnh đạo cấp cao Việt Nam gồm các ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Trưởng Công An Tô Lâm, Bộ Trưởng Ngoại giao kiêm phó thủ tướng Phạm Bình Minh”.
Trong thư, Ân Xá Quốc Tế ngang ngược yêu cầu trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Bình với tư cách là “nhà hoạt động môi trường”, hủy bỏ cáo buộc đối với “tù nhân lương tâm này” vì chỉ thực hiện một cách “ôn hòa quyền tự do bày tỏ ý kiến”. Đồng thời kêu gọi, trong khi chờ đợi Hoàng Đức Bình được trả tự do, chính phủ Việt Nam đảm bảo không có hành vi tra tấn, ngược đãi đối với Bình và cho phép người Bình được tiếp cận thân nhân, luật sư cũng như được chăm sóc y tế đầy đủ. Ngoài ra Amnesty cũng yêu cầu “ngưng ngay mọi hình thức sách nhiễu, đàn áp, trừng phạt những nhà bảo vệ nhân quyền, giới hoạt động ôn hòa”.
Phải nói thế này, tôn trọng và bảo đảm quyền con người là trách nhiệm, đồng thời là chủ quyền của Nhà nước Việt Nam, không cần AI phải dạy khôn. Yêu cầu một Nhà nước thực hiện những yêu sách phi luật pháp là can thiệp thô bạo vào chủ quyền của quốc gia đó.
Trước hết, AI đang đánh lận đỏ đen, biến tên tội phạm nguy hiểm thành anh hùng. Bản chất của Hoàng Đức Bình là tên tội phạm chống nhà nước chứ không phải là nhà hoạt động môi trường. Không có chuyện Hoàng Đức Bình bị bắt và bị xét xử “chỉ thực hiện một cách “ôn hòa quyền tự do bày tỏ ý kiến” hay “chỉ vì phản đối Formosa gây thảm họa biển tại Việt Nam nhưng bị chính phủ Hà Nội kết án tù 14 năm”.
Nói cho rõ, Tòa án nhân dân huyện Diễn Châu tuyên phạt Hoàng Đức Bình 7 năm tù về tội “Chống người thi hành công vụ” và 7 năm tù về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của tổ chức, công dân”. Tổng cộng hình phạt là 14 năm tù. Như vậy Bình không hề bị bỏ tù “chỉ thực hiện một cách “ôn hòa quyền tự do bày tỏ ý kiến” hay “chỉ vì phản đối Formosa gây thảm họa biển tại Việt Nam”. AI có thể kiểm chứng trên báo chí và truyền thông.
Bình hoạt động vi phạm pháp luật như thế nào, xin ngắn gọn như sau:
Ngày 14/02/2017, Hoàng Đức Bình đã câu kết với Nguyễn Đình Thục kích động khoảng 500 giáo dân thuộc giáo xứ Song Ngọc và Phú Yên tập trung tại giáo xứ Song Ngọc để thực hiện cái gọi là “vào TAND thị xã Kỳ Anh nộp đơn khởi kiện công ty Formosa”. Đến địa phận xã Diễn Hồng thuộc huyện Diễn Châu, lực lượng CSGT đã tổ chức phân luồng, ổn định trật tự, nhưng Hoàng Đức Bình, Nguyễn Đình Thục đã ra lệnh cho lái xe dừng xe giữa Quốc lộ 1A nhằm chặn tuyến giao thông huyết mạch Bắc – Nam, gây ách tắc giao thông. CSGT đã yêu cầu Thục, Bình và Nam xuống xe để làm việc nhưng nhóm này đã khóa chặt cửa, cố thủ trên xe, không chấp hành hiệu lệnh của CSGT và CSTT. Hậu quả là Quốc lộ 1A bị ách tắc nghiêm trọng, kéo dài khoảng 5 km ở cả hai chiều.
Trên xe, Hoàng Đức Bình và các đối tượng liên tục quay phim, chụp hình, bình luận, tán phát lên mạng XH, xuyên tạc tình hình thực tế, đồng thời kích động giáo dân kéo lên Quốc lộ 1A để gây áp lực. Một số đã ném gạch, đá tấn công lực lượng chức năng làm 16 cán bộ Công an bị thương, vỡ nhiều kính xe ô tô đang làm nhiệm vụ và một số xe đang lưu thông trên Quốc lộ 1A.
Trên Faceboook cá nhân của mình, phản ảnh về vụ viêc, Hoàng Đức Bình liên tục phát trực tiếp với những hình ảnh, lời lẽ vu khống các lực lượng chức năng, xuyên tạc sự thật, mang tính kích động bạo loạn.
Khi bị bắt, Hoàng Đức Bình đã tỏ vẻ ăn năn, hối cải, thành khẩn khai báo, nhưng sau đó lại phản cung, quanh co chối tội với lý lẽ của kẻ cực đoan “cù nhầy”. Tại tòa, Hoàng Đức Bình vẫn bộc lộ bản chất ngoan cố, chống phá chính quyền, không thành tâm hối cải.
Căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng và ý kiến của người làm chứng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Hoàng Đức Bình tổng cộng 14 năm tù với cả 2 tội danh là, “Chống người thi hành công vụ” và “lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của tổ chức,công dân”.
Ở bất cứ quốc gia nào cũng vậy, luật pháp cần được thượng tôn và việc truy cứu trách nhiệm hình sự với những người như Bình là cần thiết, nhằm đảm bảo lợi ích của nhà nước, tổ chức và đại đa số công dân. Việc AI yêu cầu “đòi thả ngay lập tức và vô điều kiện” tên tội phạm Hoàng Đức Bình là đòi hỏi vô lý, chà đạp lên luật pháp và xâm hại tới lợi ích của xã hội. Hơn nữa, việc yêu cầu Việt Nam phải làm như vậy chính là đang can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Nhìn lại tất cả các trường hợp mà AI yêu cầu Việt Nam phải thả vô điều kiện thì thấy, chúng đều là các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, hoạt động chống phá chính quyền, gây mất an ninh trật tự, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, đi ngược lại lợi ích của xã hội. Điều này cho thấy AI thực chất chỉ là tổ chức tiếp tay, cổ súy cho các đối tượng chống lại nhà nước Việt Nam mà thôi.
Đã từ lâu, dư luận thế giới đã nhận rõ bản chất bẩn tưởi của AI. Tổ chức này luôn nhúng tay vào nhiều sự kiện, vấn đề thời sự quốc tế qua đánh giá thiếu trung thực, một chiều, phiến diện, mơ hồ, chủ yếu dựa theo thông tin do thế lực chống đối ở các quốc gia cung cấp.
Theo Giáo sư Luật học F. Boyle, một người đã nhiều năm là thành viên ban lãnh đạo của AI tại Mỹ thì, AI hoạt động chủ yếu là tuyên truyền”; “trước tiên tuyên truyền cho quyền lợi riêng của họ, sau đó vì tiền quyên góp và tìm kiếm người gia nhập với tư cách là thành viên tổ chức”. Kết luận của F.Boyle và các dẫn chứng nêu trên cho thấy bản chất xấu xa, hành vi đen tối của AI. Một tổ chức như vậy không thể nhân danh bất cứ giá trị nhân văn nào để phê phán các quốc gia khác và cũng không có tư cách gì để yêu cầu, đòi hỏi một quốc gia có chủ quyền như Việt Nam phải làm theo những đòi hỏi phi lý của họ.
Thiết nghĩ, AI nên biết thân phận mình là ai và biết thế nào là pháp luật.
Tin cùng chuyên mục:
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Từ Đại biểu Quốc hội đến vòng lao lý
Luật sư Phan Hòa Nhựt đối mặt với đề nghị truy tố và mức án tối đa 15 năm tù
Việt Nam – Cột mốc quan trọng trên bản đồ đa phương toàn cầu
Hà Nội: Những chính sách nhân văn hướng đến người có công