ĐSQ Việt Nam tại Nhật trả lời công luận vụ chị Kim Nhung

Người xem: 127

Ong Bắp Cày

Trên mạng xã hội xuất hiện bài đăng và clip của tài khoản Facebook Nhung Kim phản ánh tình trạng “gây khó dễ cho công dân” và đề cập đến vấn đề “làm tiền” của cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản. Do đây là một vấn đề quan trọng, liên quan đến danh dự, nhân phẩm của cán bộ Ngoại giao và hình ảnh quốc gia, nhằm làm rõ dư luận, Tre Làng Blog xin đăng lại nguyên văn phản ánh của chị Kim Nhung trên trang cá nhân và phản hồi của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

1. Phần phản ánh của chị Kim Nhung (kèm đường dẫn Nhung Kim ngay bên dưới):

“Sống ở Nhật hơn 20 năm, điều mình kinh sợ nhất là lên Đại sứ quán Việt Nam! Mỗi lần đi về là mình ốm hàng tuần, vì phải đối mặt với bộ máy hành chính cồng kềnh mà các anh mang từ Việt Nam sang. Sau 4 lần đổi tàu, mất hàng tiếng đồng hồ mới đến nơi, các anh ấy không cần đọc hồ sơ, phán một câu xanh rờn: ‘Giấy ủy quyền như này không ký được!’ (giấy ủy quyền của công chứng nhà nước Việt Nam, có dấu đỏ). Anh ấy không chấp nhận và yêu cầu mình về làm lại giấy theo hướng dẫn của Đại sứ quán. Vài ngày sau mình lên lại, anh yêu cầu phải có mặt con trai để ký trước mặt anh. Nếu cháu đến ký thì cần gì phải ủy quyền cho mẹ đi đóng dấu hộ? Lệ phí thì thu vô giới hạn. Hộ chiếu Việt Nam giá 200.000 VNĐ (1.000 yên Nhật), nhưng các anh cứ điềm nhiên thu 15.000-20.000 yên (khoảng 3-4 triệu VNĐ). Các lệ phí khác trên mạng ghi rõ 5-10 USD, nhưng các anh cứ vô tư thu 5-10.000 yên. Phiếu thu thì không có dấu và viết tắt, không ai đọc được. Rất bức xúc! Hôm nay mình lớn tiếng đòi lại công lý. Cảm ơn bạn bè đã đọc và mong mọi người chia sẻ để bài trừ những kẻ làm ô uế nền văn hóa 4.000 năm của Việt Nam!”

2. Phần trả lời của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản:

Liên quan đến bài đăng của chị Kim Nhung trên trang cá nhân Facebook (tài khoản Nhung Kim) và được một số trang mạng chia sẻ, phản ánh việc Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản gây khó khăn trong thủ tục lãnh sự và thu phí cao hơn quy định, ông Hoàng Minh Thắng, Bí thư thứ nhất, Trưởng phòng Lãnh sự của Đại sứ quán, cho biết:

1. Vụ việc cụ thể của chị Kim Nhung:

Chị Kim Nhung có chung quyền sở hữu một mảnh đất với anh trai tại Việt Nam và đã đến Đại sứ quán yêu cầu chứng nhận chữ ký vào hợp đồng ủy quyền cho anh trai ở Việt Nam bán mảnh đất.

Cán bộ Lãnh sự của Đại sứ quán đã hướng dẫn: theo quy định, Đại sứ quán không có thẩm quyền chứng nhận chữ ký liên quan đến chuyển nhượng bất động sản; đương sự phải trực tiếp về Việt Nam để ký vào giấy tờ. Trong trường hợp không về Việt Nam được, chị có thể làm giấy từ chối nhận di sản thừa kế (theo mẫu đã in sẵn), khi đó Đại sứ quán có thể chứng nhận chữ ký. Cán bộ cũng khuyên chị nên đọc kỹ hướng dẫn tại Phòng tiếp dân của Đại sứ quán hoặc trên website của Đại sứ quán để làm đúng thủ tục.

Vào 9h30 ngày 15/06/2017, chị Nhung quay lại Đại sứ quán và trình bày rằng chị đã về Việt Nam để làm thủ tục, nhưng các cơ quan trong nước yêu cầu các con chị phải ký vào giấy từ chối nhận di sản do tên các cháu có trong hộ khẩu của người anh. Chị giải thích các cháu bận học, không thể lên Đại sứ quán cùng chị, và đề nghị chứng nhận chữ ký của các con.

Cán bộ Lãnh sự đã giải thích rằng, theo Luật công chứng, người ký văn bản phải có mặt trực tiếp để ký. Nếu không thể, các cháu có thể đến phòng công chứng tại Nhật Bản để công chứng chữ ký, sau đó Đại sứ quán mới có thể hợp pháp hóa lãnh sự.

Chị Nhung nhiều lần thừa nhận Đại sứ quán hướng dẫn đúng, nhưng mong Đại sứ quán linh động giải quyết. Sau khi cán bộ giải thích không thể làm trái quy định, chị Nhung lớn tiếng, đập bàn, và đứng chắn cửa, không cho tiếp nhận hồ sơ của khách sau. Chỉ khi cán bộ Lãnh sự yêu cầu chị giữ trật tự và cảnh báo có thể mời người làm chứng hoặc cảnh sát, chị mới rời phòng tiếp dân.

2. Trong quá trình giải quyết, cán bộ Lãnh sự luôn giữ thái độ đúng mực, kiên trì giải thích quy định pháp luật và đề nghị chị Nhung nghiên cứu hướng dẫn trên website để tránh mất thời gian đi lại. Chị Nhung cho biết mình không sử dụng mạng Internet nên không đọc được hướng dẫn.

3. Về phí lãnh sự, việc chị Nhung phản ánh thu phí quá quy định là không chính xác. Thực tế, cán bộ Lãnh sự vẫn chưa thu bất kỳ lệ phí nào của chị Nhung. Toàn bộ thủ tục lãnh sự, bao gồm biểu mức thu phí, đều được công khai trên website và tại Phòng tiếp dân của Đại sứ quán.

4. Trên tinh thần cầu thị, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản luôn sẵn sàng lắng nghe và ghi nhận mọi ý kiến đóng góp mang tính xây dựng từ cộng đồng để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *