Bàn chuyện CSGT phạt nguội qua Camera

Người xem: 220

LâmTrực@
Sáng đọc bài “Camera sẽ thay CSGT bắt lỗi vi phạm” của chị Lê Thoa đăng trên tờ Pháp Luật, thấy dù hay nhưng vẫn có gì đó chưa ổn.
 

Bài báo cho biết, tới đây TP.HCM sẽ áp dụng rộng rãi việc xử phạt qua camera (còn gọi là phạt nguội, phạt qua hình ảnh), hạn chế việc CSGT đứng ngoài đường xử lý người vi phạm như lâu nay.

Phạt nguội không phải là cách phạt mới, nó là hình thức phạt được áp dụng phổ biến trên thế giới thông qua việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào giao thông. Ở Việt Nam, hình thức này cũng đã được áp dụng ở quy mô nhỏ lẻ từ lâu, và nay TP HCM quyết định ứng dụng rộng rãi.
 
Phạt nguội có ưu điểm gì?
 
1. Giúp CSGT tránh đối đầu trực tiếp với người vi phạm (như cách CA TP HCM giải thích). 
 
Thực tế, khi xảy ra vụ việc CSGT dừng phương tiện, người vi phạm thường luôn cãi, xin bỏ qua hoặc móc túi hối lộ để được bỏ qua. Khi không được CSGT chấp nhận, họ quay sang gọi điện thoại cầu cứu ai đó và nếu không được, họ cù nhầy bằng cách cãi cùn, quay video, gây sự, thậm chí đe dọa với mục đích làm cho lực lượng CSGT bị ức chế mà có lời nói, hoặc hành động lệch chuẩn, qua đó lăng mạ, chửi bới lực lượng công an, và xa hơn nữa là bôi nhọ chế độ. 
 
Với cách phạt này, người vi phạm mặc nhiên không có điều kiện làm những việc như vậy.
 
Nói thêm, từ “đối đầu” mà bài báo sử dụng là chính xác. CSGT bị ghét vì khi thực hiện nhiệm vụ, nếu làm đúng thì người vi phạm buộc phải móc hầu bao nộp phạt và khi lợi ích bị ảnh hưởng, đương nhiên họ ghét. Bị phạt nguội, người vi phạm không thể ghét hay oán trách phương tiện kỹ thuật mà chỉ trách chính mình.
 
2. Phạt nguội làm giảm những tiêu cực của lực lượng CSGT khi thực thi nhiệm vụ. 
 
Như trên đã nói, khi bị phạt, người vi phạm có thể sẽ lựa chọn cách móc túi hối lộ CSGT để được bỏ qua, trong trường hợp này, cả người vi phạm và CSGT đều sai. Xét một cách khách quan, đại đa số việc hối lộ là do người vi phạm chủ động tiến hành, và đôi khi do chính CSGT gợi ý, vòi vĩnh. Điều kiện để việc hối lộ có thể xảy ra là do người vi phạm và CSGT trực tiếp gặp gỡ nhau trên đường giao thông. Khi điều kiện này bị tước bỏ thì việc đưa và nhận hối lộ sẽ không được thực hiện. 
 
Cũng cần nói thêm, các camera được lắp đặt, hoạt động suốt ngày đêm sẽ giúp chỉ huy giám sát các chiến sĩ CSGT về mọi mặt, từ tư thế, tác phong, quy trình công tác đến việc hoàn thiện nhân cách.
 
Dưới góc nhìn này, hình thức phạt nguội đã góp phần thay đổi tư duy của cả người vi phạm lẫn CSGT. Đặc biệt, nó giúp cho CSGT không có điều kiện để nhận hối lộ từ người vi phạm.
 
3. Việc lắp đặt camera giám sát sẽ giúp lực lượng công an có khả năng ứng phó kịp thời với các sự cố giao thông, các vụ tai nạn xảy ra trên thực tế, qua đó tổ chức, điều hành lực lượng xử lý. Đặc biệt là khi CSGT bị người vi phạm bất hợp tác hoặc tấn công.
 
4. Với hình ảnh được trích xuất từ các camera giám sát, tôi tin, số lượng người bị phạt sẽ tăng lên gấp nhiều lần và tạo ra sự công bằng, bình đẳng trong chấp hành luật an toàn giao thông đường bộ.
 
Ai đã tham gia giao thông đều thấy trên thực tế, số lượng người vi phạm giao thông là cực nhiều, đặc biệt là xe máy, từ lỗi lấn làn, thiếu gương chiếu hậu, không bật xi nhan khi chuyển hướng, cho đến lỗi vượt đèn đỏ, chở quá tải….nhưng lực lượng CSGT thì lại quá ít và vì vậy, chỉ một số người “không may” mới bị phạt (đôi khi CSGT chỉ chú ý đến lỗi của một số phương tiện nhất định mà bỏ qua các phương tiện khác). Như vậy, số lượng người bị phạt là rất ít so với số người vi phạm trên thực tế.
 
Rẽ ngang một chút để nói về camera giao thông nước Mỹ. Người Mỹ nói, ra đường sợ nhất camera giao thông. Chạy quá tốc độ phat 92 USD đến 200 USD, tuỳ theo tỷ lệ. Vượt đèn đỏ 75 USD. 
 

Nói về số tiền phạt, riêng Washinton DC, có gần 100 camera đèn đỏ và tốc độ mai phục khắp nơi trong thành phố đóng góp hơn một nửa trong tổng số 180 triệu USD tiền phạt vi phạm giao thông, tương đương hơn 3.600 tỷ tiền Việt, mà chính quyền DC thu được trong năm tài khoá 2012. Thú vị là ở Mỹ có 1 chiếc camera tốc độ “sát thủ” như hình trên tại đại lộ New York: thu về 6,5 triệu USD trong năm tài khóa 2012. Các bạn có thể đọc thêm tại đây.

 
http://tintuctrel.tamnghiathemes.com/2015/08/chuyen-giao-thong-nuoc-my-la-ma-khong-ky.html
 
Quan điểm của nhà chức trách Mỹ là đánh mạnh vào túi tiền sẽ làm thay đổi tư duy người dân khi tham gia giao thông. Không chỉ có nộp tiền, người vi phạm sẽ bị đánh dấu vào hồ sơ lái xe, chả khác gì tiền sự. Các công ty bảo hiểm cứ căn cứ vào hồ sơ xe mà tính tiền. Càng nhiều lỗi thì chứng tỏ khả năng gây tai nạn càng cao, tiền mua bảo hiểm cứ thế mà leo thang. 
 
Trở lại vấn đề, thực tế ở nước ta, cùng vi phạm luật giao thông, nhưng có người bị phạt và có người không bị phạt. Thực trạng này đã tạo ra tình trạng mất bình đẳng, thiếu công bằng khi tham gia giao thông. Với cách làm này, sẽ khắc phục được tình trạng trên và sẽ làm tăng ngân sách từ nguồn phạt lên hàng chục lần hoặc hơn.
 
5. Việc xử phạt bằng cách trích xuất hình ảnh từ những chiếc camera vô cảm và chăm chỉ sẽ làm thay đổi ý thức tham gia giao thông nói riêng và ý thức chấp hành pháp luật nói chung của người dân.
 
Khi hệ thống camera giám sát được trang bị khắp nói, người dân tham gia giao thông sẽ phải tự điều chỉnh thái độ và hành vi của mình khi điều khiển phương tiện và ngay cả khi đi bộ, bởi hệ thống camera sẽ xác lập chuẩn hành vi vi phạm. Họ không thể hối lộ, không thể cãi, không có điều kiện cù nhầy hoặc tấn công lại lực lượng CSGT.
 
Từ việc luôn ý thức rằng mình có thể bị phạt nếu không chấp hành luật giao thông, hoặc từ bài học bị phạt khi phạm lỗi, người dân sẽ ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật ngay cả ở các lĩnh vực khác.
 
Phạt nguội có phải là tối ưu?
 
Phạt nguội chỉ là một trong số các hình thức phạt được áp dụng với những người vi phạm luật giao thông. Mỗi hình thức phạt đều có những ưu điểm và hạn chế riêng, và hình thức phạt nguội qua camera cũng có hạn chế nhất định.
 
1. Tốn kém
 
Để có thể giám sát được toàn bộ một thành phố, hiển nhiên việc chi phí ban đầu là rất tốn kém và đây là bài toán khó giải nếu chỉ phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.
 
Tuy nhiên, mạnh dạn đầu tư thì kết quả mang lại sẽ vô cùng bất ngờ. Mời xem thêm bài này hoặc bài này để thấy camera giao thông ở Mỹ hiệu quả đến bất ngờ.
 
http://tintuctrel.tamnghiathemes.com/2015/08/chuyen-giao-thong-nuoc-my-la-ma-chang.html
 
2. Chỉ phạt nguội sẽ không có người hướng dẫn giao thông.
 
Không chỉ có tuần tra kiểm soát, bảo đảm an toàn giao thông, xử phạt, hay bảo vệ hiện trường vụ tai nạn,…lực lượng CSGT còn có chức năng cực kỳ quan trọng là hướng dẫn người tham gia giao thông chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về giao thông đường bộ. Có vẻ như CSGT ở ta, quá chú tâm vào việc xử phạt các lỗi vi phạm mà “quên đi” việc hướng dẫn người dân chấp hành luật. Điều này làm người dân không đồng tình.
 
Như vậy, nếu CSGT ít ra đường, người dân sẽ gặp khó vì thiếu người hướng dẫn, điều tiết giao thông. Và rất có thể, CSGT dù có hình ảnh chứng minh vi phạm, nhưng không thể phạt trong trường hợp “cả làng” cùng vi phạm.
 
Còn nữa…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *