Từ chiến thắng của U23 Việt Nam nhìn lại vai trò Người Thầy trong giáo dục

Người xem: 265

Từ chiến thắng của U23 Việt Nam nhìn lại vai trò Người Thầy trong giáo dục
 
Chúng ta thường dùng nhiều từ để nói về huấn luyện viên đội tuyển bóng đá: nhạc trưởng, nhà cầm quân, người thầy. Có huấn luyện viên còn được gọi là phù thuỷ như huấn luyện viên người Đức Otto Pfitster.
 
Trong niềm vui với kỳ tích của bóng đá Việt Nam, thầy Phạm Phúc Thịnh đã liên tưởng tới Người Thầy trong giáo dục và một chút với Dự thảo chương trình các môn học vừa được Bộ GD&ĐT công bố ngày 19/1/2018.
 
Có lẽ đêm hôm qua là một đêm thật sung sướng đối với những người yêu thích bóng đá Việt Nam.
 
Trận đấu VNE – IRK có thể coi là một trận đấu không dành cho những người có bệnh về tim mạch và huyết áp. Diễn biến của trận đấu lúc thì đưa người xem lên đỉnh cao của sự hy vọng, khi lại nhấn chìm người hâm mộ xuống tận đáy của tuyệt vọng, luôn có những khúc ngoặc bất ngờ tạo cảm giác mạnh như những bộ film hành động Hollywood?! 
 
Người Thầy tài ba Park Hang-seo của Đội tuyển U23 Việt Nam
 
Người hay nhất của đội tuyển Việt Nam trong suốt những trận đấu vòng bảng và trận tứ kết đêm qua, hiển nhiên là HLV Park Hang-seo. Một người thầy đã thổi được sự tự tin vào từng cầu thủ U23, giúp cho các bạn ấy phát huy đến mức tối đa năng lực bản thân trong từng trận đấu.
 
Cũng những con người ấy – nhưng so với thời điểm cách đây 7 tháng về trước – đã không còn hình ảnh bạc nhược, cóng chân, “tử thủ” khi gặp đội trên cơ, hoảng hốt bấn loạn khi bị dẫn bàn trước như ở những trận với Thailand; Indonesia, … mà đã bình tĩnh, tự tin dám phát huy năng lực bản thân trong những tình huống khó khăn nhất.
 
Từ những thành công của đội tuyển U23 Việt Nam, nhìn về giáo dục, mới thấy vai trò của người thầy trong việc giáo dục đào tạo như thế nào?
 
Hiện nay, có khá nhiều “nhà giáo dục” coi nhẹ vai trò của người thầy trong việc giúp học sinh lĩnh hội tri thức, những “nhà giáo dục” đó cho rằng học sinh bây giờ có thể tự học qua mạng Internet; qua các nguồn kiến thức dư tràn trong thời đại công nghệ 4.0 này. Vai trò của người thầy có những lúc bị xem nhẹ và thậm chị bị khinh rẻ.
 
Tất nhiên – người thầy phải có năng lực đúng chữ THẦY – năng lực được rèn qua thực tế, qua sự tiếp cận với những tri thức hiện đại. Quan trọng hơn cả, người thầy phải có được bản sắc riêng, có quan điểm giáo dục đào tạo riêng và dám sống hết mình vì quan điểm đó và không bị lệ thuộc vào việc “chỉ đạo thành tích” của ai đó.
 
Cựu huấn luyện viên Hữu Thắng không phải là không giỏi, nhưng anh ấy không có được cá tính riêng trong huấn luyện và phải tuân thủ “sự chỉ đạo” để có thành tích, vì vậy anh ấy đã thất bại.
 
Mourinho, Guardiola, Park Hang-seo … đều có những cá tính riêng, cách thể hiện riêng, thậm chí có cả giáo án riêng vì vậy họ thành công.
 
Người thầy trong giáo dục có được điều đó không? Khi họ còn bị ràng buộc bởi những chỉ tiêu về tỷ lệ phần trăm học sinh giỏi – khá; tỷ lệ phần trăm tiết dạy tốt, phong trào thi đua hai tốt, chuẩn quốc gia v.v. … và vì thế rất hiếm có những người thầy có dấu ấn riêng mà hầu như đều được “nhân bản hoàng loạt” từ những hội thi phong trào của ngành GD&ĐT.
 
Trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới nhìn tổng thể có vẻ lạ với những môn học có tên mới và rất kêu. Những bằng cảm nhận bản thân, khả năng lớn chương trình này sẽ tạo ra một thế hệ Robot mới với thói quen thực hiện theo lập trình có sẵn, chứ khả năng sáng tạo e rằng khó nếu như không có những người thầy nắm vững kiến thức bộ môn và phương pháp dạy học tốt.
 
Nhìn vào chương trình mới – đặc biệt là môn Toán, Vật lý – có vẻ như sự đổi mới nằm ở chỗ lấy kiến thức ở lớp trên chuyển xuống lớp dưới. Và như thế, phong trào “toàn dân tham gia học thêm” có khả năng sẽ phát triển mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa so với hiện nay.
 
Chương trình dù hay đến đâu mà không có những người thầy tốt thì cũng sẽ thất bại.
 
Bởi vậy suy nghĩ đầu tư vào người thầy từ đời sống, vị thế đến bồi dưỡng trình độ là khâu quyết định cho thành công của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
 
Chắc hẳn cần suy nghĩ nhiều đến câu đúc kết kinh nghiệm từ ông cha ta: “Không thầy đố mày làm nên” từ thực tiễn chiến thắng vừa qua của U23 Việt Nam để có cái nhìn thấu suốt vai trò người thầy trong nền giáo dục hiện đại!
 
Phạm Phúc Thịnh 
Hiệu trưởng hệ thống trường Việt Mỹ (VAschools) tại TP HCM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *