Đất Tổ – Cội nguồn thiêng sâu thẳm

Người xem: 202

Đất ấy, trong tâm thức của bao người con đất Việt, là cội nguồn thiêng của dân tộc với nhiều truyền thuyết về thủa Hùng Vương dựng nước vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay.

Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non mãi nước non nhà ngàn năm.

Câu ca mộc mạc và bình dị ấy cứ vang mãi, vừa là gợi nhắc, vừa như lời thì thầm nhắn nhủ với muôn triệu con Lạc, cháu Hồng về nguồn cội Tổ tông về máu thịt quê hương mà ẩn trong đó là niềm tự hào của dân tộc Việt mang dáng hình đất nước; Là truyền thống của ông cha được trao truyền và bồi tụ để nuôi dưỡng ta, cho ta thêm sức mạnh và nâng bước ta trưởng thành. 

Hôm nay, vẫn mang trong mình tâm thức ấy, tôi và muôn triệu người con nước Việt lại có thêm niềm tự hào khi “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, và càng thấy trân trọng hơn nguồn cội ông cha.

Nguồn cội ấy, tín ngưỡng ấy đã không còn bó hẹp trong nét đẹp văn hóa tâm linh người Việt mà đã vượt ra ngoài ranh giới cùa quốc gia lãnh thổ, đại diện cho cả nhân loại trên thế giới này.

Sống và làm việc xa quê nhưng trong tim luôn khắc nhớ hình bóng quê hương, hình bóng Tiên Rồng. Trong câu hát của bà, trong lời ru của mẹ, trong bài học vỡ lòng tôi được học vẫn vẹn nguyên dấu tích giống nòi.

Không chỉ tôi mà cũng như bao người con của mảnh đất miền trung du ấy đều rất đỗi tự hào vì có may mắn được sinh ra và lớn lên trên chính quê cha đất Tổ vua Hùng.

Bàn chân tiếp đất, bàn tay sờ nắn, rồi hít hà thật sâu hơi thở của quê hương là tôi biết mình đã chạm đất linh thiêng. Để rồi gom nhặt lại những yêu thương dồn nén, mảnh đất này đâu chỉ có Cha, có Mẹ mà ở đó còn là hồn thiêng sông núi ngàn năm hội tụ. 

Phú Thọ quê tôi đó, vùng đất Trung du – nơi có những vạt chè xanh mướt bao quanh những quả đồi hình bát úp, có màu xanh của những tán cọ xòe ô vươn ra hứng mưa và đón nắng.

Đất ấy, trong tâm thức của bao người con đất Việt còn là cội nguồn thiêng của dân tộc với nhiều truyền thuyết về thủa Hùng Vương dựng nước vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay.

Và điểm nhấn trung tâm là Khu di tích lịch sử Đền Hùng thuộc làng Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ – một Di tích Quốc gia đặc biệt mà mỗi người con nước Việt khi nhắc đến, vẫn luôn coi đó là niềm tự hào cho hồn thiêng sông núi, cho tinh hoa và giống nòi, biểu tượng của khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

Đọng trong ký ức của tôi thủa ấy, cứ mỗi độ Xuân sang hoặc tháng Ba về là anh em tôi lại được bố mẹ dẫn lên Đền Hùng thắp nén nhang tưởng nhớ ân đức của Tiên Tổ, rồi kể cho chúng tôi nghe về các sự tích của thủa Hùng Vương dựng nước.

Thế rồi, nguồn cội con Lạc, cháu Hồng cứ theo tôi ngấm dần như thế và truyền thống của ông cha đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi lớn lên trong bao khát vọng đẹp tươi.

Tôi còn nhớ cứ mỗi độ vào đầu tháng ba âm lịch hàng năm, gần đến ngày giỗ Tổ Hùng Vương lại có cơn mưa rất to đổ xuống khu di tích và các vùng lân cận quanh đó trước và sau lễ hội chính của Đền Hùng, dân gian vẫn gọi đó là mưa rửa đền. Cơn mưa đó thường rất lớn và đổ xuống trong một khoảng thời gian ngắn, sau đó tạnh ngay.

Nếu có mưa vào ban ngày thì sau cơn mưa đó, mọi vật như bừng sáng hơn, bầu trời trong và xanh thăm thẳm, những tia nắng chiếu rọi khắp nơi như điểm tô cho từng mái nhà, hàng cây như được mặc một tấm áo mới sạch sẽ và mát lành.

Còn cơn mưa xuất hiện vào buổi đêm thì sáng hôm sau khi tỉnh dậy, mọi nơi từ sân vườn đến đường làng, ngõ xóm đều sạch sẽ như có bàn tay ai đã cần mẫn quét dọn suốt đêm qua.

Anh em tôi ngày còn bé thường rất háo hức mong chờ đến dịp có mưa rửa đền, phần vì sẽ được nghịch nước, phần vì được thấy cảnh vật quanh nhà mình như đẹp hơn và một điều vô cùng thích thú là lại sắp được bố mẹ cho lên đền Hùng.

Những cảm nhận thủa xưa bé và cả sự háo hức ấy đã theo tôi suốt những năm tuổi ấu thơ cũng như vẫn vẹn nguyên và tươi mới cho đến tận hôm nay.

Lễ hội năm nào cũng vậy, trong tâm trí tôi thủa đó, thì lễ hội Đền Hùng to lắm, khắp khu di tích suốt từ cổng đền vào đến chân đền, hay ở các đền, chùa, lăng tẩm trên núi thiêng Nghĩa Lĩnh đâu đâu cũng thấy sự nô nức và vui nhộn;

Những gương mặt rạng ngời của cháu con Lạc Hồng khắp nơi nơi tụ về đây chảy hội và kính cáo với Tổ Tiên về những thành tựu đã đạt được cũng như đề đạt nguyện vọng của bản thân mình, cầu mong Tiên tổ phù trì cho được thuận lợi may mắn.

Đó còn là những đoàn xe ô tô nối đuôi nhau thành hàng dài. Hay những gian hàng bầy bán rất nhiều những chiếc khánh có ảnh Lăng vua Hùng và dòng chữ “Vua Hùng ban phúc” với đủ các kích cỡ phù hợp với mọi lứa tuổi, rồi vô số các đồ chơi cho con trẻ.

Mỗi lần đi Đền Hùng, chúng tôi vẫn thường được bố mẹ mua cho mỗi anh em tôi một chiếc khánh để đeo vào cổ lấy may và đôi ba phong bánh làm từ bột củ mài, vài con quay là quả Trò chỉ được chính những người dân ở quanh đây lượm nhặt từ những cây Trò hàng trăm tuổi mọc trong Khu di tích …

Lễ hội Đền Hùng trong những năm trở lại đây được tổ chức rộng rãi trên khắp cả nước với quy mô hoành tráng hơn trước rất nhiều lần và trở thành ngày hội văn hóa tâm linh của toàn dân tộc.

Và kể từ sau khi “ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” vào cuối năm 2012 thì nơi đây – Cội nguồn thiêng đất Tổ vua Hùng lại càng trở nên đặc biệt hơn nữa trong tâm thức của mỗi người con đất Việt. 

Năm nào cũng vậy, cứ vào đúng dịp lễ hội, trên quê hương đất Tổ lại tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, văn hóa dân gian truyền thống, các trò diễn dân gian truyền thống cổ xưa như: Nấu cơm thi, thi gói bánh chưng, giã bánh giày, trò trình diễn nghề… hoạt động thể thao, tổ chức triển lãm, hội chợ và các hoạt động du lịch “Về với cội nguồn Đất Tổ”.

Cũng trong lễ hội, con cháu Lạc Hồng ở khắp muôn nơi khi tụ hội về đây lại được đắm mình trong các làn điệu hát Xoan, hát Ghẹo – đây là vốn quý văn nghệ dân gian lâu đời của tỉnh Phú Thọ, nằm trong kho tàng văn học dân gian giàu có của Việt Nam.

Trong đó, hát Xoan đã được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2011 và thưởng thức những thực quà đi nhớ về thương của đất Tổ quê cha.

Lớn thêm một chút, tôi đã có thể tự đi đạp xe một mình hoặc cùng với chúng bạn cùng lớp đạp xe lên Đền Hùng vào những ngày đầu xuân hay những ngày diễn ra lễ hội.

Với khoảng cách gần bảy cây số từ nhà tôi lên đến cổng Đền Hùng ngày đó sao mà cảm thấy xa vậy nhưng không bao giờ thấy mệt, chúng tôi có thể đạp xe lên đến đền, vượt qua các bậc đá để lên các đền, chùa, lăng tẩm ở núi Nghĩa Lĩnh rồi lại về nhà chỉ trong một buổi sáng.

Song thú vị hơn cả là mỗi lần Đền Hùng vào những ngày đầu Xuân năm mới luôn mang lại cho tôi một sự thư thái trong tâm hồn.

Nhẹ bước chân trên từng bậc đá dẫn lên đền trong tiết trời mùa Xuân đang ùa về đánh đấu bằng những mầm non xanh biếc đang nhú đầu cành, của những lá tươi non đang rung rinh trong nắng sớm như vẫy chào du khách, xen lẫn hương thơm ngát đang lan tỏa khắp ngọn núi thiêng Nghĩa Lĩnh, lại thấy văng vẳng những tiếng chuông trên chùa Thiên Quang đang ngân nga trong gió xuân. 

Ngày trước, trong quần thể của Khu di tích lịch sử Đền Hùng chỉ có đền Hạ, đền Trung, chùa Thiên Quang, đền Thượng, lăng Hùng Vương và đền Giếng tọa lạc trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh hay còn gọi là núi Hùng cao 175 m so với mực nước biển.

Cho đến năm 2001 để tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và quy tụ những giá trị văn hóa tâm linh về nơi đất thiêng Đền Hùng, Nhà nước đã đầu tư xây dựng đền thờ Quốc Mẫu Âu cơ “mẹ Tiên” trên đỉnh của núi Vặn nằm trong hệ thống “Tam sơn cấm địa” là núi Hùng, núi Vặn và núi Trọc. 

Đến năm 2007, nhà nước tiếp tục đầu tư xây dựng đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân “ cha Rồng” được xây dựng trên núi Sim nằm cách núi Nghĩa Lĩnh khoảng 1km về phía Nam. 

Vượt qua 495 bậc đá nâng bước ta lên tới Đền Thượng thắp nén nhang thơm, thành kính trước tiên Tổ, xin Tiên Tổ chở che cho con cháu Lạc Hồng phù trì cho Quốc thái dân an, cho nhân khang, vật thịnh, mùa màng tươi tốt.

Đứng ở đây, trên đỉnh cao nhất của núi Nghĩa Lĩnh – dân gian vẫn thường bảo đó là vị trí đầu Rồng đang hướng về phía trước, vào những ngày trời quang mây ta có thể phóng tầm mắt bao quát cả một vùng rộng lớn đẹp tựa như một bức trang sơn thủy hữu tình.

Ngã ba Hạc nhìn từ vệ tinh

Phía trước là Ngã ba Hạc – điểm hợp lưu của ba con sông lớn là sông Hồng, sông Lô và sông Đà đang hòa quện vào nhau êm đềm chảy về xuôi mang theo bao hạt phù sa dinh dưỡng bồi đắp cho vùng đồng bằng châu thổ, nhìn sang phía Đông là dãy Tam Đảo trùng điệp giăng mắc những áng mây lững lờ trôi trên nền trời xanh thẳm, hướng sang phía Nam thấy cả dãy Ba Vì sừng sững cao ngất tầng không. 

Thu tầm nhìn gần lại, ta thấy cả mạch đập sôi động của Việt Trì – Thành phố ngã ba sông hôm nay đang hòa cùng sự phát triển của đất nước và thời đại.

Nơi ấy – Thành phố công nghiệp đầu tiên của miền Bắc nhắc ta nhớ tới hình ảnh khói vờn trong mây, vốn được ôm ấp bởi hai dải lụa xanh, hồng khổng lồ nhưng mềm mại vô cùng, vừa điểm tô thêm cho vẻ đẹp của Việt Trì nhưng cũng vừa như là dải phân định ranh giới tự nhiên mà thiên tạo đã khéo vẽ nên trên vùng đất của Cố đô Văn Lang. Trong đó, dải màu xanh nằm ở phía bên trái là sông Lô, dải màu hồng nằm ở phía bên phải là sông Hồng.

Việt Trì hôm nay đang ngày một khang trang và hiện đại hơn với hai trục Đại lộ chính mang tên Hùng Vương và Nguyễn Tất Thành chạy dọc xương sống của thành phố tạo nên những kết nối liên hoàn.

Quảng trường Hùng Vương nhìn từ trên cao

Đó còn là những toà nhà cao tầng, những khu đô thị mới đang dần mọc lên mang lại những điểm nhấn trong bức tranh phát triển ấy, song vẫn tạo được nét hài hòa trong tổng thể của không gian một Thành phố Lễ hội về cội nguồn dân tộc. 

Một góc Công viên Văn Lang

Và hôm nay, chúng tôi – một thế hệ nữa của vùng đất Tổ đã và đang trưởng thành, đang tham gia công tác trên nhiều lĩnh vực ở khắp mọi miền của Tổ quốc thân yêu vẫn luôn hướng về cội nguồn của dân tộc, về ngày giỗ Tổ Hùng Vương vào mỗi độ tháng ba âm lịch bằng tất cả tấm lòng thành kính của mình. 

Trần Anh Tuấn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *