Sáng nay một ông bạn học cùng lớp Ngữ văn Khóa 8 Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1963-1967) với tôi nhắn tin rồi gọi điện hỏi tôi đã đọc bài “Ba con gà mái và tổng bí thư” của Người buôn gió (Bùi Thanh Hiếu) chưa, nếu chưa thì hãy vào Facebook (Fb) của ông ấy đọc nhé! Tôi hỏi có chuyện gì mà ông lại bảo tôi đọc bài này? Ông bạn nói là Người buôn gió có nhắc đến tên tôi, vì thế tôi đã vào Fb của Người buôn gió để đọc bài này.
Trước hết phải nói rằng tôi không quen biết Bùi Thanh Hiếu tức Người buôn gió nhưng đã đọc nhiều bài viết của nhiều người về ông ấy và nhiều bài của ông ấy trên internet, kể cả một loạt mười mấy bài ông ấy viết xung quanh vụ Trịnh Xuân Thanh chạy trốn đã được nhiều blog và fb của nhiều người ở trong nước và ngoài nước “khoái trí” đăng lại. Tôi biết trong loạt bài viết ấy (và cả trong nhiều bài viết khác của ông) Bùi Thanh Hiếu đã bịa đặt ra rất nhiều chuyện cũng như trong bài viết này. Vì thế tôi phải viết vài dòng này gửi Bùi Thanh Hiếu nhân đọc bài viết “Ba con gà mái và tổng bí thư” của ông, tuy biết rằng trong bài này ông có nhắc đến tôi với sự quý trọng nào đó.
Trước hết, đúng như ông viết, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng học cùng lớp với tôi và nhiều bạn bè khác trong lớp Ngữ văn Khóa 8, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1963-1967) và trong hai năm học cuối lớp chúng tôi có sơ tán lên xã Tràng Dương, huyện Đại từ, tỉnh Thái Nguyên. Trong không khí sôi sục “chống Mỹ cứu nước” ngày ấy, đang học năm thứ tư, tháng 11-1966 hơn 30 anh chị em trong lớp tôi đã xung phong lên đường ra mặt trận. Phần lớn chúng tôi được đón về Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), Báo ảnh Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng cục Thông tin…, được đào tạo nghiệp vụ để trở thành phóng viên chiến trường, sau đó nhiều người đã xung phong vào chiến trường miền Nam, trong đó có tôi. Ông Bùi Thanh Hiếu dễ kém chúng tôi đến chục tuổi, không học cùng chúng tôi, nên những thông tin ông viết về lớp chúng tôi, nhất là về Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là hoàn toàn bịa đặt, không có điều nào đúng sự thật cả.Tất cả bạn bè cùng lớp với tôi đều biết tôi tuy là học sinh giỏi, từng đỗ giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi văn của học sinh giỏi Hà Nội, nhưng vì nghịch ngợm, hạnh kiểm chỉ được điểm 4 nên mãi đến năm thứ ba đại học, trước khi ra trường, tôi mới được kết nạp vào Đoàn. Trong khi đó Nguyễn Phú Trọng đã là đoàn viên, lại học khác tổ, khác bộ môn, ở khác nhà với tôi, lại không phải là bạn thân của tôi thì làm sao lại có chuyện: “Nhiều sinh viên khoa văn tổng hợp phải điều vào chiến trường. Nghe tin ấy bà mẹ Đông Hội hốt hoảng, bà liền lên thăm con trai mang theo 20 quả trứng gà.
Không muốn cho con trai của mình biết, bà gặp bạn học của nó là Dương Đức Quảng nhờ dẫn đến gặp trưởng khoa”.
Ông Bùi Thanh Hiếu có nhắc đến Trưởng khoa Văn của chúng tôi ngày ấy. Đó là cố giáo sư Hoàng Xuân Nhị, một người thầy đáng kính của chúng tôi, từng tốt nghiệp nhiều trường đại học ở Pháp, về nước tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, sau đó làm Trưởng khoa Văn, đưa cả gia đình sơ tán lên Tràng Dương với anh chị em sinh viên chúng tôi. Khi ở Tràng Dương tôi từng có lần đi câu cá chuối (cá quả) trên mấy cánh đồng ngập nước và dọc theo mấy con suối chảy qua xã, gặp thầy Hoàng Xuân Nhị cũng đi câu ở đây! Vì thế chắc chắn không có chuyện mẹ anh Nguyễn Phú Trọng lại phải nhờ tôi đưa đến gặp thầy Hoàng Xuân Nhị và thầy đã nhận 20 quả trứng của bà, sau này còn nhận thêm ba con gà mái “hối lộ” của bà để thầy đỡ đầu cho Nguyễn Phú Trọng ở lại học tiếp, không phải đi chiến trường như chúng tôi. Viết như thế,ông Bùi Thanh Hiếu đã xúc phạm cả thầy Hoàng Xuân Nhị đáng kính của chúng tôi.
Ông còn viết : “Đến năm 1967 chiến tranh ác liệt, trường điều động sinh viên đi vào Nam. Bạn cùng khoá với Trọng nhiều người đã phải vào Nam chiến đâu và hy sinh, có người bây giờ vẫn còn sống. Trong số còn sống đó có Dương Đức Quảng và Vũ Duy Thông. Hai người này xét về mặt tài năng vượt trội Nguyễn Phú Trọng nhiều lần”. Tôi có thể khắng định ông Bùi Thanh Hiếu đã viết không đúng vì tôi cùng Vũ Duy Thông ra trường năm 1966, chứ không phải năm 1967. Sau đó tôi vào làm phóng viên thường trú của TTXVN tại Quảng Bình còn Vũ Duy Thông làm phóng viên thường trú của TTXVN tại Hà Tĩnh trong những năm đầu chống lại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ. Lúc đó chủ yếu Mỹ ném bom và bắn phá các tỉnh thuộc khu 4 cũ, từ Nghệ An vào tới Vĩnh Linh. Năm 1971 từ Quảng Bình tôi đi tiếp vào chiến trường miền Nam, làm phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng tại Quảng Đà (Quảng Nam-Đà Nẵng). Còn Vũ Duy Thông được điều ra Quảng Ninh, sau này có sang Campuchia, chứ không có vào chiến trường miền Nam như ông viết. Còn nữa, tôi không bao giờ tự nhận mình giỏi giang, tài năng hơn người khác, nhất là khi so sánh với Tổng Bí thư như ông đã viết trong bài. Đến Tổng bí thư cũng không dám tự nhận mình hơn người khác cơ mà! Trong một lần gặp mặt đầu năm của lớp chúng tôi sau khi anh Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng bí thư Khóa XI, anh Trọng có nói:”Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận khác nhau, sau khi ra trường tài năng không biết ai hơn ai…”. Ông có thể vào Fb của tôi để đọc và xem cuốn video quay về lớp chúng tôi, nghe phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi gặp mặt này (Video này trong bài “Kỷ niệm về bài thơ Bạn cũ”).
Ông Bùi Thanh Hiếu còn viết “Nhớ lại chuyện này, ngày nay mấy bạn học của Trọng gặp nhau, vẫn đùa rằng.
– Ngày ấy không có ba con gà mái, chúng ta đâu có vị tổng bí thư lỗi lạc như bây giờ”.
Tôi không hiểu ông Bùi Thanh Hiếu lấy đâu ra chuyện 20 quả trứng và ba con gà mái của bà mẹ anh Nguyễn Phú Trọng biếu thầy Trưởng khoa mà bạn bè lớp chúng tôi không một ai biết và bây giờ chúng tôi vẫn thường xuyên gặp nhau nhưng tuyệt nhiên không thấy ai đùa rằng: “Ngày ấy không có ba con gà mái, chúng ta đâu có vị tổng bí thư lỗi lạc như bây giờ”. Chúng tôi, tất cả đều đã trên 70 tuổi rồi, tuổi biết mọi lẽ đời, sao lại còn ngớ ngẩn và trẻ con đến mức nghĩ rằng nhờ có ba con gà mái “hối lộ” cho vị Trưởng khoa Ngữ văn ngày nào của mẹ mà giờ đây anh Nguyễn Phú Trọng đã trở thành Tổng Bí thư của Đảng!
Kết thúc mấy dòng này, tôi chỉ muốn nói với ông Bùi Thanh Hiếu rằng: Dù ông có ghét cay ghét đắng chế độ này, dù ông có không ưa gì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đi nữa thì những điều ông viết ra trước hết phải đúng sự thật, không được bịa đặt, nói xấu, vu khống người khác, dù người đó là Tổng bí thư hay là một công dân bình thường. Bởi vì “lời nói là đọi máu”, “nhất ngôn xuất khẩu, tứ mã nan truy”, một câu nói buột ra cửa miệng đến bốn con ngựa cũng không đuổi được! Và còn nữa “một lần bất tín, vạn lần bất tin”, chỉ cần một lần lừa dối làm người khác không tin thì vạn lần sau có nói gì người ta vẫn không thể tin được một người đã tùng nói dối!
Dương Đức Quảng
Tin cùng chuyên mục:
Phương thức ám sát mới: Nguy cơ từ thiết bị điện tử
Vụ bỏ cọc đất đấu giá ở Hà Nội: Hiện tượng thao túng thị trường Bất động sản
Vụ sập cầu Phong Châu: Cần làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm
Phú Thọ: Khẩn trương xây dựng cầu Phong Châu mới sau sự cố sập cầu