Từ năm 2006 đến nay, phong trào dân chủ Việt Nam (thực chất phong trào chống Cộng) đã ở trong một thời kì trăm hoa đua nở. Bề ngoài, các hội đoàn chống Cộng luôn phất cao cùng một lúc vài ngọn cờ đầy chính nghĩa – như dân chủ, nhân quyền, công lý, tự do ngôn luận…, thậm chí cả từ thiện và bảo vệ môi trường. Nhưng nếu cư dân mạng đọc lịch sử trước khi đọc các bản tuyên ngôn, họ sẽ biết rằng từng nhánh của phong trào dân chủ Việt đều khởi đầu từ những nguyên nhân hoàn toàn khác. Dù trong những thời điểm nhất định, phong trào có qui tụ được một vài cá nhân có thiện chí, thì chung qui lại, toàn bộ dòng chảy lịch sử mà phong trào để lại cho đến nay vẫn luôn bị những kẻ trục lợi chính trị lợi dụng những mâu thuẫn đã có sẵn giữa các bộ phận của dân tộc Việt Nam, nhằm kích động không khí hận thù để lái hướng.
1. Dựa vào các thế lực cực đoan trong Công giáo
Dựa vào thế lực cực đoan trong Công giáo để nuôi dưỡng, hình thành, phát triển « phong trào dân chủ » là đặc trưng rõ nét nhất. Vì sao thế lưc này lại luôn hận thù và tìm cách lật đổ chế độ chính trị hiện nay ?
Dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, Công giáo từng được giữ một địa vị chủ chốt trong hệ thống của miền Nam Việt Nam vì hai lí do. Thứ nhất, hệ thống chính quyền của Việt Nam Cộng hòa vẫn kế thừa lớp nhân sự cũ của chính quyền thuộc địa Pháp, trong đó người Công giáo – hậu thuẫn quần chúng quan trọng nhất của Pháp ở Việt Nam – nắm nhiều ưu thế về cả trình độ đào tạo lẫn vị thế. Thứ hai, gia đình của Ngô Đình Diệm, tổng thống Việt Nam Cộng hòa đầu tiên, là một gia đình Công giáo.
Tổng giám mục Ngô Đình Thục, anh trai ông Ngô Đình Diệm
Hai lí do này khiến trong chế độ Việt Nam Cộng hòa, Công giáo được thiên vị một cách công khai. Ngô Đình Diệm dành cho Giáo hội Công giáo quyền chi phối các trường (kể cả trường không phải của Giáo hội) về mặt tinh thần, cốt đảm bảo thực hiện được nội dung giáo dục « duy linh », mà thực chất là nội dung thần học theo lối triết học kinh viện thời Trung cổ. Phần lớn các học bổng đi học nước ngoài đều rơi vào tay các linh mục hoặc con em gia đình Công giáo[1]. Hệ thống trường tư thục của Công giáo phát triển rất nhanh. Avro Manhattan thống kê rằng: Từ năm 1953 đến năm 1963, khắp miền Nam đã xây dựng 145 trường cấp II và cấp III, riêng ở Sài Gòn có 30 trường với tổng số 62.324 học sinh. Cũng trong cùng thời gian này, Giáo hội Công giáo ở miền Nam Việt Nam, từ chỗ chỉ có 3 trường cấp II và III trong năm 1953, đến năm 1963 đã lên tới 1.060 trường, tức là tốc độ tăng nhanh gấp 8 lần hệ thống trường công[2]. Có nơi Linh mục dùng uy thế của mình để phụ huynh không cho con học trường công mà phải vào học trường của Giáo hội, nên trường tư thục của Giáo hội làm tê liệt cả trường công, khiến trường công trở nên trống rỗng do không tuyển được học sinh[3].
Trong thời kì 1955-1963, các trường học miền Nam được nghỉ lễ Noel đến 15 ngày. Trong khi đó, năm 1956, kì lễ Phật đản bị bãi bỏ.
Trong văn thư số 124 ngày 1/8/1963 của Uỷ ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo gửi ông Frederick E. Nolting (đại sứ Mỹ tại Sài Gòn) có đoạn: “Mỗi năm lễ Giáng sinh đều được cử hành với sự tham gia trực tiếp và hữu hiệu của Chính phủ, nào thông điệp của Tổng thống, công sở treo cờ trang hoàng, nào Công giáo độc chiếm Đài quốc gia để phát thanh trong mấy ngày liền trên hệ thống A chính thức, nào bắt toàn thể nhân viên của Phủ Tổng thống, các ông bộ trưởng, các công chức cao cấp, kể cả những người theo đạo Phật phải dự lễ nửa đêm v…v… Quá quắt hơn hết là việc năm rồi, một hang đá (phỏng theo câu chuyện Chúa Jesus chào đời) được đặt ngay tại Tòa Đô chính, làm như toàn dân Châu thành Sài Gòn là người Thiên Chúa giáo.”
Trên núi Thiên Bút, tỉnh Quảng Ngãi vốn có nền cũ của chùa Phật giáo. Khi chính quyền Ngô Đình Diệm lên kế hoạch xây nhà thờ Công giáo trên đó, họ gặp phải phản ứng dữ dội từ phía Phật tử địa phương.
Ngày 27/7/1961, quân đội Việt Nam Cộng hòa bắn hàng loạt đạn cối vào chùa Cao Dân, xã Tân Lộc, Cà Mau khi 200 người Khmer đang làm lễ nhập hạ, khiến 20 người chết và bị thương.
Không đáng ngạc nhiên, khi tình trạng phân biệt đối xử này gây bức xúc cho những thành phần xã hội không Công giáo. Biến cố Phật giáo tháng 5 năm 1963 trở thành một trong những nguyên nhân trực tiếp khiến chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Sau 1975, Đảng Cộng sản đánh đuổi chế độ Mỹ ngụy, Công giáo tự nhên mất hết « đặc quyền đặc lợi », bình đẳng với các tôn giáo khác . Ngày 19/6/1988, 117 tu sĩ và giáo dân Công giáo Việt Nam được Vatican phong thánh. Chính quyền Việt Nam phản đối việc phong thánh này, vì họ cho rằng danh sách được phong bao gồm cả những người mà họ cho là “tay sai của đế quốc, lót đường cho thực dân Pháp xâm lược Việt Nam” từ năm 1884.
Trong lịch sử, Công giáo luôn bị chính quyền phong kiến và các phong trào yêu nước tẩy chay. Toàn bộ các thánh tử đạo của Công giáo Việt Nam đều bị xử tử bởi các chính quyền phong kiến hoặc phong trào yêu nước , như phong trào Văn Thân và Cần Vương. Mặt khác, bất kể những lập luận của Giáo hội về sự vi phạm của chính quyền nhà Nguyễn đối với “quyền tự do tôn giáo”, ta cũng không thể phủ nhận vai trò của người Công giáo trong tiến trình xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam. Như sử gia Pháp Georges Coulet viết trong cuốn Cultes et Religions de l’Indochine Annamite (Saigon, p. 99), “ Thiên Chúa giáo đã mở cửa cho quân đội Pháp và đã là nguyên nhân trực tiếp của cuộc xâm lược”. Hiện nay, vai trò của các giáo sĩ thừa sai Pháp trong cuộc xâm lược vẫn được lưu trữ đầy đủ trong các tài liệu được cung cấp bởi văn khố của Hội Thừa sai Paris. Cuốn “Thừa Sai Công Giáo Pháp và các chính sách của dế quốc tại Việt Nam 1857-1914”[4] của Patrick J.N. Tuck là một nguồn tổng hợp tương đối đầy đủ các tài liệu này.
Vì vậy, có thể nói rằng không ít thì nhiều, mâu thuẫn giữa Giáo hội và chính quyền hiện hành chỉ là sự tiếp nối của mâu thuẫn giữa Công giáo Việt Nam và triều đại phong kiến, phong trào yêu nước và chế độ chính trị hiện nay. Vấn đề nằm ở chỗ khi lợi dụng mâu thuẫn này để khuấy động không khí hận thù, các thế lực trục lợi chính trị luôn che lấp dòng lịch sử đi, và viện dẫn những cái cớ mang tính thời sự. Dòng chảy xuyên suốt, ngầm ẩn bị lãng quên, và người ta tưởng rằng mình đang gây chiến với nhau chỉ vì những gợn sóng lăn tăn nhất thời trên mặt nước. Chẳng hạn, trong phần lịch sử tóm tắt của dòng Chúa Cứu thế Việt Nam trên trang cuuthe.org, việc “đấu tranh cho Công lý và Hòa bình” được xem như một hoạt động của dòng Chúa Cứu thế. Theo đó, “phát động từ Thái Hà (Hà Nội), dòng Chúa Cứu thế tại Việt Nam chọn đứng về phía người nghèo, người bị áp bức, nạn nhân của bất công, nạn nhân của cường quyền…”. Như vậy, bất chấp thực tế rằng mình là một cộng đồng có hận thù lâu năm với các lực lượng chính thống, dòng Chúa Cứu thế Việt Nam tỏ ra như thể mình là một bên thứ ba trung lập, đang tiếp cận những bộ phận dân chúng mới hình thành mâu thuẫn với chế độ, để giúp đỡ họ một cách hào phóng và vô tư.
Các hoạt động chính trị của dòng Chúa Cứu thế tại Việt Nam, như huấn luyện truyền thông và cung cấp nơi ở, địa điểm họp báo, phương tiện kĩ thuật… cho thành viên các tổ chức đối lập, hoặc trực tiếp tham gia vào các cuộc biểu tình liên quan đến chính sách đối ngoại và chính sách đất đai của chính quyền, vốn vẫn nhận được một sự hậu thuẫn lớn từ chủ trương của hàng giáo phẩm cấp cao. Trong thực tế, Hội đồng Giám mục Việt Nam không cứng nhắc tuân thủ nguyên tắc tách rời sinh hoạt tôn giáo và sinh hoạt chính trị thế tục.
Dễ hiểu, trong hầu hết các hoạt động chính trị của Dòng Chúa cứu thế đều có bóng dáng của các thế lực “chống cộng” trong và ngoài nước hoặc tham gia hoặc hậu thuẫn. Đến thời gian gần đây, xuất phát từ nhận định cho rằng Formosa là “tử huyệt” của chế độ cộng sản nên các thế lực này đổ dồn mọi nhân vật lực, tài chính, hy vọng thế lực trong Công giáo sẽ làm được cái việc mà hơn 40 năm qua họ không làm nổi
Nguồn Blog GĐTQT
Chú thích:
[1] Lê Cung, “Chính sách của chính quyền Ngô Đình Diệm đối với Phật giáo Miền Nam trên lãnh vực kinh tế – xã hội và văn hoá – giáo dục”
dẫn Nguyễn Văn Trung, tạp chí Bách Khoa số 175, ngày 15-4-1964, trang 37-43.
http://www.giaodiemonline.com/thuvien/doithoai/lecung_diem-vhgd.htm
[2] Avro Manhattan, “Vietnam Why did we go?”, Ca. USA, 1984, trang 85.
[3] “Vietnam: The unheard Voices”. Cornell University Press, Ithaca, USA, 1969, trang 111.
[4] Patrick J.N. Tuck, “French Catholic Missionaries and the Politics of Imperialism in Vietnam 1857-1914”, Liverpool University Press, 1987
Tin cùng chuyên mục:
Nguyễn Xuân Diện và sự thật lịch sử về Hải chiến Hoàng sa
Con trai ông Trump nói Tổng thống Zelensky nài nỉ được mời đến buổi lễ nhậm chức
Nam thanh niên bị hành hung dã man trong khu dân cư Đông An 2
Nghị định 168 và những luận điệu xuyên tạc của RFA