Thịt Chó, Hàng Hiệu & Bài Học Cơ Bản Về Nhận Thức

Người xem: 231

“Không có đàn bà xấu, chỉ có đàn bà không có khả năng sở hữu đồ da cá s(x)ấu” – Zarabulldogra

Đã lâu lắm rồi tôi không ăn thịt chó, và tương lai chắc sẽ không bao giờ ăn nữa. Tôi không ăn thịt chó không phải vì tôi tập làm “người văn minh”, mà đơn giản hơn thế nhiều, tôi bị gút. Nghĩa là tôi thích ăn thịt chó, nhưng phải kiêng vì có bệnh. Vậy thôi.


Ăn uống là một thói quen, khi thói quen ấy tồn tại ở qui mô một cộng đồng, thì nó là văn hóa. Vì thế mới có cụm từ Văn-hóa – Ẩm thực.

Một trong những thuộc tính nổi bật của con người là sự áp đặt. Áp đặt ý chí của mình lên tự nhiên, lên chủng loài khác, dân tộc khác, người khác. Mà tất cả ý chí của con người ta đều có xuất phát điểm là nền tảng văn hóa. Xung đột văn hóa là xung đột lớn nhất ở loài người, đặc biệt là loài người Tiền-Hiện đại.

Người ta luôn tự cho mình cao hơn người khác, do đó nẩy sinh áp đặt. Áp đặt, chính là tinh thần chủ đạo của chủ nghĩa thực dân. Cũng đừng hiểu “Thực dân” nghĩa là phương Tây, mà mỗi chúng ta đều là những tên thực dân tiềm năng. Chúng ta lên vùng cao, vùng dân tộc thiểu số để truyền bá “Lối sống văn minh”, “Văn hóa mới” cũng là thực hiện hành vi mang tinh thần thực dân. 

Chủ trương “Giải Trung tâm”, “Giải đại tự sự”, tôn trọng văn hóa ngoại vi, thiểu số, chính là chủ trương chống tinh thần thực dân của chủ nghĩa hậu hiện đại (Postmodernism). “Giải Trung tâm” đồng nghĩa với công nhận những giá trị “Hiện thực phân mảnh”, giá trị thiểu số, giá trị cá nhân.

Xã hội Annam thế kỉ 21, người ta đã biết tới lí thuyết hậu hiện đại, các nghệ sĩ đã biết đú thực hành Postmodernism, nhưng từ vô thức, con người Annam vẫn hoàn toàn xa lạ với tinh thần này.

Việc rất nhiều văn nghệ sĩ, trí thức lên tiếng dè bỉu, kì thị việc ăn thịt chó (mà hoàn toàn không có lí do chính đáng) là minh chứng rõ nhất cho việc chẳng những không có một chút gì “Hậu hiện đại” mà vẫn còn mang nặng tâm thức nô lệ, thế kỉ 16.

Khi một người phương Tây da trắng nói “Bọn Annam là lũ mọi rợ, chúng ăn thịt chó”, đó là tinh thần thực dân.

Khi một người Annam nói “Chúng ta thật mọi rợ khi ăn thịt chó. Người phương Tây họ không ăn thịt chó”, đó là tinh thần nô lệ.

Tại sao ăn thịt chó là mọi rợ? để trả lời câu hỏi này, hãy lấy chính tinh thần của người phương Tây để suy xét, xem liệu việc ăn thịt chó có phải là mọi rợ hay không. 

Các triết gia duy lợi nói “Mọi ham muốn không làm ảnh hưởng tới người khác đều được coi là lương thiện”, còn các nhà bảo vệ môi trường nói “Con người chỉ được phép ăn những gì họ có thể làm ra (bao gồm chăn nuôi, trồng trọt – bvv)”. Như vậy, ham thích ăn thịt chó phải được coi là lương thiện, và chúng ta được phép ăn thịt chó, bởi chó là vật nuôi.

Không phủ nhận rằng dân tộc ta mọi rợ, lạc hậu, nhưng trong phạm trù văn hóa, không thể học tập một cách máy móc, kiểu “Tây họ thế”. Văn hóa sẽ thay đổi bởi nhận thức một cách từ từ. Có thể trong tương lai, dân Annam sẽ không còn ăn thịt chó, nhưng sự thay đổi ấy nó sẽ tới một cách tự nhiên, phù hợp thực tế, hoàn cảnh, chứ không tới từ sự xác quyết có tính áp đặt.

Nói về chuyện ăn thịt chó, chẳng qua muốn nói về một việc có tính thời sự hơn: Sự việc người ta đang lên án vài kiều nữ xài hàng hiệu từ da cá sấu.

Ăn thịt chó tốt hay xấu, chúng ta cần nhận thức dựa trên một nền tảng lí luận, suy nghiệm, thì việc xài hàng hiệu làm từ da cá sấu cũng vậy. Xài đồ da cá sấu có đáng phê phán hay không, là một câu hỏi cần trả lời dựa trên những lí luận logic.

Ham muốn xài hàng hiệu dĩ nhiên lương thiện, bởi nó chẳng ảnh hưởng tới ai. Hàng hiệu làm từ da cá sấu cũng được phép dù đánh giá theo tiêu chí môi trường. Cá sấu là loại động vật con người nuôi được, do đó người ta có toàn quyền sử dụng.

Để chống việc dùng sản phẩm từ da cá sấu, người ta share những hình ảnh lột da cá sấu kèm cation “Dùng đồ da cá sấu là tàn nhẫn. Bị lột da, cá sấu vô cùng đau đớn”. Họ thương cá sấu đau đớn, nhưng tôi tin họ vẫn ăn thịt bò, thịt heo…, là những con vật cũng rất đau khi bị chọc tiết. Có thể hình ảnh chọc tiết heo, bò không phổ biến, nó “Khuất mắt trong coi”, nhưng mời quí vị tới đường sư thiện chiếu, nơi nổi tiếng với món lẩu cá kèo. Ở đây, người ta đổ vào nồi lẩu đang sôi những con cá kèo sống nguyên. Lũ cá kèo giẫy rụa làm nước lẩu văng tung tóe trước mặt thực khách.

Cá kèo, cá sấu, cùng là cá, và cùng được nuôi, tai sao có sự phân biệt đối xử lớn đến thế?

Có vài nhà báo lên án những kiều nữ xài hàng hiệu từ da cá sấu là “Vô cảm”, là “Khoe mẽ”…etc, họ còn lôi cả phu nhân Thủ tướng Singapore để đối chứng. Rằng người ta đức cao vọng trọng nhưng người ta khiêm tốn… blo bla. Về trường hợp bà Ho Chinh, vợ ông Lí Hiển Long, tôi đã viết, nay không nhắc lại, mà chỉ muốn đặt câu hỏi, rằng, tại sao các kiều nữ phải học tập bà Ho Chinh, mà bà Ho Chinh chẳng cần học ai?

Với cương vị tót vời của mình, bà Ho Chinh muốn nổi bật thì phải xài túi 11 usd (bả xài túi vài ngàn thì có gì đáng để ý?), ngược lại, một bần nông mõm vuông răng bựa như kiều nữ Annam, muốn nổi cần phải xài túi vài (chục) ngàn. 

Một trong những khao khát lớn nhất nhất, bản nguyên nhất của con người, là khao khát nổi bật, khao khát tự khẳng định, và được nhìn nhận. Một hành vi xuất phát từ khao khát bản năng, tự thân nó không bao giờ xấu. Nó chỉ xấu khi nó biến tướng quái dị theo những cách nào đó. Hoặc nó trở nên xấu bởi nó bị áp đặt những ý chí nhân danh các tín điều (thường là đạo đức) vô căn cứ.

Tóm lại, ăn thịt chó hay xài đồ cách khoa trương đang bị mang tiếng xấu. Nó xấu trên những cơ sở, lí do rất mơ hồ. Sự khác nhau giữa mỗi chúng ta chỉ giản đơn là, dễ dàng hùa theo lên án, hay dừng lại một giây để nhăn trán, rằng nó có xấu thật không, nó có đáng lên án thật không.

Riêng về chuyện các kiều nữ bị săm soi (họ bị soi chẳng riêng gì việc xài đồ), nó đang phản ánh một tâm lí số đông. Một đám người vô danh, vô nhân dạng đang tìm mọi cách để khẳng định nhân dạng, mà một trong những cách đó là săm soi chửi rủa những kẻ đang đứng trên đỉnh chuỗi thức ăn (hay đỉnh tháp maslow cũng đặng), những kẻ thuộc số ít trong một bầy đàn người. 

Thứ tâm lí này là nền tảng của thói ghen tị, thứ ghen tị này nằm trong tầng vô thức nên người ta không nhận ra. Khi vô thức điều khiển ý thức, nó thường được ngụy trang dưới hình dạng khác, như “bất bình”, “Công bằng”, “Đạo lí”… chẳng hạn. Vô thức bần tiện ngụy trang dưới những hình dạng đẹp đẽ, nên các nhà văn nhà báo thiên tài của chúng ta cũng không khác lũ mù chữ bao nhiều. Họ cũng thường xuyên độc ác một cách cực kì hồn nhiên và đáng yêu. Nhưng đây là một đề tài không thể viết kĩ trong vài dòng, sẽ trở lại với nó bằng một bài riêng.

Hãy nhớ rằng, hành vi của chúng ta bị qui định phần lớn bởi vô thức. Chúng ta chỉ khác nhau ở chỗ, có để vô thức đánh lừa hay không, hay nói rõ hơn là, ý thức của chúng ta đủ mạnh mẽ tỉnh táo để nhìn ra sự xảo trá của vô thức bản thân hay không mà thôi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *